ClockThứ Năm, 01/06/2017 05:46

Lắng nghe con trẻ

TTH - Trẻ con ngày nay chịu sự chịu tác động từ xã hội, truyền thông, bạn bè… rất mạnh. Phụ huynh cần dành thời gian nhiều hơn để trẻ được thể hiện ý kiến. Việc lắng nghe con trẻ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và tôn trọng các em.

Trẻ em cần được khuyến khích thể hiện năng khiếu của mình

Nỗi lòng con trẻ

Nhiều phụ huynh luôn xem con bé dại, thường hướng con làm theo ý của mình. Đôi khi ý kiến của cha mẹ chưa hợp lý, nhưng nếu con cái không nghe lời họ lại nghĩ là chúng hư và rất buồn phiền. Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Phú Hội (TP. Huế), có con gái học lớp 8, cho hay: “Con bé đang ở tuổi dậy thì nên tâm tính thay đổi, nhiều lúc chị không hiểu nổi con. Riêng chuyện ăn mặc, giữa hai mẹ con luôn xảy ra “cuộc chiến”. Mẹ thích con mặc quần áo dài tay khi đi học thêm nhưng con bé nhất quyết không chịu. Nó lấy quần ngố và mặc kèm với chiếc áo phông cộc tay. Chị mắng con, bắt nó thay, con bé phản ứng: “Thời của mẹ khác rồi, thầy giáo chúng con bây giờ thoáng và hiện đại lắm, nhiều bạn cùng lớp mặc như con mà có sao đâu. Mẹ lạc hậu quá, miễn con mặc không hở hang là được”. Cuối cùng, chị đành chịu thua nhưng trong lòng ấm ức vì con bé không chịu nghe lời.

Cần chăm sóc và lắng nghe tâm tư của trẻ

Trẻ con, nhất là tuổi mới lớn, thường vui buồn thất thường và nông nổi. Các em rất dễ bị dao động, tổn thương. Vì vậy, phụ huynh không lắng nghe con sẽ khó biết con nghĩ gì, muốn gì để có định hướng đúng đắn. Em Ngô Đức Nam, học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Chí Diễu chia sẻ: “Em chỉ mong bố mẹ bớt bận rộn công việc để dành nhiều hơn thời gian cho em. Có nhiều chuyện em muốn kể cho mẹ nghe nhưng lại bị gạt phắt đi. Người lớn thường rất ít khi chịu nghe trẻ con nói...”. Nguyễn Hồng Nhung, học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, than thở, bố mẹ ép em học thêm quá nhiều. Ngoài giờ học ở trường, hầu như tối nào em cũng phải học thêm với gia sư. Ngay cả những ngày lễ tết, em cũng chẳng thấy vui vẻ gì do phải giải quyết cả “núi” bài tập. “Nhiều khi não của em không thể nạp thêm thứ gì nữa, lên lớp hay ngủ gật. Ao ước lớn nhất của em là được... nghỉ học hoặc học bớt lại”.

Khảo sát của tổ chức Codes cho thấy, các em đi bán hàng rong thường bị nhóm người lớn bạo lực, đánh đập. Trong số đó, chỉ có 28% các em kể lại với ba mẹ, bạn bè và những người lớn khác. Tuy nhiên, các em không nhận được sự an ủi, động viên, thậm chí nhiều người nghĩ các em đang nói dối. Anh Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội, cho hay: “Chúng tôi thực sự lo lắng khi nghe các em kể rằng, bố mẹ ít quan tâm đến các em, ngay cả lúc có em gái bị xâm hại tình dục, bị giang hồ trấn lột, đánh đập…”.

Tôn trọng ý kiến con trẻ

Không khó để nhận thấy, nhiều bậc cha mẹ ít dành thời gian chơi với con chứ chưa nói tới việc lắng nghe con nói. Phần lớn các bậc phụ huynh tin rằng, chỉ cần yêu con thôi là họ đã biết cách để giáo dục con theo phương pháp mà mình cho là tốt nhất. Con cái là ước mơ, là hình mẫu của cha mẹ hơn là đúng những gì con đang có. Thế nên, phụ huynh rất ít học cách làm thế nào để hiểu được điều gì đang thực sự diễn ra trong tâm trí con. Thay vào đó, nhiều người cứ than phiền, con bướng, không nghe lời, con có những biểu hiện khác thường… Hành vi thể hiện của cha mẹ ngay lúc đó là: quát, mắng, đe nẹt, so sánh…

Rất nhiều phụ huynh ngày nay phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, cho ông, bà hoặc người giúp việc. Với sự phát triển của các thiết bị số, nhiều bậc cha, mẹ thường đưa cho con điện thoại hay máy tính để chơi thay vì chơi và chia sẻ với con. Cũng không hiếm các bậc cha mẹ thường để con muốn làm gì thì làm, còn mình cũng “chúi mũi” vào điện thoại, laptop... Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh cần trao quyền cho con, đặt ra những yêu cầu vừa sức, không “định khuôn” phát triển cho con, hỏi con “vì sao” trước khi đánh giá. Nhưng trước tiên mỗi bậc cha mẹ nên hiểu rõ sự cần thiết để trẻ tự suy nghĩ và tôn trọng ý kiến của con.

Anh Đinh Tiến Thăng, phụ huynh có con đang theo học trung học cơ sở thừa nhận: “Chúng ta bao bọc, chăm lo quá, không giao trách nhiệm cho con nên hầu như con không biết làm gì cả. Chúng ta cũng bị thành tích nhà trường cuốn theo vì thế o ép con học để đạt điểm cao, và phải học vẹt theo những điều có sẵn. Điều nãy dẫn đến hệ lụy trẻ không dám phát biểu ý kiến, không dám bảo vệ chính kiến, thiếu quyết đoán, để người khác quyết định thay”.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

'Luồng gió mới' để văn học thiếu nhi phát triển

Một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bị bỏ trống và chưa đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi. Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi như một “luồng gió mới” khiến cho văn học thiếu nhi đang dần thức tỉnh.

Luồng gió mới để văn học thiếu nhi phát triển
Hơn 45 tác phẩm ảnh được chọn trao giải cuộc thi vẽ tranh về rác thải

Đó là con số được ban giám khảo thẩm định, bình chọn hơn 130 tác phẩm ảnh được các thanh, thiếu nhi gửi về tham dự cuộc thi vẽ tranh với chủ đề: “Thiếu nhi Huế với phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa” do Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Huế (HEPCO) phát động từ ngày 21/10.

Hơn 45 tác phẩm ảnh được chọn trao giải cuộc thi vẽ tranh về rác thải
Thêm diễn đàn, thêm người lắng nghe

Như cây đang lớn, trẻ vị thành niên cần sự lắng nghe, tư vấn, định hướng trong quá trình phát triển. Một số mô hình, cách làm từ trường học và ngành chức năng đã tạo nên diễn đàn, sân chơi bổ ích cho các em.

Thêm diễn đàn, thêm người lắng nghe

TIN MỚI

Return to top