ClockThứ Ba, 09/05/2017 14:02

Lại “nóng” chuyện tuyển sinh vào lớp một

TTH - Dù chưa kết thúc học kỳ 2 và còn cả 3 tháng hè, nhưng các bậc phụ huynh hễ gặp nhau là lại “thăm hỏi” cho con học lớp 1 ở đâu với không ít lo lắng.

Học trò Phú Mậu (Phú Vang) tới trường

Hệ lụy “hậu dần”

Ông Phan Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Huế cho biết, sức tải của một địa chỉ giáo dục tiểu học phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: cơ sở vật chất (CSVC) và đội ngũ. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục của từng trường vẫn có khoảng cách, chủ yếu do “đầu vào”, nếu học sinh có phụ huynh quan tâm nhiều đến học hành của con em mình thì nhà trường cũng có cơ hội hoạt động tốt hơn.

Hằng năm, Phòng GD&ĐT thành phố Huế chỉ đạo các trường làm công tác điều tra lấy danh sách học sinh tiền phổ thông rất sớm. Chỉ tiêu dựa trên các nguyên tắc: Điều kiện CSVC, chất lượng đội ngũ và nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn. Ngành GD&ĐT luôn chủ động để lên kế hoạch, bảo đảm cho mọi trẻ có hộ khẩu trên địa bàn thành phố đều có chỗ học.

Như vậy, về chất lượng mỗi trường thì vẫn tuỳ, ở nông thôn hay thành phố, cơ bản vẫn là điều kiện về CSVC. Nếu CSVC tốt, ngành điều phối đội ngũ tốt thì dù ở vùng sâu, vùng xa trẻ vẫn có cơ hội được bình đẳng khi đến trường.

Hằng năm, Huế đón khoảng 3.500 học sinh  lớp 1, nhưng năm  học 2017 - 2018 này sẽ rất cao, vì là năm các em sinh năm Mão đến trường. Số học sinh tuổi mão (2011) “hậu dần” (2010) được quan niện là “cao số” tăng đột biến. Số chênh sơ tính trên 1.500 em, là nguyên nhân gây nên những “bất bình thường” trong tuyển sinh sắp tới, khi CSVC không thay đổi.

Ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế cho biết, ngành đã có thống kê chính xác là 5.372 em vào lớp 1 năm học 2017-2018. Đón đầu cho việc tuyển sinh, ngành GD&ĐT thành phố Huế vừa tuyển 25/30 giáo viên tiểu học (30 là con số theo yêu cầu các trường gửi lên). Lý giải về việc không tuyển đủ 30 giáo viên cho năm học 2017 - 2018, ông Thuỷ cho rằng, việc tăng đột ngột số tuyển sinh chỉ là hiện tượng “hậu dần”, sang năm “đầu vào” sẽ trở lại dưới 4.000 em. Nếu tuyển nhiều, giáo viên sẽ lại dẫn tới hệ luỵ... thừa.

Nhiều người cùng... lo

Ở Huế, các trường được cho là “hút” học sinh vẫn tập trung vào khu vực trung tâm như Vĩnh Ninh, Lê Lợi, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản và một số trường đang phát triển nhanh như Trường An.

Thầy giáo Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trường An, đơn vị gần đây khá “hút” phụ huynh, chia sẻ: “Trường không tổ chức thi vì không thể tạo áp lực cho các cháu và cũng không thể xét tuyển vì không có tiêu chí nào để xét. Giải pháp đưa ra là phát hành hạn chế hồ sơ và ưu tiên học sinh có hộ khẩu trên địa bàn và những em có anh, chị từng theo học tại trường”. Ngoài ra, về cơ bản việc tuyển sinh năm nay tiếp tục do Phòng GD&ĐT quản lý nên đến thời điểm này, các trường vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn tuyển sinh của phòng và chưa xây dựng phương án tuyển sinh riêng.

Chị D.P ở Trường An, nhưng lại có nguyện vọng cho con vào học Trường tiểu học Vĩnh Ninh. Biết là trái tuyến nên ngay từ đầu năm, chị đã lo hỏi cách để xin học cho con nhưng đến bây giờ vẫn chưa được. Phụ huynh khổ một thì giáo viên các trường điểm khổ mười. Thầy Q, Hiệu trưởng một trường điểm tâm sự, nhiều khi muốn tắt luôn điện thoại bởi cứ đến “mùa” là liên tục nhận được điện thoại… nhờ xin cho con học.

Nếu ở thành phố và các trung tâm huyện, thị xã phụ huynh tất bật, vất vả với chuyện đi học của con thì ở vùng sâu, vùng xa gánh nặng sĩ số lại rơi vào chính các thầy cô. Hằng năm, trước mùa tuyển sinh, nhiệm vụ của các trường tiểu học luôn là phải điều tra nắm rõ số trẻ tiền phổ thông và có trách nhiệm bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi đến trường. Nhiều nơi, giáo viên phải đến tận nhà ghi danh, thông báo những khoản miễn giảm để phụ huynh cho con em đến trường.

Vậy, chương trình giữa các trường có gì khác nhau? Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, dù trường trung tâm hay vùng sâu, vùng xa thì chương trình học vẫn như nhau. Riêng về điều kiện để học các môn tăng cường, môn tự chọn và hoạt động ngoại khóa mới có những cách biệt. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác các nguồn xã hội hóa giáo dục, mà công tác này lại phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện tài chính của phụ huynh.

Muốn xoá bỏ hẳn tình trạng chạy trường từ cấp tiểu học như hiện nay, việc đầu tư cho giáo dục tiểu học cần phải đạt chuẩn về CSVC trước tiên, trên cơ sở đó xây dựng chuẩn điều kiện học các môn tăng cường, tự chọn, hoạt động ngoại khoá…. Nếu môi trường, chất lượng giáo dục như nhau, phụ huynh sẽ không còn “chạy” trường.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Return to top