ClockChủ Nhật, 03/12/2017 08:19

Lặng lẽ

TTH - Hôm nay cũng như nhiều hôm khác, ông Nguyễn ngồi lặng lẽ bên giá vẽ. Những đường cọ lướt êm trên tấm toal đầy màu sắc. Dòng tranh siêu thực của ông đôi khi khiến người xem cảm thấy khó hiểu, lẫn khó chịu.

Vừa lướt cây cọ, ông vừa liên tưởng đến bức tranh “Ba lứa tuổi” của danh họa Dali mà ông rất tâm đắc. Ông như thấy có mình trong đó. Người mẹ, cậu bé và người đàn ông với những nét thời gian hằn trên gương mặt. Những nét nhăn ấy chính là cây cổ thụ, là dòng suối, là những hang hốc, là mắt, là mũi… là đại diện cho những người làm cha. Cái đại từ nhân xưng mà ông ít được gọi.

Nhìn vẻ ngoài của ông, ai cũng bảo ông là người khô khan, khó chịu… Và dòng tranh của ông cũng vậy. Nhưng rồi, sau nhiều lần tiếp xúc, người đối diện cảm nhận được trong tâm hồn ông là sâu thẳm những trắc ẩn.

Ai đó từng nói, tính khí của ông khiến công việc không còn hợp với thời nay. Những lúc như thế, ông trầm ngâm:

- Muốn hợp thời phải chạy theo thương trường, mà đời tôi chỉ gắn liền với hậu trường thôi.

Ừ thì được mấy người sống bằng nghề vẽ tranh hay viết nhạc. Dù ít nhiều trong mỗi bức tranh đều toát lên được những dòng cảm xúc nhất định. Đôi khi người thưởng ngoạn chỉ nhìn thấy những đường cọ nguệch ngoạc trên khung tranh, chẳng lý giải được nhưng cảm xúc vẫn cứ dâng trào.

Còn tác giả, người mang đến nguồn cảm xúc ấy nếu được báo chí chọn đăng thì tiền nhuận bút may ra vừa đủ mời bạn bè lai rai vài ba lon bia là cùng. Còn chờ bán tranh? Khó hơn chơi sổ xố. Mấy ai may mắn bán được tranh cơ chứ.

- Làm chi mà trầm ngâm dữ?

Tiếng ông Tân hàng xóm lôi ông ra khỏi những đường cọ.

- Ừ thì cũng…

- Hôm nay, tôi thấy có cái gì đó trà trộn vào dòng cảm xúc của ông thì phải.

- Chuyện đời ấy mà.

- Ông là người đa tài, tuổi cũng chưa già, buồn mà làm gì.

- Biết là vậy, nhưng sao cái nghèo nó đeo đẳng đời nghệ sĩ hoài. Nghĩ mà thương cho vợ con. Hồi tôi cưới bà xã, chỉ hai bàn tay trắng, bán được vài bức tranh rồi cưới luôn. Có lẽ vì thế mà tôi tự tin sẽ mang lại cho người mình yêu một cuộc sống đầy đủ. Thời gian trôi nhanh thật, thấm thoát đã mười mấy năm rồi…

Ông Nguyễn bỗng im lặng vài giây rồi xua tay nói tiếp:

- Thôi, có chai rượu hôm trước đứa em đi A Lưới mang về biếu, nhâm nhi cho vui đi.

- Nãy giờ tôi chờ mỗi chừng đó, có mấy cái tré đây.

- À à… Tôi đoán nhé. Mới có thêm đứa con tinh thần nữa chứ gì?

- “Hoài niệm mùa đông” – Chút nghe thử rồi cho vài lời bình giúp tôi.

- Chà… Hết mùa thu ông lại sang đông…

Lại một lần nữa, ông Nguyễn bỗng khựng lại, bỏ lửng câu nói và chợt nhớ về bức tranh “Ba lứa tuổi” của danh họa Dali. Cũng là một cách nhìn về thời gian. Và nội dung bản nhạc bạn ông vừa sáng tác cũng về thời gian…

*

Chai rượu vơi hơn nửa, ông Nguyễn bắt đầu lâng lâng, ánh mắt đăm chiêu. Bao nhiêu ký ức khơi dậy. Là những vết thương lòng nhiều hơn những niềm vui. Ông bắt đầu câu chuyện mà không cần biết người ngồi trước mặt có muốn nghe hay không.

Cha tôi đã mất trong chiến tranh từ lúc tôi còn trong bụng mẹ, người đời gán cho tôi 2 từ “con hoang” từ thuở ấu thơ. Tuy chẳng hiểu hết nghĩa của con hoang là gì thì điều đó cũng đủ để tôi biết mình cần phải sống lặng lẽ hơn so với các bạn cùng trang lứa. Nhất là khi tiếp xúc với xóm giềng. Hội họa đến với tôi cũng tự nhiên như sự nghiệt ngã người đời gán ghép cho tôi. Cứ thế, càng ngày tôi càng nhận ra rằng đó là tất cả đối với tôi.

Nói đến đây, ông Nguyễn thở dài nhìn sang bạn:

- “Hoài vọng cuộc đời” đấy ông Tân ạ.

Ngoài hiên từng hạt mưa tí tách, gió heo heo lạnh. Ông Nguyễn lặng lẽ một lúc rồi tiếp tục:

- Cái  ngày tôi đám cưới, tôi phải nhờ hai người bạn theo.

- … để làm gì? Ông Tân cắt lời.

Ông Nguyễn xua tay:

- Trăm phần trăm đi.

Những giọt rượu vừa cay, vừa đắng thôi thúc ông thổ lộ tiếp:

- Để đề phòng anh tôi phá đám.

- Anh ông??? Ông Tân tỏ ra ngạc nhiên.

- Ừ, thì cái gì cũng có nguyên do của nó. Nhưng nói trắng ra là vì anh em chúng tôi thích chung một người con gái… Nhưng… tất nhiên là cô ấy chọn tôi… Đêm trước ngày cưới, anh ta đã quậy tung lên nên tôi phải đề phòng!

- Chà… thì ra…

Ông Nguyễn ngồi trầm tư một lúc:

- Buồn ở chỗ, anh ấy là người có học sao có thể trách chúng tôi chuyện này được. Tôi yêu cũng tự nhiên và cô ấy có quyền lựa chọn người cô ấy yêu chứ.

Sau một lúc im lặng lắng nghe, ông Tân hạ giọng buồn:

- Tôi xin lỗi đã khơi dậy nỗi đau của ông.

- Lỗi phải gì. Vốn dĩ đời tôi là thế mà!

- Hết anh rồi lại chị. Đám cưới xong chưa lâu, vào giữa tháng bảy âm lịch năm đó, người bạn tôi mua được một căn hộ, mừng quá nên bảo vợ làm vài món mời bạn bè, tôi cũng được mời. Trong khi đang vô tư chia sẻ niềm vui với bạn, thì vợ tôi ở nhà chịu bao tiếng chửi rủa của chị tôi. Khi tôi về nhà, khoảng chừng 9 giờ tối, thấy một tấm bảng bán nhà treo ở cửa, bà chị cố tình vu họa cho vợ chồng tôi bán nhà cha mẹ. Chuyện dài lắm, chỉ biết đó là lý do để vợ chồng tôi bị tống ra khỏi nhà. Tài sản mang theo chỉ vài bộ quần áo của hai vợ chồng. Tôi không thể nào quên tiếng khóc tức tưởi của vợ hòa chung với tiếng chiêng, trống nghe não nề của ngày hội tháng bảy năm đó.

Nhấp thêm ngụm rượu, đôi mắt ông Nguyễn nhìn về một hướng xa xăm trước khi chậm rãi nhớ lại:

- Chiếc xe đạp lạch cạch cõng hai con tim vô hồn vào một nhà quen để xin ở nhờ. Người ta cho ở được một thời gian, tôi kiếm được ít tiền rồi mướn đất dựng một mái nhà tranh. Lúc này, vợ tôi đang mang thai và sắp sinh. Nhà đã dựng xong nhưng thiếu cái giường mà mảnh chiếu trên nền đất mới thì gồ ghề. Thế mà tự nhiên lại mang thêm khoản nợ ngoài dự tính. Chuyện là lão hàng xóm sang đòi tiền công vì đã kêu giúp thợ. Vợ tôi sợ mất lòng. Thế là phải chạy chọt mãi mới có ba trăm ngàn để trả cho lão.

Ông Tân im lặng nghe chuyện, nhưng vẫn hớp đều từng ngụm rượu. Đôi mắt đăm chiêu dần theo từng sự việc xảy ra với người họa sĩ trước mặt ông mà không nói nên lời. Rượu càng cay, chuyện càng đắng. Mưa cứ lất phất bay.

Ông Nguyễn châm điếu thuốc rồi rít một hơi dài. Từng vòm khói quyện vào nhau như bức tranh thủy mạc. Cuối cùng một giọt nước mắt cũng trào ra, lăn dài trên má ông và đọng trên bờ môi khiến người đối diện nhận thấy được sự mặn đắng của nó. Ông Tân đang còn phân vân thì ông Nguyễn kể tiếp:

- Thế mà vẫn chưa yên, một ông anh họ cũng ở cùng xóm, tỏ ra tốt bụng cho vợ chồng tôi mượn một chiếc giường tre trước kia vợ ông dùng để sinh con, ông bảo: “chú cứ lấy mà dùng, để  lâu rồi cũng hỏng”.

- Có còn hơn không, chiếc giường quá ngắn nên khi ngủ phải thò chân ra ngoài nhưng cũng giúp sản phụ và trẻ sơ sinh cách xa được nền đất. Tôi chưa kịp cảm ơn thì một tuần sau, ông sang đòi một trăm ngàn đồng. Ông bảo:

- Chiếc giường này lúc chị sinh cháu anh mua một trăm hai mươi ngàn, nay để lại cho chú thím một trăm ngàn cũng được. Ông biết đấy, chiếu lại hoàn đất, một sớm gần ngày Noel, vợ tôi đang ngủ bỗng có tiếng rao bánh mỳ. Vợ tôi lửng thửng mở cửa bước ra, tựa vai vào thân cây sầu đông trước ngõ mà không nói gì. Tôi cảm nhận được và mua hai ổ bánh mì nợ, bảo gã bán bánh mì, mai vào bán trả luôn. Nước mắt tôi chảy ngược vào trong mà nghe chan chát. Vì thế mà bây giờ, tôi mới thấm thía về sự thủy chung qua mấy câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết “Cuộc đời em vo tròn lại/Ném vào cuộc đời anh/Nó lăn sâu tận đáy lòng anh/Mà không hề cân nhắc, đắn đo”.

Thời gian lặng lẽ đi qua, những thăng trầm của cuộc đời vẫn còn đó. Giờ ông Nguyễn chưa giàu có, nhưng nhà cửa đã khang trang. Con cái học hành rất giỏi và nó cũng đã nối nghiệp ông nhưng sao ông vẫn không thể quên những con người đã từng làm ông chao đảo.

TRỌNG NGHĨA

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Cuối năm “vẽ” bình an

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán, ngoài đường phố, không khí nhộn nhịp, rộn ràng. Còn ở lớp vẽ nhỏ nép mình trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, các học viên đang chăm chú hết mức có thể. Đặt tâm trí vào từng đường cọ, nét bút, họ đang trang trí cho những quả dừa trong workshop “Vẽ dừa trang trí tết”.

Cuối năm “vẽ” bình an
Vẽ tranh từ…rêu

Khéo léo kết hợp để tôn lên sắc màu và hình dạng độc đáo của những cụm rêu, Nguyễn Phước Sơn, chàng trai 9X đã tạo nên các bức tranh rêu nghệ thuật hút mắt, ấn tượng.

Vẽ tranh từ…rêu
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
Return to top