ClockThứ Hai, 10/06/2019 08:42

Ký ức mùa thi

TTH - Thấm thoắt mà đã gần 40 năm, kể từ ngày ba chở tôi đi thi đại học trên chiếc xe đạp cọc cạch.

Thi THPT quốc gia 2019: Vẫn lo chấm thi tự luận

Hồi ấy, rất ít người có xe máy. Nhà cách trường thi cũng khá xa nên mạ tôi thức dậy từ sớm để nấu ăn cho tôi kịp đi thi. Phòng khi xe hư dọc đường và những chuyện khác nữa, mới sáu giờ sáng, tôi lên xe để ba chở đi.

Lên dốc cầu Phú Xuân để qua khu vực nội thành, ông còng lưng rướn người đạp để khỏi mất đà. Mới sáng sớm nhưng mùa hè ở Huế rất oi bức, nhìn lưng áo ba tôi đã lấm tấm mồ hôi. Tiếng ve ran, phượng nở rực hai bên đường. Tôi đến trường thi lúc ấy cũng chỉ rải rác người, nhiều thí sinh chưa đến vì còn lâu mới tới giờ thi. Ngồi ở sân trường tôi lo lắng không biết đề thi năm nay như thế nào, có “trúng tủ” phần mình ôn tập không…

Hồi hộp nhất là khi giám thị đọc qua đề thi một lần trước khi viết ở bảng. Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào thi,… tiếng trống báo hiệu mở đề thi,… tiếng trống bắt đầu làm bài thi,… Vừa căng thẳng lại vừa nóng, tôi làm bài thi mà mồ hôi tứa ra đầm đìa cả áo.  Rồi tiếng trống báo hiệu hết giờ thi,… Sau này, mỗi lần nghe tiếng trống trường lòng tôi lại gợn lên bao kỷ niệm buồn, vui của những tháng, ngày… Trước thi mấy ngày, mạ tôi hay nấu chè đậu, lúc thì đậu xanh lúc thì đậu đỏ, đậu ván (không nấu đậu đen vì sợ đen đủi), rồi không biết nghe ai nói mà mạ còn dặn là không ăn thịt vịt (sợ xui), không ăn trứng lộn (vì sợ làm bài lộn trước lộn sau),… Mạ dặn nhiều, nhiều lắm.

Trong các buổi thi, ba tôi và nhiều người khác ngồi ở bãi cỏ bên đường, dưới tán phượng để chờ, trong lòng dấy lên bao niềm hy vọng,... Mong muốn của ba tôi không thành, năm ấy tôi thi rớt. Dù có buồn nhưng không hề rầy la gì, ba còn động viên tôi thi lại đại học. Học sinh thì đông nhưng lúc ấy ít trường đại học lắm, ở Huế có Trường đại học Y khoa, Tổng hợp (nay là Trường ĐH Y Dược và ĐH Khoa học) và Trường đại học Sư phạm, sau đó có thêm Trường đại học Nông nghiệp II Huế. Ngay tại Đà Nẵng lúc bấy giờ cũng chỉ có Trường đại học Bách khoa mà thôi. Thí sinh muốn thi vào trường khác phải vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội,...

“Cổng trường đại học cao vời vợi”, không ít người nản chí, bỏ cuộc sau kỳ thi rớt đại học lần đầu để chọn cho mình một hướng đi khác. “Hội” thi lại đại học của chúng tôi có người thi lại năm thứ hai, thứ ba, có người thi lại đến năm thứ tư và thường chọn những nơi yên tĩnh như thư viện, hoặc đến các chùa để ôn tập. Chúng tôi đến sớm trước và chực sẵn ở cửa thư viện, khi  mở cửa thì vào ngay, nếu chậm chân thì sẽ hết chỗ.

Sau một năm chịu khó miệt mài sách đèn, tôi đã vào được đại học trong niềm vui sướng, hạnh phúc của gia đình. Mấy ngày liền nhà tôi rộn ràng bởi bà con, xóm giềng đến chúc mừng. Ba mạ tôi còn tổ chức liên hoan. Nói là liên hoan cho “xôm” vậy, nhưng chỉ có nồi bún, nồi chè. Bạn bè đến đông lắm, đàn hát vui chơi đến tận khuya,…

Năm trước, con tôi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cũng ở địa điểm mà tôi thi vào đại học năm xưa. Ngôi trường bây giờ khang trang, bề thế và đẹp hơn nhiều. Tôi chở con đi thi bằng xe máy trên con đường được trải nhựa phẳng phiu, chứ không phải ổ gà, ổ vịt như ngày trước. Cho con ăn tô bún bò nóng làm tôi nhớ nắm xôi đậu mẹ nấu năm xưa với bao hy vọng đem lại may mắn cho tôi khi thi cử…Một mùa thi nữa lại đến, thí sinh gần xa có mặt trong cái nắng chói chang khi Huế đang vào hè.

LINH THIỆN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Đoàn đại biểu tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào

Từ ngày 4 - 6/4, đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cổ truyền Bunpimay Lào và tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh Sê Kông . Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ.

Đoàn đại biểu tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Return to top