ClockThứ Ba, 26/04/2016 14:09

Làng “đi bạn”

TTH - Không có tàu lớn, thiếu ngư cụ vươn khơi theo nghề mới, lao động ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang) về “đầu quân” cho các địa phương có nghề biển, hình thành “làng đi bạn”…

Cơ cực chốn trùng khơi

Về các thôn: Phương Diên, Diên Lộc, Mỹ Khánh (Phú Diên), lao động nghề biển chủ yếu là người lớn tuổi, còn thanh niên hầu như vắng bóng. Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên giải thích: “Ở đây lao động chính một phần đi Nam, phần còn lại do không có tàu thuyền, thiếu ngư cụ để đánh bắt nghề khai thác mới nên thanh niên theo nghề biển về các địa phương ven biển khác để xin đi bạn. Mùa cao điểm, Phú Diên có đến mấy chục lao động xin đi đánh cá thuê”. 

Lao động đánh cá thuê ở xã Vinh Thanh tuy làm việc cường độ cao nhưng có thu nhập ổn định

“Mùa” đánh cá thuê thường bắt đầu vụ chính từ tháng 7- 8 đến tháng 3-4 năm sau. Có nơi, lao động biển đi thành những “nghiệp đoàn”. Tại thôn Phương Diên, theo thống kê, có 30 lao động đi bạn cho các tàu ở xã Vinh Thanh cùng huyện để đánh cá thuê với nghề lưới lạc. Từ sáng, những lao động biển này chạy xe máy lên các cầu cảng để “đón” tàu ra khơi.

Anh Nguyễn Đăng Tịnh (thôn Phương Diên) tâm sự: “Mình đi mỗi chuyến bình quân 3-4 ngày mới về. Chuyến dài nhất kéo dài khoảng một tuần, ra khơi chừng 40-50 hải lý. Theo các chủ tàu đánh lưới lạc, lưới mùng ở xã Vinh Thanh, mình có thu nhập bình quân 300-500 đồng/ngày; vào mùa cao điểm là vụ cá chính, có khi được 1 triệu đồng/ngày”.

Dù thu nhập cao nhưng nghề đi bạn lắm cơ cực. Làm việc gần như suốt ngày đêm, trừ khi ngủ và ăn uống. Công việc chính của anh Tịnh là bủa lưới và gỡ cá. Nhiều lúc đánh bắt chiếu đèn ban đêm, các lao động phải thức trắng mới làm hết việc. Anh Tịnh trước đây có hùn vốn với anh em trong thôn Phương Diên sắm tàu công suất trên 400CV làm nghề lưới vây. Thu nhập từ nghề này bấp bênh, phương tiện đánh bắt ngày một xuống cấp. Lao động trên tàu nghề lưới vây chủ yếu là những người lớn tuổi, làm phụ thêm nuôi con cháu. Cuối năm 2015, anh Tịnh quyết định bán tàu để “gia nhập” nhóm đi bạn đánh cá thuê trên biển.

Không có nhiều cơ hội đi tàu lớn như anh Tịnh, anh Nguyễn Duy Khanh (thôn Phương Diên), cũng tham gia lao động thuê cho các tàu cá ở xã Vinh Thanh. Trước đây, anh Khanh có thuyền máy công suất 12CV, chủ yếu đánh bắt gần bờ với nghề bủa lưới, bủa câu và rê mực. Các bạn thuyền đều bỏ theo tàu lớn, còn những người lớn tuổi làm ăn không hiệu quả nên anh Khanh cũng đành bán thuyền đi làm thuê. “Đánh bắt gần bờ mỗi năm chỉ làm được vài tháng mà vụ cá chính cứ thưa dần do nguồn hải sản cạn kiệt, thu nhập thuyền nhỏ rất bấp bênh. Mình làm thuê thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, vẫn ước mơ có ngày sắm lại tàu lớn với bộ ngư cụ hiện đại để tiếp tục bám biển, giữ nghề của cha ông”, anh Khanh, tâm sự.

Trăn trở nghề biển quê nhà

Ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng thôn Phương Diên cho biết: “Toàn thôn có 118 thuyền máy công suất từ 18-24CV (trên tổng số 145 chiếc toàn xã), với khoảng 250 lao động chuyên nghề biển. Do đánh bắt gần bờ, thu nhập bấp bênh, lao động chủ yếu người lớn tuổi, mấy chục năm trong nghề mà không phát triển lên được nên nhiều thanh niên chọn hướng làm ăn khác. Thời cao điểm có hơn 30 lao động làm thuê nghề biển cho tàu cá ở Vinh Thanh. Số lao động ngày tuy có việc ổn định, thu nhập khá nhưng làm việc rất cực nhọc”.

 Không có phương tiện, ngư lưới cụ, các lao động ở Phú Diên về “đầu quân” cho xã Vinh Thanh làm nghề đánh cá thuê trên biển

Nói về phát triển nghề biển ở địa phương, ông Hoàng Trọng Đoài cứ lắc đầu: “Trước đây địa phương có 5 thôn làm biển, giờ chỉ còn lại 3 thôn, thịnh nhất vẫn là thôn Phương Diên, nhưng chủ yếu đánh bắt gần bờ. Mỗi năm sản lượng đánh bắt toàn xã đạt 2.876 tấn- con số khá khiêm tốn so với một vùng biển bãi ngang. Tàu xa bờ của Phú Diên từng có 10 chiếc, qua thời gian, số tàu “lụi tàn” dần, nay kể cả vừa đóng mới cũng chỉ còn 5 chiếc”.

Theo ông Đoài, hiện, nghề bẫy ghẹ, ốc hương của một tàu cá tại thôn Phương Diên đang làm ăn rất hiệu quả. Cái khó không phải ngư dân không còn tha thiết với nghề, mà vì nghề biển đang thiếu lao động trẻ, tàu lớn và ngư lưới cụ đánh bắt theo những nghề mới. Các loại hình đánh bắt như lưới cá lạc, bẫy ghẹ, ốc hương- những hải sản có giá trị kinh tế cao, trong khi ngư dân không đủ kinh phí để đóng mới tàu.

“Khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, địa phương vận động nhiều lắm. Buổi đầu, bà con cũng tham gia tích cực. Nhưng khi đụng đến các thủ tục rối rắm của ngân hàng, nguồn vốn đối ứng bỏ ra quá lớn, vượt xa tầm tay của bà con ngư dân nên ai cũng dè chừng rồi không tham gia nữa. Nghề biển hiện nay ở Phú Diên chỉ duy trì được nghề cũ, còn phát triển là cả một câu chuyện dài”, ông Đoài trăn trở.

“Tàu đánh bắt xa và trung bờ ở xã Vinh Thanh có 24 chiếc công suất từ 120-800CV. Hiện nay, đội tàu này đang tiếp nhận hơn 100 lao động đi bạn từ các địa phương như Phú Diên, Phú Mỹ và Vinh Hải, với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/lao động/tháng”, ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xa bờ Vinh Thanh (huyện Phú Vang), thông tin.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải

Ngày 29/1, tại xã Phú Diên (Phú Vang), Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” năm 2024. Tham dự hội nghị có các ông: Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam; Phạm Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn - TW Hội Nông dân Việt Nam.

Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải
Khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống

Mưa cường suất lớn, kéo dài trong những ngày qua đã gây sạt lở một số tuyến giao thông, vùng ven sông, biển ở các địa phương. Công tác khắc phục đang được tích cực triển khai ở các địa phương.

Khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống
Bí thư Huyện ủy Phú Vang kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển tại Phú Diên

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn trong sáng ngày 13/10 nên trên địa bàn xã Phú Diên đã xảy ra tình trạng sạt lở ở các tuyến đường dân sinh xuống biển, đe doạ đến cuộc sống của người dân ở nơi đây. Trước tình hình đó trưa cùng ngày ông Trần Gia Công, TUV, Bí thư Huyện uỷ Phú Vang đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục.

Bí thư Huyện ủy Phú Vang kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển tại Phú Diên
Return to top