ClockThứ Sáu, 23/09/2016 13:56

Lăng Cô: Bí bách đất mai táng

TTH - Mộ chen chúc mộ, nhà người sống xen lẫn mộ phần của người chết là thực trạng chung ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).

Nhà cửa kề cận lăng mộ

“Âm- dương” lẫn lộn

Cách cửa chính nhà chị Hồ Thị Hải Yến vài bước chân là một ngôi mộ được xây cất khá “kiên cố”. “Ở thôn An Cư Đông 1 này không riêng gia đình tui, hầu như nhà nào cũng có lăng mộ vây quanh. Không chỉ những trường hợp lăng mộ có trước, nhà ở sau, ngay cả những người chết vì bí bách không tìm ra chỗ chôn, người nhà đành chôn đại, chứ biết mần răng!”, chị Yến bộc bạch.

Theo thống kê sơ bộ, bình quân một năm, số người chết trên địa bàn thị trấn Lăng Cô khoảng 100 người. Lâu nay, việc mai táng chủ yếu tập trung ở các thôn: Loan Lý, An Cư Đông 1, An Cư Đông 2, Đồng Dương, Lập An… Trong đó, bức xúc nhất là các thôn ven biển như: An Cư Đông 1, An Cư Đông 2… Nhiều người dân trò chuyện, ngày xưa, một số ngôi mộ còn làm được cái uynh (dạng như la thành) bao quanh, nhưng bây giờ do hiếm đất nên chỉ làm được nấm mộ từ 2,5m2 đến 3m2 là cùng. Họ đang lo thêm một thời gian nữa, nếu địa phương không quy hoạch nghĩa trang thì người chết hết chỗ chôn.

Theo ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, vị trí phục vụ mai táng cho người dân Lăng Cô khi qua đời được bố trí tại nghĩa trang Chân Mây thuộc xã Lộc Thủy với diện tích 12ha. Tuy nhiên, do nghĩa trang Chân Mây nằm cách xa địa bàn thị trấn gần 20km, nên người dân không muốn. Hơn nữa, với quan niệm của bà con muốn chôn cất nơi quê cha đất tổ, chôn theo người thân dòng họ, nên dù đất “hiếm hoi” họ vẫn cố chen chúc, lấn chiếm.

Ngoài nghĩa trang Chân Mây, thị trấn còn có nghĩa trang cải táng Trường Đồng được xây dựng từ năm 2005, với diện tích khoảng 3,8ha, phục vụ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án cần thu hồi đất. Đến nay, khu nghĩa trang này sắp kín chỗ. Theo chính quyền địa phương, sắp tới nếu có thêm dự án đầu tư cần giải phóng mặt bằng, việc di dời mộ cũng rất khó tìm chỗ bố trí cải táng.

Ông Dương Đăng Trung còn cho biết, với muôn lý do và muôn kiểu “lách luật” của người dân, dù đội ngũ làm công tác trật tự đô thị, địa chính tích cực đến mấy cũng khó phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng chôn cất vi phạm. Hơn nữa, muốn làm đúng theo “lý” cũng rất khó, nhất là trong vấn đề ma chay, hậu sự. Nhiều lần chính quyền địa phương đã mạnh tay xử lý, ngăn cấm những trường hợp mai táng vi phạm quá “lộ liễu”. Điều này cũng gây bức xúc cho một số người dân và chính quyền địa phương rất khó xử lý.

Cấp thiết quy hoạch nghĩa trang Nhân dân

Ông Phan Văn Hồng, cán bộ địa chính thị trấn Lăng Cô trăn trở, Lăng Cô nằm trong vùng quy hoạch tổng thể Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô nên đụng đâu cũng vướng quy hoạch, chôn đâu cũng “dính” vi phạm. Chôn ở khu vực ven biển thì hầu như nằm trong vùng quy hoạch “đỏ”, đưa lên núi chôn lại “dính” lấn chiếm đất rừng.

Từ sau một số vụ việc nổi lên gần đây và để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, đích thân Chủ tịch UBND huyện, cùng các ban, ngành, chính quyền địa phương đã trực tiếp khảo sát thực địa và chọn vị trí phù hợp để quy hoạch nghĩa trang Nhân dân Lăng Cô. Vị trí khảo sát quy hoạch xây dựng nghĩa trang được huyện và địa phương thống nhất “nhắm” đến nằm ở Hói Cạn, thuộc thôn An Cư Tân (tên gọi trước đây là Hói Mít). Khu vực này cách khu dân cư thị trấn Lăng Cô khoảng 7km, cách tuyến đường ven đầm Lập An khoảng 1km, rất thuận tiện cho việc đi lại.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, khu vực khảo sát xây dựng nghĩa trang tương đối thuận lợi, độ dốc ít, chủ yếu trong vùng đất dự trữ để phát triển cây xanh, nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện 500kV. Dự kiến quy mô nghĩa trang rộng khoảng 5,5ha. UBND huyện đã gửi văn bản trình UBND tỉnh cho chủ trương quy hoạch; đồng thời xúc tiến các thủ tục cần thiết để xin bổ sung quy hoạch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tuệ, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, hiện phía BQL vẫn chưa nhận được công văn cũng như ý kiến chỉ đạo về nội dung liên quan. Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của địa phương, ban quản lý phải rà soát lại quy hoạch, xem xét lại quỹ đất, để nếu có khả năng xây dựng khu nghĩa trang ở thôn Hói Mít, thị trấn Lăng Cô cũng cần phải đề xuất quy hoạch bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô Dương Đăng Trung, cái khó để vào khu vực huyện đã khảo sát để lập đề xuất quy hoạch xây dựng nghĩa trang là phải đi qua cầu lòn đường sắt. Về mùa mưa dễ bị ngập lụt, việc đưa tang sẽ rất khó. Nếu được chủ trương đồng ý cho xây nghĩa trang, trong quá trình thiết kế quy hoạch nên tính toán phương án cầu qua đường sắt để đảm bảo khả thi cho việc an táng, đi lại

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm

Ngày 6/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Lúc 20h40 đêm 5/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô (Phú Lộc) nhận tin báo của chính quyền địa phương về việc xảy ra đám cháy lớn tại khu vực rừng thuộc tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô.

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm
Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

TIN MỚI

Return to top