ClockThứ Năm, 11/02/2016 09:31

Lái xe xuyên Tết

TTH - Ông Đặng Hòe, Đội trưởng phụ trách đội xe Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang nhận định: “Mùa Tết là mùa du lịch nên công việc của anh em lái xe cũng phải làm xuyên Tết. Nỗi buồn lớn nhất của nhiều người là không được đón giao thừa cùng gia đình. Là người xếp lịch cho anh em, tôi cũng rất đồng cảm và cố gắng làm sao tạo điều kiện hết sức để anh em có ít thời gian về với gia đình. Bên cạnh đó công ty cũng quan tâm đến việc thưởng Tết cuối năm để động viên tinh thần cánh lái xe”.

Khi nhiều người gác lại công việc để sum vầy cùng gia đình hưởng trọn không khí Tết thì những người làm nghề lái xe lại tất bật với chuyện mưu sinh vì lý do: mùa Tết là mùa đắt khách.

Rong ruổi đường dài. Ảnh: H.Phúc

Nghề không Tết

Chúng tôi gặp anh Trần Văn Thịnh (46 tuổi) khi anh vừa hoàn thành tour 3 ngày chở khách Huế - Đà Nẵng – Hội An. Uống một ngụm cà phê cho tỉnh người, anh kể, 15 năm làm nghề lái xe tour cũng là 15 cái Tết anh không được hưởng trọn vẹn không khí sum họp gia đình như người làm công việc khác. Lái xe tour là nghề gắn liền với các hoạt động du lịch. Thời điểm từ tháng 12–3 (dương lịch) năm sau được xem là mùa hút khách, nhất là khách quốc tế về Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng nên đó cũng là thời điểm công việc ngập đầu. Anh Thịnh trải lòng: “Tui làm nhiều nơi sau đó về làm lái xe cho công ty Vidotour. Suốt thời gian làm nghề, có năm tui vắng nhà cả 3 ngày Tết. Nghề lái xe cũng như hướng dẫn viên du lịch là nghề không Tết. Tui thường chở khách châu Âu và Nam Mỹ đi tham quan miền Trung. Từ 20 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng là thời điểm khách đông nhất”.

Những người lái xe xuyên Tết tạm chia nghề thành 3 dạng: nhân viên lái xe hưởng lương ở các công ty du lịch lữ hành; người có xe vào các hợp tác xã rồi hợp đồng với các công ty du lịch lữ hành và dịch vụ lái xe tư nhân đón khách lẻ. Với cả 3 dạng lái xe này, họ đều chung cảnh đón Tết xa nhà. Anh Lê Văn Toàn (sinh năm 1984), lái xe hợp đồng với một số hãng lữ hành phân tích, mỗi dạng lái xe có một nỗi niềm, sướng khổ khác nhau. Nhân viên lái xe cho các công ty, thu nhập của họ ngày Tết giống ngày thường do hưởng lương cố định và công việc ổn định, trách nhiệm công việc buộc họ phải làm. Các lái xe vào các hợp tác xã rồi chạy hợp đồng cho các công ty du lịch lữ hành làm việc theo lịch của công ty, được hưởng lương hoặc tính theo doanh thu tùy thỏa thuận, ngoài lịch chạy xe được thông báo trước, rảnh rỗi họ có thể nghỉ ngơi. Với dịch vụ lái xe tư nhân, ngày Tết đối với họ là thời gian cật lực vì đây là mùa cao điểm khách phương xa thuê xe về quê, đôi khi chạy thâu đêm để kịp cho khách đón Tết, bởi đối tượng này thường có ít thời gian, không kịp mua vé tàu xe, hoặc từ phương xa về cần xe để đi thăm Tết theo nhu cầu. Ông Hồ Tấn Tỵ, một tư nhân lái xe 7 chỗ, bật mí: “Khó khăn của dịch vụ lái xe tư nhân là phải tự tìm nguồn khách. Tết là mùa hút khách, họ bao xe mình về quê nên phải tận dụng thời điểm này để kiếm tiền”.

Tại các địa phương có nhiều người sinh sống ở hải ngoại hoặc đi làm ăn xa về quê thì dịch vụ lái xe ngày Tết cũng trở nên tất bật. Ông Nguyễn Lương Thành (quê ở phường Hương Xuân, Hương Trà) cho biết: “Dù lớn tuổi không đi xa, nhưng mỗi năm thời điểm Tết tui cũng chở nhiều khách đi tham quan, hoặc về quê. Làm nghề ni mà không chạy Tết thì cũng tiếc”.

Tìm hiểu ở một số công ty du lịch lữ hành, năm nay tuy lượng khách quốc tế đặt tour có phần giảm so với các năm nhưng lượng khách nội địa tăng, nhất là tour con đường di sản qua 4 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế - Quảng Bình nên đến thời điểm hiện tại đã bố trí xong lịch các tour tết để người lái xe tiện theo dõi và sắp xếp công việc nhà.

Đón khách lên xe. Ảnh: H.Phúc

Cồn cào nhớ nhà

Anh Lê Nhật Tân (40 tuổi), trú tại phường Thuận Hòa hài hước: “Cứ vào mùa Tết, phải chấp nhận sút cân để kiếm tiền nuôi vợ con”. 15 năm làm nghề lái xe tư nhân, mỗi năm anh lại đón Tết ở một mảnh đất mới. Anh Tân kể, Tết nguyên đán Ất Mùi (2015) anh nhận lời chở gia đình một người vào Đà Lạt. Được khách lo nơi ăn chốn ở, cùng đón Tết với gia đình họ nơi mảnh đất xứ sương lam nhưng những bữa ăn ấm cúng, nhiều niềm vui của họ là giờ phút anh cảm thấy xót xa và nhớ vợ con. “Mỗi đợt Tết 20 ngày dư ra hơn 20 triệu đồng. Tuy có tiền nhưng đôi lúc tủi lắm. Chạy xe trên phố, thấy người ta đưa vợ con đi chơi, lòng lại cồn cào khó chịu”.

Anh Thịnh nhớ lại, năm 2003, vợ anh mang thai sắp sinh, lúc đó anh đang lái xe thuê cho một dịch vụ tư nhân. Do yêu cầu công việc nên đành chấp để vợ ở nhà đón Tết. Vào đến Hội An thì nghe tin vợ chuyển dạ. “Lúc đó trong đầu tui nhiều cảm xúc lắm, vừa lo vừa nôn nao và vừa buồn nhưng không thể về với vợ. Đó là kỷ niệm mà tui nhớ mãi”, anh Thịnh nói.

Với những người lớn tuổi, chuyện to toan gia đình, tổ tiên ngày Tết lại càng trở nên quan trọng. Một người lái xe quê ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) tâm sự: “Để lo vuông tròn công việc và gia đình trong ngày Tết khó lắm. Tôi là con trai lớn, Tết mô cũng phải về nhà thờ họ để thắp nhang rồi đi thăm bà con. Có năm chỉ kịp nhang khói ở nhà thờ không đi chúc Tết họ hàng được”.

Tết xa nhà của anh như thế nào? – tôi hỏi. Anh Lê Văn Toàn trả lời: “Chở khách tour luôn có lịch cụ thể. Đến giờ khách nghỉ ngơi, nhất là đêm giao thừa, anh em lái xe cùng quê ở Huế lại liên lạc nhau gặp mặt uống ly bia, nhìn ngó trời đất để tìm kiếm không khí năm mới. Đôi lúc khách nghỉ, tụi tui bắt xe về quê đón giao thừa vài tiếng ngắn ngủi rồi tìm xe vô lại để làm việc theo lịch”.

Ngồi trò chuyện với những tài xế lái xe tour, họ mở lòng bằng một tâm sự rất xúc động, ai cũng đôi lần nghĩ đến chuyện chuyển nghề, nhưng trong bối cảnh tìm việc khó khăn, họ lại tìm cách để xua tan ý nghĩ đó. Nhiều người trong số đó từng chịu cảnh lời ra tiếng vào của vợ con, người thân nhưng đành chấp nhận thuyết phục gia đình vì “nghỉ làm thì đồng nghĩa với mất việc”.

Bù lại niềm vui cho những chuyến xe là tình cảm của khách “hỗ trợ” chút tiền Tết cho tài xế. Trong thâm tâm những người làm nghề lái xe này, mơ ước của họ là giá như nghề mình cũng có Tết.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chưa bắt buộc đổi bằng lái xe giấy sang thẻ nhựa PET

Mấy ngày qua, lượng người đến điểm làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh đông, dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều người cho rằng “nghe đồn”, nếu không đổi giấy phép lái xe bằng giấy sang thẻ nhựa PET sẽ bị phạt.

Chưa bắt buộc đổi bằng lái xe giấy sang thẻ nhựa PET
Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

Tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) vi phạm nồng độ cồn không chỉ nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông, mà dần xây dựng ý thức, tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”.

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”
Khẩn trương khắc phục vướng mắc trong cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, khắc phục vướng mắc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chấn chỉnh việc trực hỗ trợ, phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến này.

Khẩn trương khắc phục vướng mắc trong cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến
London là thành phố có chi phí lái xe đắt đỏ thứ hai thế giới

Lái một chiếc ô tô chạy bằng xăng ở thủ đô London (Vương quốc Anh) tốn kém hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, ngoại trừ Hồng Kông (Trung Quốc), một phần là do các con đường tắc nghẽn của thành phố này, theo một kết quả xếp hạng được công bố ngày hôm nay (15/2).

London là thành phố có chi phí lái xe đắt đỏ thứ hai thế giới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top