ClockThứ Tư, 06/04/2011 21:16

Lãng phí đình làng

TTH - Những năm lại đây, chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hiện cả tỉnh đã xây dựng được 552 nhà sinh hoạt cộng đồng, 10 nhà văn hóa xã, phường. Tuy nhiên, thực tế này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho người dân. Ví dụ tại huyện Hương Trà, có nơi từng xây dựng được những mô hình văn hóa rất ý nghĩa như đám cưới nếp sống mới. Không cỗ bàn, tiệc tùng tốn kém, đám cưới nếp sống mới được tổ chức ngay tại xã, rất vui và ý nghĩa với bánh kẹo, trà lá, văn nghệ. Nhưng sau đó, mô hình này không còn được duy trì, trong đó có lý do: Địa phương chưa có địa điểm như hội trường, nhà văn hóa để tổ chức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phong trào đoàn ở không ít phường, xã khó qui tụ, kém phong phú, hấp dẫn vì thiếu địa điểm sinh hoạt thường xuyên.

Trong khi chúng ta đang chật vật, tốn kém để có thêm các thiết chế văn hóa mới ở cấp phường, cấp xã thì có một loại hình thiết chế văn hóa truyền thống từ xa xưa lại đang bị lãng phí. Đó là hệ thống đình làng. Chỉ riêng trên địa bàn TP Huế, hiện còn khoảng 50 ngôi đình cổ. Ở tuyến huyện, hệ thống đình làng cũng còn lưu giữ được ở nhiều địa phương. Nhiều ngôi đình đã được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Tại những thiết chế văn hóa truyền thống này, người dân từ xa xưa đã sử dụng làm nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa cổ truyền. Ngày nay, ở một số tỉnh miền Bắc, người dân đã chủ động dùng đình làng làm nơi sinh hoạt văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, từ hội họp, tập thể thao cho đến tổ chức các liên hoan văn nghệ. Thậm chí xây dựng phòng đọc sách ngay tại đình làng.

Một thực tế là hiện nay, nhiều đình làng ở Thừa Thiên Huế có tuổi đời hàng trăm năm đang xuống cấp nghiêm trọng, chủ yếu do khó khăn về kinh phí. Nếu chúng ta linh động vận dụng nguồn kinh phí đầu tư cho các thiết chế văn hóa làng, xã vào đình làng, để vừa bảo tồn giá trị kiến trúc văn hóa cổ, vừa xây dựng đình làng thành những nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thì chắc chắn sẽ lợi cả đôi đường.
Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top