ClockThứ Năm, 15/03/2012 14:36

Lãi suất giảm - Doanh nghiệp chưa vội mừng

TTH - Năm 2012, dự báo tình hình sẽ khó khăn gấp bội phần, khi mà lãi suất vay ngân hàng, "điểm tựa" sống còn của các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể tháo gỡ, dù lãi suất huy động đã giảm 1%. Liên tiếp những gói tín dụng lãi suất thấp được các "nhà băng" tung ra. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn mới này.

Mặt bằng lãi suất đã được các “nhà băng” mệnh danh là “đại gia” trong thị phần tín dụng “hạ nhiệt” khi theo nhau giảm xuống lần lượt từ 0,5-2%. Không tính đến Ngân hàng Đầu tư & phát triển (BIDV) - “nhà băng” nhiều lần giảm lãi suất cho vay, khoảng một tháng nay đã có thêm các ngân hàng: Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (VietinBank), Nông nghiệp & phát triển nông thôn (Agribank), Quốc tế (VIB), Á Châu (ACB)... công bố mức giảm lãi suất cho vay. Theo đó, thấp nhất khoảng 14,5% dành cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp; lãi suất cho vay các khoản khác dao động từ 17-19%. Mới đây, lãi suất huy động chính thức giảm 1%/năm (từ 14%/năm xuống còn 13%/năm), báo hiệu cho lộ trình giảm lãi suất cho vay đối với DN.

Với những thông tin trên, các DN cứ ngỡ có thể nhẹ nhõm hơn trong việc xoay xở vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất vẫn chưa phổ biến. Ở nhiều ngân hàng nhỏ, lãi suất cho vay chưa giảm đáng kể. Mức lãi suất mà các ngân hàng này áp dụng xấp xỉ gần 20%/năm. Việc tiếp cận được vốn tại các ngân hàng lớn đã có công bố giảm lãi suất còn vướng một số điều kiện. Theo một số DN trên địa bàn, mức lãi suất mà họ tiếp cận được có thấp hơn khoảng đôi chút. Tuy vậy, để được vay với lãi suất thấp, DN cần có nhiều điều kiện kèm theo như thanh toán hàng xuất khẩu qua ngân hàng, các khoản vay phải lớn...
 

Lãi suất - điểm tựa sống còn của các doanh nghiệp hiện nay

 
Ông Hồ Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh An-TP Huế cho hay, công ty ông vay khoảng vài trăm triệu đồng vốn lưu động từ đầu tháng 4-2011 ở ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần A với lãi suất 20,3%/năm. Cứ ngỡ lãi suất sẽ điều chỉnh theo xu hướng giảm, nhưng sau đó, ngân hàng này đã điều chỉnh lãi suất lên 21,8%/năm và ông đành “bấm bụng” chịu đựng. “Bây giờ lãi suất huy động giảm, tới đây, ngân hàng có giảm lãi vay cho công ty không?” - ông Khánh than thở. Tương tự, kế toán một DN trong lĩnh vực thủy sản cho biết, hầu hết DN thủy sản đều là đối tượng thỏa mãn yêu cầu của ngân hàng. Nhưng khi xét hồ sơ chi tiết, con đường đến với nguồn vốn mới rất nhiêu khê; xét tới xét lui vẫn chưa đạt yêu cầu được cấp vốn. Còn anh bạn tôi ở phường Thủy Xuân vay theo diện tiêu dùng có thế chấp tại NHTM cổ phần V phải chịu lãi suất lên tới 25%/năm. Hiện, việc vay với lãi suất từ 19-20%/năm đang được nhiều ngân hàng trên địa bàn áp dụng.
 
Từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, phản ánh tình hình thực tế vay vốn của các DN chưa thấy sự khả quan nào; cái được gọi là xu hướng giảm lãi suất vừa qua, dù có mang lại đôi chút hy vọng cho DN nhưng thực chất vẫn chưa đáng kể. Lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn thừa nhận, riêng về lãi suất - điểm tựa sinh tử của các DN chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều. Dự báo nền kinh tế sẽ còn khó khăn, tín dụng bị thu hẹp, các ngân hàng lo lắng khi nhiều DN làm ăn thua lỗ, để lại nợ xấu cho ngân hàng. Vị này còn cho hay, thanh khoản của ngân hàng này vẫn rất tốt, có nguồn vốn huy động dồi dào, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ dám cho vay mạnh tay mà phải thận trọng trong chính sách cho vay đối với các DN.
 
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - TS Lê Xuân Nghĩa, lượng vốn dôi dư của hệ thống các ngân hàng lớn chỉ vượt trên khả năng thanh khoản của họ đôi chút. Thực tế này gián tiếp xác nhận rằng, dù có “làn sóng” giảm lãi suất cho vay nhưng có thể khá lâu nữa, các DN mới chạm được “két sắt” của “nhà băng”. Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các NHTM báo cáo những vấn đề về khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN. Trong khi đó, các gói tín dụng được ngân hàng đưa ra thường được giới hạn đối tượng và thêm vào các điều kiện bắt buộc.
 
Nguồn vốn trên dường như mới chỉ dành cho DN đang “khỏe mạnh” về tài chính, chứ chưa thể áp dụng theo lãi suất mới trên diện rộng. Cơ hội nhiều nhất vẫn là các DN thân quen và gắn bó từ trước với ngân hàng mà các “nhà băng” hay gọi là “khách hàng truyền thống”; ngoài ra DN phải có doanh thu, khả năng trả nợ được đảm bảo. Khảo sát sơ bộ từ Hội DN tỉnh, những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đẩy khá nhiều DN vào tình trạng khó có thể tiếp tục hoạt động. Mặt bằng lãi suất có thể sẽ kéo giảm trong thời gian tới, để có thể giải tỏa cơn “khát vốn” của nhiều DN, vẫn cần một cơ chế thoáng hơn từ hoạt động cho vay của các ngân hàng. Trong khi đó, xăng dầu và nguyên vật liệu tăng giá, DN chưa thể vội mừng.
 
Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
'Bến đỗ' tiếp theo của vàng

Giữa lúc giới đầu tư đang hân hoan tận hưởng những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán, vàng - nơi trú ẩn yêu thích của họ - cũng đang đạt những đỉnh cao mới.

Bến đỗ tiếp theo của vàng
Xóa độc quyền để bình ổn thị trường vàng

Giới đầu tư đang “nóng lòng” chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ sớm được sửa đổi để bình ổn thị trường vàng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, trước tiên, cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Xóa độc quyền để bình ổn thị trường vàng
Return to top