ClockThứ Sáu, 02/03/2018 16:22

Lãnh đạo đi đôi với kiểm tra, giám sát

TTH - Thông tin về một số lãnh đạo và nhân viên của Kho bạc Nhà nước TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) và Điện lực Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đi lễ ở các cơ sở tâm linh trong giờ hành chính được phản ánh trên sóng truyền hình (VTV1) tối 27/2 vừa qua lập tức gây hiệu ứng trong dư luận.

Giám sát công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư phápGiám sát tài sản của cán bộ cấp cao: Xóa bỏ “định kiến” hình thức?Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục

Ngay hôm sau, các cơ quan chủ quản đã có những phản ứng kịp thời, kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm, nhất là những người đứng đầu đơn vị.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra các lễ hội ở nhiều địa phương. Việc đi lễ đền, chùa đầu xuân là phong tục đẹp, lâu đời. Với người dân, việc chọn thời điểm đi lễ tùy thuộc vào công việc, điều kiện của mỗi người. Còn với cán bộ, công chức thì không phải muốn là được mà phải tuân thủ các quy định về kỷ luật hành chính của Nhà nước. Trong đó, dứt khoát không được đi trong giờ hành chính và không sử dụng phương tiện công. Với những người vi phạm, đó là một hình thức ăn cắp công khai thời gian, tiền bạc của cơ quan, Nhà nước, gây ảnh hưởng đến công việc của cơ quan, giao dịch của người dân. Thực ra trường hợp của 2 đơn vị trên không phải là cá biệt và cũng không phải lần đầu bị phát hiện xử lý. Còn nhớ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, một số cán bộ thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đi lễ trong giờ hành chính bị phản ánh trên sóng VTV và sau đó các cán bộ trên đều bị xử kỷ luật. Đó là bài học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Những năm gần đây, với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính từ Trung ương đến địa phương, tình trạng này đã được cải thiện rất rõ. Ngay từ trước Tết Nguyên đán và ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Mậu Tuất, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, nhấn mạnh, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động… Không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng, nhưng tại sao vẫn có tình trạng vi phạm? Đây là câu hỏi cần được mổ xẻ phân tích từ nhiều góc độ. Đó là việc “nhờn” luật, coi thường kỷ cương, kỷ luật hành chính; việc thiếu gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; việc kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, lãnh đạo cần đi đôi với kiểm tra, giám sát. Ngay những ngày đầu năm mới lãnh đạo tỉnh đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm của một số địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, nếu chỉ những người đứng đầu thì không thể quán xuyến, kiểm tra hết được các đơn vị, địa phương mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị. Đơn cử như trường hợp Trường TH Dương Nỗ (Phú Vang) tự ý cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày đầu năm, nếu ngành giáo dục Phú Vang tăng cường kiểm tra chắc chắn sẽ kịp thời chấn chỉnh ngay từ ngày đầu tiên.

Hiện nay, với sự phát triển rộng rãi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đây cũng là kênh thông tin quan trọng, một phương tiện để giám sát hiệu quả. Vì vậy, tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của báo chí, mạng xã hội là  giải pháp quan trọng để tăng cường công tác giám sát trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính nói riêng và hoạt động điều hành đất nước nói chung.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Return to top