ClockThứ Năm, 01/11/2018 14:24

Kỳ vọng đô thị Huế xanh, sạch, không rác thải – kỳ 2: Mắt xích xây dựng đô thị thông minh

TTH - Bằng nhiều cách và cần nhiều thời gian để thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong công cuộc xây dựng đô thị không rác thải. Nhưng mấu chốt không chỉ ở phần gốc mà cần một bộ máy điều hành, quản lý và hạ tầng, công nghệ xử lý phải đồng bộ, hoàn thiện.

Kỳ vọng đô thị Huế xanh, sạch, không rác thải - Kỳ 1: Lấy người dân làm trung tâm

Tuyên truyền trực quan bằng tranh, ảnh về chủ đề môi trường với mong muốn mọi người cùng thay đổi thói quen, hành vi trong ứng xử với cảnh quan môi trường

Sử dụng camera giám sát và phạt nguội

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cho rằng: Công ty đang thực hiện cả hai vai, vừa thu gom xử lý rác thải vừa làm công tác tuyên truyền vận động người dân. Kể cả những cơ quan, tổ chức, chính quyền cùng vào cuộc và bằng nhiều hình thức, song vẫn chưa “lay chuyển” được ý thức người dân. Vì thế, nếu chỉ tuyên truyền mà không xử lý và xử lý không nghiêm thì người dân sẽ “lờn” và vẫn tiếp tục vi phạm.

Trước đây có Nghị định 179, đến năm 2017 có Nghị định 155 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm, thẩm quyền, mức xử phạt... Thế nhưng, từ khi Nghị định 155 ra đời, thống kê tại các phường, đội quản lý đô thị, công an cho thấy hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Hầu như các vụ việc chủ yếu tập trung vào xử phạt, lập biên bản trong lĩnh vực xây dựng trái phép, sai phép hay ra quân theo các đợt chiến dịch cao điểm. Muốn đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, chỉ tuyên truyền thôi chưa đủ mà cần phải vận dụng chế tài, xử phạt nghiêm minh để tạo sức răn đe.

Trong kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, nhiều tuyến đường, cụm dân cư, khu vực trọng điểm sẽ được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Công nghệ giám sát này không chỉ phục vụ chính cho mục đích an ninh trật tự, giao thông, mà được vận dụng trong công tác quản lý vệ sinh môi trường. “Nhất cử nhất động” của người dân, tổ chức có hành vi vi phạm đều được ghi, chụp lại và sẽ được công khai nhắc nhở, phạt nguội.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho biết, hiện nay một số phường như Kim Long, Thuận Lộc đã lắp đặt khoảng 20 camera và một số phường khác như Phước Vĩnh, Phú Nhuận đang tổ chức lắp đặt. Thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh, Huế đang triển khai lắp đặt camera giám sát đô thị tại 15 vị trí dọc các đường chính, khu vực đông người như: bệnh viện, bến xe bến thuyền, chợ... với trên 40 camera để vừa giám sát trật tự đô thị, giao thông và hạ tầng kỹ thuật (bao gồm vệ sinh môi trường, thoát nước...). Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, giáo dục và xử phạt hành chính những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, xả thải không đúng nơi, đúng giờ quy định... Đánh mạnh vào lòng tự trọng và túi tiền của người dân sẽ là cách giáo dục hiệu quả về thói quen giữ gìn môi trường sống văn minh, hiện đại.

Khớp nối từng “mảnh ghép”

Tại một hội nghị về lĩnh vực môi trường, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành phát biểu, so với khoảng 10 năm trước, mỗi ngày TP. Huế có 100-150 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, nhưng bây giờ tăng lên hơn 260 tấn và toàn tỉnh hơn 500 tấn/ngày. Điều này chứng tỏ tính phức tạp, nhạy cảm về bảo vệ môi trường càng cao hơn; trong khi, du lịch dịch vụ được xem trọng, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, đô thị ngày càng phát triển... đòi hỏi sự an toàn về môi trường phải được chú trọng.

Để sánh bằng các đô thị văn minh của những nước bạn và những danh hiệu về môi trường được các tổ chức quốc tế phong tặng, từ chính quyền, ngành môi trường đến đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường cần đổi mới phương thức quản lý, xử lý tốt hơn, không cho phép làm “qua loa đại khái”.

Không chỉ tập trung thay đổi ý thức người dân, ngược lại, người dân có quyền đòi hỏi được sống trong môi trường trong lành, sạch rác, vì họ đang đóng góp một phần để chi trả dịch vụ môi trường. Nên để tương tác hiệu quả, đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường phải nâng cao trách nhiệm, đầu tư, đổi mới hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp điều kiện, nhu cầu thực tế của từng khu dân cư, tránh để rác tồn cư phát sinh ô nhiễm, mất mỹ quan.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế Nguyễn Việt Bằng, cơ sở, nền tảng về đô thị Huế xanh, sạch, đẹp đã có. Chất lượng cuộc sống của người dân Huế được nâng lên thông qua thực hiện các chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị, cải thiện hạ tầng môi trường đô thị và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhiều không gian xanh được phát triển, diện tích cây xanh bình quân đạt 12,97m2/người. Đường chính, kiệt, ngõ, các hồ khu vực nội thành được chỉnh trang, nâng cấp và hơn 420km đường chính, kiệt được chiếu sáng... Sắp tới còn có những chương trình, đề án lớn tỉnh đang dốc sức thực hiện như việc di dời 4.200 hộ dân ra khỏi khu vực Kinh thành Huế; phục hồi cảnh quan 41 hồ thuộc hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế kết hợp sông Ngự Hà, Ngoại Kim Thủy; quản lý cảnh quan sinh thái hai bên bờ sông Hương; đầu tư hạ tầng, công nghệ khu xử lý chất thải rắn Phú Sơn, mở rộng bãi chôn lấp rác Thủy Phương... Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” sẽ tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường hiệu quả, phát triển các dịch vụ môi trường thông minh, năng lượng xanh hướng đến xây dựng kiến trúc xanh...

Điều này cho thấy, triển vọng về xây dựng cảnh quan đô thị Huế xanh, sạch, không rác thải sẽ thành công khi có sự kết nối giữa ý thức thị dân cùng với vận hành hệ thống dịch vụ, hạ tầng tiện ích thông minh về du lịch, môi trường, y tế, giáo dục... thông qua trung tâm điều hành giám sát đô thị thông minh của tỉnh và của TP. Huế để tiếp nhận, xử lý.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đã xanh trên những triền đồi

Hạt thóc gieo xuống sườn đồi đã không còn lặng im chờ nắng gió để lên xanh. Những miệng ăn trong nhà không còn trông ngóng vào những gùi củi, gùi măng hái trên rừng về lúc chiều muộn. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới giờ đã biết làm ăn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, dần dần thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn ngày cũ. Đồng hành cùng với bà con dân bản tạo nên đổi thay ấy, có sự tận tâm tận lực của những người lính nơi biên cương.

Lúa đã xanh trên những triền đồi
Vì một môi trường sống sạch đẹp

Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net zero” “Reducing carbon footprint towards net zero”.

Vì một môi trường sống sạch đẹp
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch

Dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng hiện nay hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Hương Xuân (Nam Đông) vẫn thiếu nước sạch để sử dụng, gây khó khăn cho đời sống, sản xuất của các hộ dân.

Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch
Tạo chuyển biến từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

Sau 5 năm triển khai, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã nhận được sự hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Tạo chuyển biến từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

TIN MỚI

Return to top