ClockThứ Sáu, 21/06/2019 10:36

Làm báo thời… xe đạp

TTH.VN - Trước khi đi xe máy và sử dụng computer, khởi đầu nghề làm báo vào những năm 1980 của tôi gắn liền với cây bút, chiếc máy ghi âm và đặc biệt là chiếc xe đạp, một thời cọc cạch.

Năm 1986 ra trường, tôi về công tác tại Đài Truyền thanh Hương Phú, làm phóng viên kiêm biên tập viên. Cái thời “huyện rộng, xã to” nên chuyện đi lấy tư liệu tin, bài cũng lắm truân chuyên. Lần đầu đi công tác xa ở vùng biển, tôi đạp xe lọc cọc từ cánh đồng Thanh Lam, trụ sở của đài, đi về vùng đầm phá Đa - Hà - Thái - Phú. Trưa hè, trời nắng chói chang phải đi qua những trảng cát nóng rát, có lúc phải dắt xe, tôi định bụng, ngó bộ e bỏ việc. Chưa hết, còn phải đợi đò qua phá Tam Giang nữa chứ, đến cả tiếng đồng hồ. Qua đò, lại đi ngược lên xã Phú Thuận là nơi định tới thì đã gần trưa.

Lần đầu tiên gặp, thấy tôi ốm yếu chọi xe đạp, anh Phan Văn Song, phụ trách Đài Truyền thanh xã tỏ vẻ ái ngại. Tôi nghe anh trao đổi chi đó với một đồng chí lãnh đạo ở ủy ban xã, rồi bảo thôi về nhà cơm nước cái đã, công việc tính sau, tối ở lại có chi sáng mai rồi lên. Thì ra, xã đã chuẩn bị sẵn nơi ăn nghỉ cho cán bộ từ huyện, tỉnh về. Đó là nhà của một o luống tuổi góa chồng, không có con cái. Ngay buổi trưa đầu tiên ăn cơm, tôi đã gặp một đoàn cán bộ khoảng 5 người từ tỉnh về. Họ vui vẻ ăn uống nói cười, cứ y như đang đi kỵ vậy. Còn tôi, hành trình từ nhà đến đây chỉ chừng 15km mà phải ăn uống, nghỉ lại với lắm chuyện phiền toái, còn hơn cả bây giờ đi công tác Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Làm phóng viên ở huyện mà còn phải đi công tác xa xôi rứa huống chi làm báo tỉnh, đài tỉnh. Thế nhưng, bấy giờ thường xuyên cộng tác với các cơ quan này và làm quen với hầu hết phóng viên, tôi hiểu hoàn cảnh ai cũng khó khăn, nên đi lại bằng xe đạp là chủ yếu. Một thời gian dài, phóng viên Báo Bình Trị Thiên phụ trách địa bàn Hương Phú có nhà báo Nguyễn Lê Huy. Anh này miệng bao giờ cũng cười toe toét, hút thuốc vấn và… đi xe đạp. Gặp nhau rồi quen nhau, thỉnh thoảng, anh em rủ nhau đi cơ sở. Anh bảo, đạp xe mà có bạn cùng đi nó vui và đỡ mệt, mà chú mi ngó cũng "được đọ", anh hấp háy mắt dòm tôi, đá lông nheo.

Mùa nắng “chọi xe” còn dễ thở chứ gặp phải mùa mưa thì mạ ơi, đọa luôn. Nhớ có lần vào mùa mưa gió, tôi cùng anh Huy đi qua Phú Mỹ, về làm việc với hợp tác xã nông nghiệp. Đạp xe qua mấy con đường chính, như đoạn từ Thanh Lam ra Lợi Nông, lên Phú Hồ không có chi lo, chỉ có khổ là gió lạnh cứ tạt vô, rát cả mặt. Đi vào mấy con đường nhỏ để tới trụ sở hợp tác xã mới "dệ sợ". Cả đoạn đường dài trên cây số sình lầy, bùn nhão nhoẹt dày cả tấc, không thể nào đạp xe được, hai anh em phải đẩy và có lúc phải vác xe lên vai. Tới nơi, áo quần ướt như chuột lột, lạnh ơi là lạnh. Ấy thế mà lạ, làm việc cả buổi cũng chẳng thấy mệt. Nhớ lại, tôi thầm cảm ơn chủ trương bê tông hóa nông thôn, đường sá ở nông thôn bây giờ khang trang, sạch đẹp, đúng là “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”.

Một lần, tôi cùng anh Thái Thành Thông, bấy giờ là cán bộ phụ trách tờ tin Hương Phú, rủ nhau nhau về xã Phú Lương (Phú Vang). Đang lúc mùa vụ nên cả hai đều muốn ở lại đêm để được hòa cùng cuộc sống nơi làng quê. Anh Thái Thành Thông bảo đã hẹn rồi nên buổi chiều cả hai mới thư thả đạp xe về. Do trục trặc thế nào, lại không thể liên lạc với chủ nhiệm hợp tác xã, vậy nên đến nơi hay tin ông có việc đột xuất không tiếp mấy nhà báo huyện được. Giờ nghĩ lại mới thấy cái giá trị của điện thoại di động. Ai lại bỏ lên, vậy là chờ, cuối cùng cũng được gặp ông chủ nhiệm và cũng được mời cơm. Làm việc xong xin nghỉ lại, ông chủ nhiệm cười bảo, đó là hội trường, cứ tự nhiên.

Mới đầu hôm mà không khí đã vắng vẻ đến nao lòng lại vo ve tiếng muỗi. Thế là, dù đã hết sức cố gắng chịu đựng nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phải “bỏ của chạy lấy người”. Đêm cuối tháng trời tối như mực, hai anh em dò dẫm đạp xe, nhiều lần suýt lao xuống hói. Anh Thái Thành Thông thuộc loại thổ công nên tìm cách băng đồng cho nhanh, vậy là phải 1 - 2 lần hai anh em cởi quần áo, vác xe qua mương nhỏ. Loay hoay cả tiếng đồng hồ, hai anh em tìm về nhà vợ của anh Thái Thành Thông ở Phú Hồ định ở lại. Thấy nhà cửa vắng hoe, hỏi người hàng xóm mới hay, thì ra mẹ vợ của anh Thái Thành Thông đã lên Xuân Phú (TP. Huế), phụ giúp vợ chồng anh làm nhà. Tôi hỏi răng rứa hè, anh Thái Thành Thông cười hiền, ừ hí mình quên. Lần ấy, tôi chia tay anh về tới nhà gần 11 giờ đêm. Mạ tôi lo như rứa thôi.

Tốc độ chiếc xe đạp không thể đi nhanh như xe máy hay ô tô. Thế nhưng bù lại công việc làm báo bấy giờ không khẩn trương như bây giờ phải chiến đấu với chiếc computer cùng chiếc máy di động. Đài Truyền thanh của tôi thường hay nghỉ dài ngày vì điện lưới phập phù, có khi mất điện đến cả tuần lễ. Còn cơ quan báo tỉnh Bình Trị Thiên thì mỗi tuần chỉ 2 - 3 số, phóng viên viết bài ra ngồi chờ được đăng cũng đã dài cổ. Tư liệu lấy về có khi cả tháng mới đem ra “chiên xào” thành bài. Năm 1994, tôi chuyển công tác về Báo Thừa Thiên Huế, cố gắng sắm con Honda Dame, rồi lên đời, đi loanh quanh thành phố và một số địa phương. Thỉnh thoảng đi xa thì đã có ô tô của cơ quan.

Bây giờ, buổi sáng tới cơ quan, tôi nhìn thấy mà mừng khi ô tô đậu chật cả chiếc sân rộng. Ngày càng có nhiều phóng viên tậu ô tô, lái ô tô đi cơ sở. Khoảng cách Huế - A Lưới, Lăng Cô hay Ngũ Điền ngót nghét gần cả 100 cây số, như được rút lại gần. Một sự đổi thay mạnh mẽ hơn trong làng báo địa phương. Nó không chỉ đến từ chiếc computer kết nối wifi, chiếc máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại smart phone thay thế cho cây bút bi, máy ảnh chụp film hay chiếc máy ghi âm truyền thống mà còn đến từ sự đổi thay của phương tiện đi lại khi mà hình ảnh chiếc xe đạp cọc cạch đã đi vào quá khứ và những chiếc ô tô đang dần thay thế các loại xe máy.  Hơn ba mươi năm làm báo, tôi chợt nhận ra rằng, mình đã làm báo một thời bằng xe đạp. Nó vất vả, nhưng đầy những kỷ niệm vui buồn một thuở, không thể nào quên.       

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

TIN MỚI

Return to top