ClockThứ Năm, 04/04/2019 14:39

Làm nghề

TTH - Sáng ra, vợ Đúng đã đá thúng đụng nia. “Các cụ nói cấm có sai. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết. Cái nhà này sắp đến đói cả lũ đến nơi rồi”. Thì vợ Đúng chửi chồng mình chứ ai. Suốt bao nhiêu năm nay, Đúng lạ gì tính vợ. Cứ mỗi lần Đúng thất nghiệp là bị vợ chửi cho đến khi nghĩ được việc gì đó kiếm ra tiền.

Hai ổ khóa tình yêu

Nghề là để kiếm cơm, mình bỏ công sức cho người cần, chẳng giết hại, lừa bịp ai thì có gì phải loay hoay trăn trở. Ấy thế mà Đúng làm nghề gì cũng nhấp nhổm chẳng yên. Lúc mới cưới vợ, Đúng làm ở Ban Địa chính - xây dựng trong xã. Trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn thì đất công thành đất “ông” là chuyện đâu có khó. Nhưng đùng một cái Đúng về vườn. Thiên hạ thì thào to nhỏ, chắc là “đớp” lắm quá ấy mà. Đâu ai biết Đúng bị tống cổ về vườn chỉ vì liêm khiết quá.

Chán làm việc Nhà nước, Đúng về vườn lan nhà anh rể làm thuê. Lương hậu hĩnh, việc chăm hoa lan cũng chẳng cực nhọc gì. Chỉ cần đam mê. Mà kinh nghiệm trồng lan thì Đúng có thừa. Ngày xưa đi bộ đội, Đúng đóng quân ở vùng biên giới quanh năm làm bạn với rừng. Lan rừng ngày ấy còn chưa được săn lùng như bây giờ. Hàng ngày đi tuần, Đúng vẫn bắt gặp những bụi lan mọc trên cây cổ thụ hoặc vách đá cheo leo. Vì yêu lan nên Đúng từng dành nhiều thời gian tìm hiểu về lan. Cũng vì thế mà ông anh rể mới chèo kéo bằng được Đúng về làm cho mình. Cái chính là muốn nhờ Đúng dựa vào mối quan hệ trên miền núi để thu gom lan rừng về bán. Đúng thấy ớn khi ôm từng bó lan rừng được chuyển từ Tây Bắc xuống... Chơi hoa cũng chỉ là một thú vui thôi mà. Đúng chả hiểu sao người ta chi cả mớ tiền để mua một nhánh lan bé xíu. Con người nhiều khi cứ tự huyễn hoặc để lòe nhau. Khối người trưởng giả học làm sang bị anh rể Đúng lừa cho rỗng túi. Làm ăn kiểu đó Đúng không khoái. Thế là lại bỏ nghề.

Vớ vẩn thế quái nào một ngày Đúng trở thành “nhà văn” ao làng. Chuyện loằng ngoằng lắm nhưng tóm lại là từ việc có người nhờ Đúng điếu văn cho người chết. Đúng viết xúc động lắm, giản dị, mộc mạc, chân chất đi vào lòng người. Đám ma lại là nơi sẵn nước mắt, đau đớn, u buồn nên nghe mấy lời điếu văn của Đúng thì thấm thía tận chân tơ kẽ tóc. Từ đó cứ nhà nào có người chết là tìm đến Đúng. Nghĩa tử là nghĩa tận nên từ cây cao bóng cả của làng đến thằng đầu trộm đuôi cướp Đúng đều để người ta chết được mát mày mát mặt. Nhắm mắt xuôi tay bằng nước mắt đau xót, cảm thông, thương tiếc của người sống. Cái nghề ấy thế mà hay, nhưng lại không phải là nghề để kiếm cơm. Vì ai nỡ lòng nào ngã giá với người chết bao giờ. Đúng cứ viết hết lòng, gia đình người ta đưa cho đồng nào thì tùy. Nhà giàu tiền triệu, nhà nghèo tiền trăm, nhà chẳng có gì thì cho nải chuối, nắm xôi. Ấy thế mà vợ Đúng thỉnh thoảng lại chẹp miệng bảo “sao dạo này chẳng thấy ai chết nhỉ?”. Đúng thấy ớn trong người. Thế rồi người ta thuê Đúng viết cả điếu văn cho người còn sống. Kể từ đó Đúng bắt đầu chắp bút cho nhiều cuốn hồi ký của những kẻ hám danh.

Viết hồi ký kể ra cũng kiếm khối tiền. Nhất là khi Đúng móc nối được với nhà xuất bản để in hồi ký thành sách. Những kẻ có tiền hám danh tự nhiên thấy mình được in sách thì oai lắm, vỗ ngực khoe khoang đến dập cả phổi. Tiền cứ xòe ra thôi, tiếc gì. Kiếm tiền cả đời cũng chỉ để lưu danh thiên hạ. Bọn người đó đâu có biết xuất bản thời buổi này dễ ợt. Chỉ cần bỏ ít tiền là xin được giấy phép xuất bản ngon ơ.

Đúng coi viết hồi ký là một cái nghề, mỗi cuốn hồi ký gã được trả vài chục triệu đồng. Có hợp đồng đoàng hoàng, tiền tính theo chữ, theo trang. Hẳn là cái nghề vừa có tiếng mà miếng cũng to nếu như Đúng không dở quẻ. Cái từ “dở quẻ” phát ra từ miệng vợ, lúc thấy Đúng tuyên bố từ giờ sẽ bỏ nghề. Cũng chỉ vì ông Bảy đầu làng thuê Đúng viết hồi ký mà cứ bắt viết sai sự thật. Cả cái làng này ai cũng biết lão Bảy cụt chân trong chiến trường. Nhưng không ai biết rõ sự tình, ngoài Đúng. Vì Đúng và Bảy nhập ngũ cùng đơn vị, cùng chiến đấu trong cuộc chiến biên giới Việt- Trung. Bảy đã run sợ trước bom đạn kẻ thù nên trước trận chiến giáp lá cà hắn đã tự chặt chân mình để được trả về hậu phương. Bảy cứ tưởng chuyện hắn tự chặt chân chỉ có trời đất biết nhưng đâu ngờ còn có thằng Đúng tận mắt nhìn thấy hết mọi chuyện. Bảy về quê huênh hoang kể chiến tích như một người lính quả cảm. Bảy trở về quê hương mà không mang theo vết nhơ nào trong hồ sơ lý lịch đã là sự bao dung của người đời. Mới nghe tin Bảy bị bệnh hiểm nghèo được mấy hôm thì một buổi chiều thấy hắn ngấp nghé ngoài cổng nhà Đúng. Bảy đến nhờ viết hồi ký để lại cho con cháu. Đúng cứ nghĩ người sắp chết thì luôn nói thật, con chim gáy tiếng cuối cùng máu phải bật ra từ huyết quản. Ai ngờ…

- Hắn thích viết thế nào thì cứ thế mà viết, đâu có mất mát gì.

- Nhưng hắn tự chặt chân mình chứ có phải do bom đạn chiến tranh đâu. Nó oai hùng với ai? Nó muốn để lại cho con cháu cái gì?

- Để lại cái gì thì mặc xác nó. Liên quan gì đến ông. Ông chỉ cần biết nếu không nhận viết thuê thì gạo không có đổ vào nồi. Ông có gì oai hơn hắn chứ? Lăn lộn đủ thứ nghề mà có nghề gì nên hồn không?

- Thôi im đi. Để tôi còn tính.

- Tính? Ông thì toàn tính quẩn.

Chẳng biết có phải tính quẩn không, nhưng nửa tháng sau Đúng mở quán photocopy kiêm đánh máy thuê kiếm từng đồng lẻ. Chính Đúng cũng nghĩ từ bây giờ chắc là yên ổn hẳn. Ai ngờ hôm qua chỉ vì cãi nhau với khách hàng mà ông đòi dẹp hết. Cũng chẳng có gì to tát cả, trong đoạn văn bản cần đánh máy có từ “sát nhập” đã được Đúng tự ý sửa thành “sáp nhập”. Khách cãi “sát nhập” mới chuẩn, nhưng Đúng thì khăng khăng phải là “sáp nhập”. Lời qua tiếng lại một hồi Đúng cầm bàn phím quăng mạnh xuống nền nhà bung bét hết. Đúng đứng dậy tuyên bố “từ giờ chẳng làm cái gì liên quan đến chữ nghĩa nữa”. Dĩ nhiên Đúng chẳng biết nói đùa. Vợ gã khẽ rít qua kẽ răng chửi chồng, “đã nghèo còn dở”. Đêm ấy Đúng lại nằm vắt tay lên trán nghĩ xem mình còn có thể làm được nghề gì…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia đình 4 đời làm nghề gương tráng bạc và vẽ tranh gương

Bên cạnh tranh làng Sình được vẽ trên chất liệu giấy, tranh trên gương (kính) cũng là một trong dòng tranh dân gian nổi tiếng của Huế. Tuy xuất hiện khá muộn, khoảng cuối thể kỷ XIX đầu thể kỷ XX, nhưng tranh gương đã ghi dấu ấn trong đời sống nghệ thuật và tín ngưỡng của người Huế.

Gia đình 4 đời làm nghề gương tráng bạc và vẽ tranh gương
Kho vàng không bằng nang chữ

Không có ruộng để cày cấy, dân làng Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) mong muốn “gieo chữ” cho con cháu để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vỏn vẹn trên 430 nhân khẩu, cả làng có đến 30 tiến sĩ, thạc sĩ và hơn 300 cử nhân đang làm nghề dạy học.

Kho vàng không bằng nang chữ
Return to top