ClockThứ Bảy, 11/05/2019 10:41

Lạm dụng văn nghệ

TTH - Tham dự hội nghị của một đơn vị trường đại học (ĐH) tại Huế tổ chức vào tháng 4/2019, nhiều đại biểu không khỏi sốt ruột. Dù sự kiện vào trễ hơn 30 phút so với kế hoạch (trước đó có 30 phút đón tiếp khách), song họ vẫn phải tiếp tục chờ thêm gần 30 phút của chương trình văn nghệ chào mừng.

Thực trạng vừa kể khá phổ biến, gặp phải ở nhiều cơ quan, đơn vị. Nhiều sự kiện cơ cấu chương trình văn nghệ lên đến 5 tiết mục, kéo dài thời gian. Một số sự kiện diễn ra muộn so với kế hoạch nhưng không cắt giảm thời lượng chương trình văn nghệ nên nội dung chính bị rút ngắn, thời lượng trao đổi, thảo luận từng bị giảm bớt.

Đặt vấn đề về việc nên hay không nên có văn nghệ trong các sự kiện, hội nghị, hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng tùy trường hợp, nhưng không quá cần thiết. Mặt tích cực khi thiết kế chương trình văn nghệ là tạo tâm lý thoải mái, nhất là giai đoạn giải lao trong một số sự kiện, hội thảo, hội nghị, thậm chí có thể vận dụng khoảng thời gian văn nghệ đầu sự kiện để ổn định khách mời. Đáng tiếc là nhiều đơn vị lại lạm dụng, biến hoạt động văn nghệ trở thành thói quen trong chương trình sự kiện, hội nghị, hội thảo.

Theo ThS. Lê Minh Tuấn, Phụ trách bộ môn quản lý sự kiện và marketing dịch vụ Khoa Du lịch – ĐH Huế, thực trạng trên thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Nguyên nhân xuất phát từ phía những người làm sự kiện chưa biết cách tổ chức, khá ôm đồm và làm theo mô típ cũ. “Tại nhiều nước, có nhiều hội nghị, hội thảo ban tổ chức chuyển tài liệu trước cho khách mời và tại sự kiện sẽ tập trung vào phần thảo luận. Thời gian sự kiện rất nhanh nhưng rất hiệu quả. Trái lại, nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo ban tổ chức chưa làm được vấn đề này”.TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ.

Văn hóa hội họp hay chuyện lãng phí thời gian bị rất nhiều người đem ra mổ xẻ, phân tích lâu nay. Xét trên nhiều khía cạnh, việc lạm dụng chương trình văn nghệ trong một số sự kiện, hội thảo, hội nghị là không cần thiết và phải sớm được thay đổi.

Vấn đề trên có thể đã trở thành thói quen trong cách tổ chức, điều này cần sự thay đổi lớn hơn từ lãnh đạo các đơn vị. Chỉ khi người đứng đầu ý thức được tính hiệu quả trong khâu tổ chức các hoạt động và trân quý thời gian chung của mọi người mới có thể chỉ đạo, định hướng đơn vị chuyên môn và cá nhân trong đơn vị điều chỉnh vấn đề bất hợp lý trên, hướng đến chất lượng, hiệu quả thực chất của các sự kiện, hội nghị, hội thảo.

Theo nhiều chuyên gia, khách mời cũng cần góp ý trực tiếp những bất cập của các chương trình. Họ là người dự sự kiện, cảm nhận khách quan về sự kiện và tất nhiên có những đánh giá. Nếu không hài lòng về cách tổ chức, những vấn đề đã trở thành “thói quen xấu” mà không góp ý thì có thể cũng tạo sự hiểu nhầm với đơn vị tổ chức sự kiện đã thành công, hoàn hảo.

HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân kết nối yêu thương cho bệnh nhi khó khăn

Chiều 20/1, Phòng Công tác xã hội-Chăm sóc khách hàng cùng Ban Nữ công, Chi hội Nữ trí thức Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Khách sạn Sài gòn Morin, các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Xuân kết nối yêu thương”.

Xuân kết nối yêu thương cho bệnh nhi khó khăn
Return to top