ClockThứ Tư, 30/03/2016 14:23

Làng thanh niên lập nghiệp: Còn 20 hộ dân thiếu đất sản xuất

TTH - Bên cạnh hạ tầng khang trang, nhà cửa ổn định, hiện còn một bộ phận hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) vùng biên giới huyện A Lưới vẫn thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn…

Hộ chị Hồ Thị Ly dù có nhà cửa ổn định nhưng thiếu đất rừng sản xuất nên cuộc sống khó khăn

Thiếu đất giữa rừng

Làng TNLN của Tỉnh đoàn nằm trên địa bàn xã Hương Phong (huyện A Lưới) với 45 hộ dân sinh sống. Những thanh niên trẻ mới lập gia đình, lên đây định cư đợt một từ năm 2011 và đợt hai năm 2013. Trong 45 hộ của làng, có 25 hộ ở khu B (làng 2) lên lập nghiệp từ năm 2013, dù được cấp đất ở, đất vườn và hỗ trợ tiền xây nhà ở nhưng chỉ có 5 hộ có đất rừng sản xuất. Thiếu đất sản xuất, những hộ dân này phải đi làm thuê hoặc thất nghiệp nên cuộc sống khó khăn.

Chị Hồ Thị Ly, một hộ dân cho biết: “Gia đình mình ở Hồng Thượng, cuối năm 2013 cùng chồng và 2 con nhỏ lên đây lập nghiệp. Theo cam kết của bên Tỉnh đoàn và các hộ dân, khi lên lập nghiệp, ngoài được hỗ trợ tiền xây nhà, tiền chăn nuôi còn được cấp 1-3 ha rừng để sản xuất. Hai vợ chồng rất phấn khởi, nhưng lên đây đã 3 năm giờ vẫn chưa có đất rừng sản xuất nên rất khó khăn”.

Theo chị Ly, ban đầu, gia đình chị được hỗ trợ 30 triệu đồng tiền xây nhà, 4,8 triệu đồng tiền hỗ trợ chăn nuôi, 2 triệu tiền phát quang vệ sinh và cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn. Tuy nhiên, đất đai ở đây quá xấu, toàn đá nên không sản xuất gì được. Chồng chị Ly phải đi làm thuê, chị nuôi con nhỏ nên ở nhà, cuộc sống rất chật vật, khó khăn.

Cũng như nhiều thanh niên mới lập gia đình khác, anh Nguyễn Xuân Ai lên làng TNLN năm 2013, với nhiều hoài bão xây dựng cuộc sống mới. Khi mới lên, anh cũng được hỗ trợ tiền xây nhà, tiền chăn nuôi phát triển kinh tế và cấp 1.800m2 đất ở và đất vườn. “Cứ tưởng ổn định cuộc sống, Tỉnh đoàn hứa sẽ cấp cho 2 ha đất rừng sản xuất, hỗ trợ 14 triệu đồng tiền khai hoang và tiền giống/ha rừng, giúp bà con sản xuất, nhưng tiền, đất giờ cũng chẳng thấy đâu. Ở gần rừng, không có đất, không biết lấy chi ăn”, anh Ai nói.

Anh Hồ Văn Đông, Trưởng khu B, làng TNLN cho biết: “Hiện có 25 hộ dân lên sinh sống tại làng TNLN từ năm 2013, nhưng chỉ có 5 hộ có đất rừng sản xuất, còn lại đa số các hộ phải đi làm thuê hoặc thất nghiệp”. Anh Đông cũng nói thêm, trong 25 hộ dân của làng, có 19 hộ thường có đăng ký tham gia các hoạt động của làng, nhưng thực tế có 50% số hộ dân không ở đây thường xuyên, nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày. Một khó khăn chung nữa của các hộ dân ở đây là chưa được cấp quyền sử dụng đất ở và vườn.

Để có đất rừng sản xuất, nhiều hộ dân ở làng TNLN đành phải nộp tiền để được cấp. “Vừa rồi tui phải nộp 800.000 đồng tạm ứng cho UBND xã Hương Phong để được cấp 0,7 ha đất và sắp tới phải nộp thêm 1,2 triệu đồng nữa để chính quyền thuê đơn vị tách thửa, đo đạc. Đất này từ một đơn vị bộ đội trả lại cho địa phương Hương Phong”, anh Đông cho hay.

Sẽ sớm bố trí đất

“Dự án làng TNLN tỉnh được Trung ương Đoàn TNCSHCM phê duyệt với tổng kinh phí ban đầu là 24 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 19 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Làng có 45 hộ, trong đó có 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài người dân huyện A Lưới, còn có các địa phương Phong Điền, Nam Đông, Quảng Điền, Phú Vang, lên lập nghiệp trong hai đợt 2011 và 2013”, anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban Quản lý Dự án làng TNLN tỉnh, cho biết.

Chia sẻ những khó khăn của các hộ dân ở làng TNLN, anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban Quản lý Dự án làng TNLN tỉnh cho rằng, mặc dù dự án đã kết thúc từ năm 2013, nhưng đến nay Tỉnh đoàn vẫn đồng hành, sát cánh với những hộ dân lên đây lập nghiệp. Một bộ phận người dân đã có cuộc sống ổn định với việc nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt thực hiện thành công, hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân. Cơ sở hạ tầng, trường học được xây dựng khang trang. “Tuy vậy, hiện nay quỹ đất đang rất khó khăn nên còn 20 hộ dân chưa được bố trí đất rừng sản xuất, đời sống khó khăn. Đất ở vùng thực hiện dự án có 60% là đá sỏi. Khi thực hiện dự án, chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, nhưng tiêu chí quan trọng là làng TNLN phải nằm sát biên giới nên chúng tôi chọn xã Hương Phong”, anh Cường thừa nhận.

Về việc sẽ bố trí đất sản xuất cho các hộ dân, anh Cường cho biết thêm, phía Tỉnh đoàn đã có nhiều phiên làm việc với địa phương huyện A Lưới, xã Hương Phong, nhưng do quỹ đất hạn hẹp nên chưa bố trí được. “Hiện nay, đất của Đoàn kinh tế- quốc phòng 92 đã trả lại 23 ha cho địa phương. Xã Hương Phong đang có phương án bố trí quỹ đất này cho các hộ ở làng TNLN. Tuy nhiên, do một phần phải chia cho các hộ dân địa phương nên quỹ đất còn lại không nhiều, dự kiến khoảng 0,6 ha/hộ. Huyện A Lưới dự kiến thu hồi đất của một số đơn vị và các hộ dân lấn chiếm đất rừng để cấp cho các hộ ở làng TNLN. Khi đó, Tỉnh đoàn sẽ làm việc lần nữa với địa phương, cố gắng bố trí được ít nhất 1ha đất rừng sản xuất/hộ dân”, anh Cường chia sẻ.

Về việc các hộ dân làng TNLN đang lo lắng khi họ có nhu cầu được cấp GCNQSD đất ở và đất vườn, nhưng phải tốn hàng chục triệu đồng, anh Cường cho hay, phía Tỉnh đoàn đã làm việc với Cục Thuế tỉnh và Chi cục Thuế huyện A Lưới để có phương án tối ưu, tháo gỡ, áp dụng các chính sách miễn giảm cho các hộ dân.

Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Xây dựng nền tảng từ phát triển hạ tầng

Ngoài việc dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, việc nhiều khu đô thị đang hình thành tạo ra diện mạo mới cho Hương Thủy. Không chỉ hứa hẹn tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân, phát triển hạ tầng sẽ góp phần giúp Huơng Thủy bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nền tảng từ phát triển hạ tầng
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

TIN MỚI

Return to top