ClockThứ Ba, 05/02/2019 12:00

Ký ức xuân tươi

TTH - Từ ngôi nhà ấy, cứ vào dịp tết, họa sĩ Lưu Công Nhân lại gửi cho tôi một bức tranh giấy thay cho lời chúc đầu xuân, và bao giờ cũng là tranh vẽ hoa.

Đó là một sớm mai ngày giáp Tết thật thảnh thơi sau những hối hả, tất bật chuẩn bị đón xuân mới, tôi nhận được một bì thư khổ lớn với nét chữ người gửi thật thân quen ở miền Bắc. Bên trong không có thư, chỉ một tờ giấy trắng khổ vở học trò vẽ một cành đào thật giản dị mà cũng thật tài hoa. Những đốm hoa đỏ hồng rải rác, phơ phất trên cành nhánh sắc đen rắn rỏi, bên dưới là chữ ký của người bạn vong niên: họa sĩ Lưu Công Nhân. Chỉ thế thôi nhưng bức tranh nhỏ đã mang cả một mùa xuân tươi ở nơi xa đến với tôi: “Một đóa đào yêu khéo tốt tươi /Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười” (Nguyễn Trãi - Đào hoa thi), và cho tôi hiểu được tấm lòng người gửi: “Một cánh đào rơi nhớ cố nhân” (Nguyễn Bính - Xuân tha hương).

“Lại tặng ông tí Tết Tý”

Những ngày cuối năm, theo thói quen tôi vẫn thường mở cái kho ký-ức-mùa-xuân, tìm lại những cánh thiệp tết xưa cũ gửi đến từ phương xa, những tranh con giáp đầy màu sắc đã từng được treo suốt năm mà lòng bồi hồi với bao kỷ niệm bằng hữu thân quen, có người nay đã không còn, có người như chiếc lá khô mong manh sắp lìa cành.

Tranh tết, phần lớn là tranh con giáp của năm, tôi nhận được từ các họa sĩ thân thiết hay bạn hữu lâu năm: Bùi Quang Ngọc, Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đặng Xuân Hòa, Đặng Thị Dương… Chỉ riêng Lưu Công Nhân tặng tranh vẽ hoa.

Bì thư chứa bức tranh hoa đào ấy được đóng dấu bưu điện thị xã Vĩnh Yên, nơi họa sĩ Lưu Công Nhân đã sống nhiều năm trong một ngôi nhà xinh xắn ở mặt tiền, trên đường đi đến đền Hùng, Bãi Bằng, Việt Trì và xa hơn nữa. Cũng một sớm mùa xuân hơn hai mươi năm trước, từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội tôi đáp tàu hỏa đến Vĩnh Yên theo lời rủ rê của ông Nhân. Tàu đến ga Vĩnh Yên trời vẫn mờ tối, bên ngoài gió rét ào ào thổi qua sân ga vắng vẻ. Bước xuống tàu đã thấy ông Nhân đứng đón. Ngày ấy ông còn phong độ lắm, cao lớn, đẹp trai, sừng sững trong tấm áo blouson cỏ úa và trên đầu là chiếc bê-rê đen cố hữu.

Lưu Công Nhân trong phòng vẽ của ông ở Đà Lạt (tháng 7-2003)

Rồi ông chở tôi về ngôi nhà nhỏ có chữ “Nhân” (人) trước cổng, hai bên đường là những thân bàng già nua chi chít mầm xanh non vừa nứt ra, báo hiệu mùa đông buốt giá đã qua đi. Thi thoảng lại bắt gặp vài cây hoa gạo cao vút nở hoa như màu lửa cháy. Từ ngôi nhà ấy, trong mấy hôm liền, ông Nhân chở tôi bằng con xe máy Honda 82 rong ruổi khắp vùng đất Tổ, lên đến gần Tuyên Quang mới quay về. Tiếc thay, ngôi nhà có chữ “Nhân” ở Vĩnh Yên đã biến mất sau khi con đường trước mặt được mở rộng, thuở tỉnh Vĩnh Phú tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Từ ngôi nhà ấy, cứ vào dịp tết, họa sĩ Lưu Công Nhân lại gửi cho tôi một bức tranh giấy thay cho lời chúc đầu xuân, và bao giờ cũng là tranh vẽ hoa. Có khi cả một ôm đầy đủ loại hoa, nào là loa kèn, thược dược, hoa hồng, huệ tây, chuối rừng… thắm tươi, lung linh, rực rỡ. Có khi là vài bông hoa dại nở đâu đó trên những nẻo đường thôn lấm của Vĩnh Yên hay chỉ là một cành đào giản dị như kể trên. Cũng có khi chỉ là tàu lá cọ trung du xòe rộng như mặt trời xanh thẫm. Thích nhất là Tết Bính Tý 1996, tôi nhận được một bình hoa tươi và trái chín vẽ trên giấy điệp - loại giấy được dùng để in tranh tết dân gian của làng tranh Đông Hồ - với dòng chữ dí dỏm viết trên tranh “Lại tặng ông tí Tết Tý”. Tranh giấy điệp hay giấy dó của ông Nhân thường có chữ viết của ông, tựa tranh thủy mặc Trung Hoa có thư pháp của tác giả đi cùng, làm nên một nét đặc trưng của hội họa Lưu Công Nhân.

“Một cánh đào rơi nhớ cố nhân”

Rời Vĩnh Yên, ông Nhân về sống ở Đà Lạt trong ngôi biệt thự cuối con dốc dẫn xuống một thung lũng trồng rau và hồng ăn quả. Từ ngôi nhà phủ kín những dây cát đằng hoa phớt tím và móng cọp hoa xanh biếc, mỗi sớm mai ông lại chống gậy, khó nhọc bước lên con dốc cao để đi bộ đến hồ Xuân Hương. Lưu Công Nhân đã yếu đi nhiều bởi năm tháng chất chồng lại thêm căn bệnh quái ác parkinson hành hạ, nhưng nụ cười thì vẫn rạng rỡ như xưa: “Tôi vẫn vẽ được ông ạ - ở đây khắp nơi những hoa là hoa nên tha hồ vẽ hoa”.

Tôi thường đến thăm ông ở ngôi nhà đó khi có dịp lên thành phố dốc đồi, đến trước cái cổng sắt rợp bóng giàn hoa giấy nhiều màu tím - đỏ - hồng - trắng, nhấn chuông và chờ ông chậm chạp bước ra mở cửa. Trong nhà, tranh hoa ở khắp nơi. Những hoa loa kèn trắng muốt sang cả. Những đóa hồng vàng kiêu hãnh. Những bình lay-ơn đỏ tươi trang trọng. Những cụm cúc tím mộng mơ và đám dã quỳ vàng rực phong trần. Có cả những bông hoa chỉ ở trong thế giới tưởng tượng vô tận của người nghệ sĩ… Trong phòng vẽ của của ông, nơi khung cửa sổ mở ra một mảng Đà Lạt đẹp đến nghẹt thở, có vài bình hoa còn tươi hay đã héo khô được dùng làm mẫu. Tôi còn nhận được quà tặng của ông là những tranh hoa tết vẽ từ thành phố ngàn hoa ấy cho đến lúc ông không còn cầm nổi cọ vẽ nữa… Bức tranh hoa cuối cùng ông gửi tôi là vào dịp Tết Đinh Hợi 2007, với dòng chữ đã ngả nghiêng: “Thân tặng Chức, những ngày ốm đau”.

Bao mùa xuân đã đi qua, bức tranh “Lại tặng ông tí Tết Tý” vẫn được treo ở phòng khách nhà tôi như một kỷ niệm đẹp đẽ. Hoa trong tranh sẽ chẳng bao giờ tàn phai…

Bài, ảnh: Nguyễn Trọng Chức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
Return to top