ClockThứ Ba, 18/12/2018 14:40

Lan rừng

Phong Lan - thú vui cho mọi lứa tuổi

Hai người phụ nữ, gánh gồng.

Họ đi trên đường Nguyễn Huệ vào một buổi sớm mai. Trên đầu họ chít khăn. Ở Huế mình có bốn dân tộc anh em nhưng chưa bao giờ thấy trang phục như vậy. Có vẻ như họ là bà con đồng bào ở miền núi phía Bắc.

Mỗi người một gánh đầy ắp lan rừng.

Dạo này lan rừng về phố nhiều quá. Hôm trước đi ngang đường Trần Hưng Đạo thấy lan rừng không phải là treo, không là chắt chiu để một nơi nào đàng hoàng tử tế… mà là chất “cả đống” trên vỉa hè. Có lúc người ta chất trên xe kéo. Người ta không bán bằng nhánh mà bán bằng cân.

Có một chút gì đó chạnh lòng.

Thì cũng một loài hoa “kiêu sa” đấy chứ! Nhưng sao mà phận mỏng.

Lan ở trên rừng lan bám vào cây, hút hít khí trời, đẫm mình trong thiên nhiên hoang dại. Cái loài nào sinh ra và lớn lên trên “quê hương” của mình mà chả tự tin. Giờ rời nơi ấy, chốn ấy, khí trời ấy… lan rừng trên phố trở nên… ngơ ngác. Giống như những kẻ lạc đường.

Có vẻ như một khi con người ta ăn no mặc ấm, rồi nâng một bước nữa là ăn sung mặc sướng… thì người ta nghiêng về cái sự… chơi. Có muôn ngàn kiểu chơi. Có những cách làm cho lòng người trở nên phấn chấn, tươi vui, trong trẻo. Và cũng có không ít cách làm bận lòng người.

Tôi không dám bảo rằng chơi lan rừng là hay hay không hay, tùy theo sở thích và sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng hái lan rừng kiểu ấy, bán lan rừng kiểu ấy, trên phố sáng nay, nó như một lằn roi quất vào thiên nhiên, cây cỏ… những thứ chưa hẳn gì ai đó sống cả một đời mà hiểu hết.

Hãy nghe bài hát Nhánh lan rừng của Thế Hiển mà xem. Nó đẹp như một bức tranh. Nó làm mạnh mẽ bước chân người lính. Nó gợi nhớ về một tình yêu… Và nó như trải ra trước mắt người ta một cánh rừng nguyên sinh thăm thẳm, hun hút… nhưng mà tuyệt đẹp. Ai đã vẽ nên bức tranh này? Tôi tin rằng, đó là thiên nhiên.

Sự cộng sinh của con người và thiên nhiên đã là sự cộng sinh ngàn đời và hoàn toàn có lý. Sự hiện đại của con người bây giờ chẳng phải từ săn bắt hái lượm, từ ăn lông ở lỗ mà nên! Thiên nhiên đã che chở, dung dưỡng con người theo một cách nào đó rất riêng và hào phóng của mình. Chỉ biết cho đi và không mong nhận lại. Cho nên con người ta cũng cần phải đối xử với thiên nhiên như là một người bạn. Hơn thế nữa đó là người bạn chí cốt, chân tình.

Trong mỗi chúng ta có một lúc nào đó đặt ra những câu hỏi như vậy chăng? Tôi tin là không ít, nhưng cũng chẳng phải quá nhiều.

Cách đây mấy năm, tôi lại có dịp đi sâu vào rừng già. Nói “lại” là bởi vì cái thời trai trẻ, rừng với tôi không phải là gì xa lạ. Ba tôi vạch rừng nơi gần nguồn nước làm một ngôi nhà lợp tranh. Ấy là thời chiến tranh lửa đạn. Đi mấy bước là rừng cây săn cá. Thân trắng xù xì, lá mỏng. Chúng cứ quần tụ, xoắn xít với nhau. Có lẽ cũng từ cây, từ con, từ tích mà nên danh. Người dân quê tôi chẳng đã gọi núi Săn cá, núi Mò O (chính là rừng có quần thể cây lồ ô), bến Nước Nai, dốc Mẹ Ơi, Gò Rạ…

Cái hôm đi sâu vào rừng già ấy, trên thượng nguồn sông Hương, ngủ một đêm ở rừng với các anh làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Sáng mai thức dậy nghe rộn rịp âm thanh của rừng: tiếng chim kêu, tiếng vượn gọi bầy, tiếng suối chảy… Và tôi nhận ra một điều, có vẻ như là nghịch lý. Và tôi đã gửi gắm vào một bài viết nào đó tự năm nào: “Có đi sâu vào rừng, mới thấy rừng càng già càng toát lên một dáng vẻ trẻ trung, mãnh liệt…”. Tôi đã cảm nhận như vậy về rừng.

Lê Nguyễn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mình giàu mà!”

Đó là khẳng định của anh Thuận, một người có hơn 20 năm theo đuổi niềm đam mê lan rừng ở A Lưới khi nghe tôi kể về vườn lan ở Singapore!

“Mình giàu mà ”
Return to top