ClockChủ Nhật, 28/05/2017 09:31

Lan Vy Nguyễn: “tôi muốn thị trường phải tò mò, tìm hiểu sản phẩm của F4F”

TTH - Nhân chuyến về nước của Lan Vy Nguyễn – người sáng lập doanh nghiệp xã hội Fashion4Freedom (F4F - văn phòng tại Huế), tôi có được cái hẹn khá nhanh so với yêu cầu đặt lịch làm việc trước mấy tháng đối với các đơn vị truyền thông!

Lan Vy Nguyễn

Cuộc truyện trò tiếng Việt pha tiếng Anh càng lúc càng bị cuốn hút bởi những ý tưởng lạ lùng, những suy nghĩ đi ngược đám đông...  Dường như người phụ nữ này có nguồn năng lượng mạnh mẽ và luôn cuốn vào dòng xoáy công việc trong khi chị chỉ ăn cơm mỗi ngày một bữa và xem cà phê là thứ không thể thiếu. Chị đã đưa những sản phẩm thời trang của F4F đến với nhiều quốc gia trên thế giới: váy áo họa tiết của tộc người Tà Ôi; bộ sưu tập trang sức chế tác từ rác thải công nghệ: điện thoại hỏng, máy tính và tablet; cà vạt thêu họa tiết thủ công, trang sức gỗ... Nhiều người nổi tiếng, chính khách sử dụng thời trang của F4F không khỏi bất ngờ trước kỹ thuật chế tác thủ công của nghệ nhân Việt. Còn Lan Vy thì bảo rằng, đó là những tác phẩm trong kế hoạch “định nghĩa lại sự sang trọng” của chị.

Tại sao từ một người làm kinh doanh tài chính chị lại đa mang thêm lĩnh vực thời trang?

Một người thầy dạy phổ thông trung học ở Mỹ đã giới thiệu về các sản phẩm tái chế trong khóa học khiến tôi rất yêu thích và có niềm đam mê từ đó. Thế nhưng khi vào đại học, tôi theo học ngành tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Khi công việc ổn định, niềm đam mê năm xưa sống lại, hình ảnh quê hương lớn dậy, tôi quyết định trở về. Tôi chọn mảng thời trang đề cao kỹ năng chế tác của nghệ nhân phần nào liên quan đến đam mê thuở trước, đồng thời muốn tạo nên sự độc đáo, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đó cũng là lĩnh vực liên quan đến kinh doanh đấy chứ (cười).

Các mẫu thời trang và trang sức thủ công của F4F. Ảnh: F4F cung cấp

Lý do nào chị lại xây dựng kế hoạch “Định nghĩa lại sự sang trọng” (Redefining luxury)?

Tham dự những bữa tiệc, mình ít khi mang hàng hiệu (hàng hiệu người ta nhìn vào có thể biết ngay) mà chọn trang phục có tính nghệ thuật, điều đó tạo sự tò mò và khiến người đối diện khó đánh giá giá trị thực của nó. Mới đây khi tham gia một chương trình, vợ của Chủ tịch Ngân hàng Dubai  thích  thú  với áo dài thêu tay của Huế và giày rồng mình đang mang. Bà tới trò chuyện và hỏi mua bằng được. Bản thân mình đi đâu cũng biết đang mang theo hình ảnh quê hương nên phải thể hiện giá trị khác biệt.

“Định nghĩa sự sang trọng không có nghĩa là mang tiền “dán” vào sản phẩm mà phải nghĩ đến giá trị của một người nghệ nhân làm ra sản phẩm đó. Sự cạnh tranh đến từ tài năng của nghệ nhân chứ không phải địa danh hay tên tuổi người làm ra nó.

Sản phẩm của F4F nhìn rất lạ và không dễ “copy”?

Đúng rồi, càng khó càng quý và càng khó thì không dễ bắt chước.

F4F có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng và khá sang trọng nhưng ở Huế rất ít người biết đến ?

Có lẽ người ta ít quan tâm chăng? Trong lĩnh vực thời trang, người Việt có tư tưởng hay nhìn ra bên ngoài và sính ngoại. Kiểu như người ta nói gần thì thấy thường vậy! Nếu sản phẩm mình làm ra đặc biệt khiến khách hàng thích thú, họ sẽ tìm hiểu sâu hơn lịch sử, quá trình hình thành nó.

Lúc bán giày rồng, suốt mấy năm mình không ghi thương hiệu, buộc thị trường và người tiêu dùng phải tò mò, tìm hiểu và tự đánh giá sản phẩm. Giờ thì nhìn thôi, họ cũng biết giày rồng xuất phát từ Huế.

Thời gian đầu mình làm vì đam mê nên không chú trọng đăng ký thương hiệu, song sắp tới, F4F sẽ tổ chức một triển lãm giới thiệu sản phẩm ngay tại Huế để công chúng biết đến nhiều hơn.

Không dễ để có những mẫu mã thiết kế các sản phẩm độc đáo của F4F, tuy nhiên, tôi tò mò là tại sao những người lên ý tưởng lại là người nước ngoài chứ không phải là người Việt Nam ?

Mình muốn tìm những ý tưởng mới hoàn toàn và mở ra cơ hội cho các sản phẩm được tiếp cận rộng hơn đối với khách hàng quốc tế.

Với mục tiêu đem lại chỗ đứng xứng đáng cho nghệ nhân thủ công Việt Nam, ngoài mục đích lợi nhuận, giữ nghề còn là gì nữa...?

Mình muốn trao cho cộng đồng làng nghề một cơ hội để họ tự nỗ lực vươn lên, khi đứng vững, họ sẽ hỗ trợ các cộng đồng nghề khác. Cụ thể là hướng tới mô hình kinh doanh hiệu quả hơn thông qua các bước hỗ trợ: đào tạo, nâng cao tư duy thẩm mỹ và phát triển thị trường cho sản phẩm.

Một sản phẩm của F4F thường kết hợp nhiều làng nghề và để hoàn thiện nó, nghệ nhân phải tìm đến nhau, trao đổi, thảo luận mới phối hợp ăn ý. Vì vậy mình vậy mới nói là sản phẩm bên mình không dễ làm hàng nhái đâu! F4F quy tụ rất nhiều con người (nghệ nhân) tài năng… từ hơn 71 thôn xóm miền Trung, đưa những sản phẩm tinh túy mang hồn dân tộc và hơi thở thời trang đến với khách hàng toàn cầu.

Tương lai, chị còn những dự định gì để phát triển hoạt động cũng như mở rộng hoạt động của F4F không?

F4F là nơi yêu thương và để trở về. Giám đốc sáng tạo của F4F là người Anh đang học tiến sĩ ở Anh, sau 2 năm hợp tác rất thích phương pháp nhà thiết kế làm việc với nghệ nhân để tạo mẫu cho F4F. Thực tế cho thấy, nhà thiết kế nếu học hỏi từ nghệ nhân sẽ nâng cao hơn tay nghề cho bản thân. Các bạn học thạc sĩ và tiến sĩ về lĩnh vực này nên đến làng nghề học hỏi, có như vậy mới biết trân quý giá trị làng nghề.

Tôi nghĩ đây là một xu hướng mới. F4F đã đón một số “thực tập sinh” như vậy đến với làng nghề.

Xin cảm ơn chị và chúc F4F sẽ có thêm những sản phẩm mới!

“Mỗi mẫu thiết kế của F4F sẽ có nhiều người tham gia và thực hiện ít nhất năm lần. Lúc trình bày quy trình ở Singapore, có đối tác tò mò hỏi cách thức cũng được triển khai tương tự ở Ấn Độ nhưng sao sản phẩm của F4F đẹp quá trong khi họ lại thất bại. Điểm khác biệt của F4F là khuyến khích nghệ nhân mạnh dạn thử sức mẫu mới, dù sản phẩm bị hỏng, nghệ nhân vẫn được trả công

Lan Vy Nguyễn

L.TUỆ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top