ClockThứ Ba, 24/10/2017 09:05

“Làng văn vật Thừa Thiên Huế”

TTH - Từ hàng trăm năm nay, nhiều làng, xã ở Thừa Thiên Huế đã được người trong và ngoài tỉnh biết đến bởi sự “giàu có” về nghề nghiệp, thành đạt về học hành, khoa cử, phong phú, đa dạng về các sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian... Có làng đã được triều đình nhà Nguyễn vinh danh là “Văn vật danh hương”.

Từ trước năm 1945, đã có một số nhà văn hóa lớn viết các tập địa chí nói về nhiều mặt của vùng đất Cố đô. Những năm sau này, ở Thừa Thiên Huế càng có nhiều người quan tâm, nghiên cứu và viết về văn hóa làng xã, văn hóa dân gian. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này cũng chỉ mới giới thiệu được một số làng vốn đã nổi tiếng từ lâu. Mặt khác, một số bài viết chỉ giới hạn trong việc giới thiệu một số nét nổi bật của một làng quê chứ chưa khảo cứu toàn diện về các làng quê đó.

Để có thể nói nhiều hơn, đầy đủ hơn về văn hóa ở các làng, xã thuộc vùng đất núi Ngự sông Hương, được sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, tháng 8/2017 , Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế đã cho ra mắt tập sách “Làng văn vật Thừa Thiên Huế”. Tập sách do NGƯT Trần Đại Vinh làm chủ biên, Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Sách dày 457 trang (khổ 14 x 24cm), được trình bày rất trang trọng, đẹp mắt.

Tập sách “Làng văn vật Thừa Thiên Huế” tập hợp 45 bài viết của 13 tác giả. Hầu hết người viết sinh ra, lớn lên, sống và làm việc ở Thừa Thiên Huế. Bởi vậy, bằng lòng yêu mến nơi chôn rau, cắt rốn của mình, họ đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa không chỉ là của làng mình mà còn của rất nhiều làng xã khác trong huyện, trong tỉnh. Những chuyến đi điền dã, những cuộc tiếp xúc với các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, những cuộc khảo cứu về đình chùa, am miếu... đã giúp cho các tác giả của 45 bài viết có nhiều dữ liệu để phác họa một cách chân thực bộ mặt và kho tàng văn hóa đa dạng, giàu có của những mảnh đất có bề dày lịch sử hàng mấy trăm năm nay.

Là tập sách có nhiều bài viết của nhiều tác giả nên độ dài của các bài nghiên cứu không giống nhau, nhưng đáng chú ý nhất là 2 bài của Lê Nguyễn Lưu: 1 bài dài 101 trang và 1 bài dài 67 trang. Dù độ dài ngắn có khác nhau, song các bài viết đều hướng vào việc nói về các làng cổ trên các bình diện: vị trí địa lý, đất đai, sông núi, lịch sử hình thành, dân số, cơ cấu tổ chức, sinh hoạt lễ tết, lễ hội, các công trình kiến trúc đền chùa, am miếu, tín ngưỡng, tôn giáo, học hành, khoa cử, kho tàng văn nghệ dân gian... Dĩ nhiên, không phải bài viết nào cũng có đủ các phần mục như vừa nêu trên.

45 bài viết giới thiệu với độc giả 41 làng cổ (có 3 làng được 2 tác giả cùng viết với 2 bài khác nhau) và 1 làng mới của tỉnh nhà. Các làng được nêu trong các bài viết đa phần nằm ở vùng đồng bằng từ ven TP. Huế ra đến Phong Điền, Quảng Điền và vào Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc. Ở huyện A Lưới có bài viết về làng A Hưa (làng cổ) của Trần Nguyễn Khánh Phong và bài viết về làng Quảng Phú (làng mới) của Thành Phiên. Các làng ở vùng đồng bằng đa phần là các làng hình thành từ thời các chúa Nguyễn trị vì và rất nổi tiếng về nhiều mặt, ví như các ngành nghề thủ công, việc khoa cử, học hành, các di tích lịch sử - văn hóa. Xin được kể tên một số làng tiêu biểu có trong sách “Làng văn vật Thừa Thiên Huế”: An Cựu, An Truyền, Dạ Lê, Dương Nổ, Hiền Lương, Kim Long, Nam Phổ, Nguyệt Biều, Phương Diên, Văn Xá, Vỹ Dạ, Thai Dương, Thủ Lễ...

Nhìn chung, tập sách giúp cho bạn đọc gần xa có những hiểu biết đầy đủ hơn về các làng quê xứ Huế trên rất nhiều phương diện. Chúng ta, qua từng trang sách càng thấy yêu mến hơn, tự hào hơn về các làng quê - nơi chôn rau, cắt rốn của hàng chục triệu người Việt Nam. Hy vọng, trong những năm sắp tới đây, Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức và xuất bản các tập sách tiếp theo về các làng quê vùng văn hóa Cố đô.

Huy Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top