ClockThứ Năm, 14/11/2013 07:02

Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới đã “xanh” – bài 2: Những mong chờ

TTH - So với những ngày đầu mới lên lập nghiệp, cuộc sống của các hộ Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới đã ổn định hơn nhiều. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài theo mục tiêu dự án thì vẫn còn nhiều khó khăn, cần tháo gỡ.

Còn lắm gian nan

Mặc dù lập nghiệp được hơn hai năm, nhưng do chậm cấp đất rừng nên đến nay diện tích cao su, tràm của các hộ dân trong làng mới được ba, bốn tháng tuổi, thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi, cây trồng trong vườn và đi phụ thợ nề, phát rừng thuê. Tuy nhiên, đất đai tại làng cằn cỗi, thời tiết lại thất thường nên việc phát triển sản xuất cũng chẳng dễ dàng. Được ban quản lý hỗ trợ 3.000 con gà giống, nhưng ít hộ “bảo toàn” được số gà đó hiệu quả. Hiếm hoi có hộ anh Nguyễn Văn Thành duy trì phát triển được đàn gà, có lúc lên đến 600 con, nhưng lại không có đầu ra, tư thương ép giá. Anh Hoàng Quốc Linh cho biết: “2 ha rừng của em mới được trồng 1 ha cao su, còn lại 1 ha đành tạm để trống, dành thời gian đi phát rừng thuê, kiếm tiền sinh hoạt”.

Các hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp đang từng bước ổn định cuộc sống

Khó khăn chung của các hộ ở đây là thiếu vốn sản xuất. Khi lên lập nghiệp, tuy mỗi hộ được ban quản lý dự án phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Thiếu vốn, hầu hết các hộ dân ở đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Anh Thành trăn trở: “Những thanh niên lên vùng đất mới lập nghiệp phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, phải tự thân vận động. Vì thế, chúng tôi cần các cấp chính quyền hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế”.

Trong chuyến làm việc với Làng thanh niên lập nghiệp hồi tháng 5 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Tỉnh sẽ quan tâm, bố trí các công trình dự án vùng sâu, vùng xa vào dự án Làng thanh niên lập nghiệp. Là một bộ phận dân cư không thể tách rời của xã Hương Phong, mọi hoạt động của làng phải gắn bó chặt chẽ với hoạt động chung của xã.

Không chỉ khó khăn về kinh tế, điều kiện học hành cho con em trong làng cũng gặp trở ngại. Làng chỉ có một lớp học dành cho trẻ mẫu giáo, còn lại các em học tiểu học và THCS phải vào tận xã Hương Lâm, cách làng gần 20 cây số. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: Hiện nay số dân của xã Hương Phong còn quá ít, số trẻ ở độ tuổi đi học tiểu học và THCS chỉ 34 em, vì vậy chưa thể xây dựng trường học. Sau khi làng ổn định, số hộ dân của xã tăng lên, chúng tôi sẽ kiến nghị xây dựng.

Ban quản lý dự án cho biết: Do vùng quy hoạch dự án có sự chồng chéo với khu tái định cư thủy điện A Lưới, Công ty Giống vật nuôi cây trồng Thừa Thiên Huế; kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hạn chế, việc thu hồi diện tích từ Đoàn kinh tế quốc phòng 92 gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác đền bù, thu hồi đất bố trí đất ở, đặc biệt là đất sản xuất cho thanh niên lập nghiệp. Vì vậy, Ban quản lý chỉ tiếp nhận được 45 hộ thanh niên lên làng lập nghiệp, mặc dù dự án là 100 hộ. 

Tạo cú hích cho Làng

Để làng thanh niên vượt qua được những khó khăn ban đầu, Tỉnh đoàn hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho các hộ thanh niên bảo vệ 1.503 ha rừng, mỗi hộ thu nhập 2 triệu đồng/ tháng. Ban quản lý dự án cũng phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật nông lâm nghiệp cho các hộ dân trong làng, tận dụng một số diện tích thấp trũng hoặc dốc cao cho các hộ thanh niên xây dựng mô hình trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn cho các hộ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 360 triệu đồng. Giám đốc dự án Phạm Duy Cường, cho biết: “Chúng tôi đang tập hợp hồ sơ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho các hộ dân trong làng, để các hộ dân yên tâm sản xuất và có tài sản thế chấp, vay thêm vốn phát triển sản xuất”.

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Một ngày ở Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định: “Làng là một bộ phận của xã Hương Phong, mà Hương Phong lại được huyện chọn làm xã điểm trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, mặc dù Làng đang nằm trong dự án của Tỉnh đoàn, nhưng huyện cũng lồng ghép hỗ trợ phát triển kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế chung của huyện. Các hộ dân trong làng phát triển mô hình trồng chuối được huyện hỗ trợ 7 triệu đồng/ha, trồng cây cao su được hỗ trợ 50% tiền cây giống và 100% tiền phân bón lót, thuốc bảo vệ thực vật ban đầu”.

Anh Nguyễn Chí Quang, Bí thư Tỉnh đoàn tin tưởng: Có nhà cửa ổn định, có đất vườn, đất rừng, có lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi tin nhất định làng thanh niên lập nghiệp sẽ góp phần vào phát triển chung của địa phương nơi đây, giữ vững vùng biên giới A Lưới. Tuy vậy, để làng phát triển được bền vững chúng tôi rất mong được UBND tỉnh quan tâm đầu tư thêm để các hộ dân của làng vượt qua khó khăn trong thời gian đầu lập nghiệp.

Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top