ClockThứ Tư, 06/01/2016 14:50

Lao động trẻ mê điêu khắc gỗ

TTH - Là nghề kén người học, nhưng những năm qua, điêu khắc mộc mỹ nghệ thu hút không ít người học có tuổi đời khá trẻ. Đây cũng là nghề giải quyết công ăn việc làm cho nhiều thanh niên tuổi đôi mươi vừa chia tay với sự học.

Một cơ sở mộc mỹ nghệ ở đường Nguyễn Sinh Cung (TP Huế)

Thu hút

Anh Phùng Hữu Thái, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ ở đường Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ, TP Huế) chia sẻ, trong 27 năm làm nghề, anh nhận dạy khoảng 100 người. Hầu hết người tìm đến với anh đều có tuổi đời từ 12-25. “Xưởng tui bây giờ có khoảng 20 người vừa học vừa làm. Điêu khắc mộc mỹ nghệ là nghề kén người học, người lớn tuổi cứng tay cứng chân khó làm và họ cũng không chịu bỏ ra hơn 3 năm để học cái nghề cần sự tỉ mẩn mẫn. Những bạn trẻ tới đây cũng có vài người học vài tháng, thậm chí 1-2 năm nản mà bỏ, nhưng nhìn chung tui thấy các em trẻ rất thích nghề ni”, anh Thái khẳng định.

Môi trường làm việc và yếu tố sáng tạo là điều kiện thu hút những người trẻ tìm đến nghề này. Anh Tôn Thất Lành (35 tuổi), thợ điêu khắc mộc mỹ nghệ ở phường Kim Long, TP Huế kể, anh bắt đầu đến với nghề từ lúc 15 tuổi. Điều kiện gia đình khó khăn khiến anh học nghề với mong muốn tự kiếm được chén cơm nuôi chính bản thân. Phân vân khi nhiều người gợi ý chọn nghề, tìm trường nghề, cuối cùng anh gặp được cơ duyên với nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ. Anh Lành nhận định, điểm thuận lợi của việc học nghề ở các cơ sở bên ngoài khác với ở trong trường là được thực hành nhiều, chủ yếu người trước bày người sau nên dễ học. Bên cạnh đó, tận dụng gỗ nhỏ, hỏng, người học có thể tranh thủ giờ giải lao để sáng tạo nên những mẫu mã mình thích. Chính điều đó kích thích sự hăng say của lao động trẻ đến với nghề.

Còn trẻ nhưng nhiều bạn trẻ khá thạo nghề

Ghé lại khoảng 5 cơ sở mộc mỹ nghệ từ thành phố đến nông thôn, chúng tôi nhận thấy, ngoài người chủ cơ sở thì khoảng 90% nhân công và người học tại đây là người trẻ, vì nhiều lý do không thể tiếp tục đến trường và muốn có công việc đàng hoàng. Anh Hồ Đình Thanh (44 tuổi), chủ cơ sở điêu khắc mộc mỹ nghệ ở xã Thủy Vân (Hương Thủy) phân tích: “Một lý do khiến các em chọn nghề này do chủ cơ sở dạy miễn phí, lại được thực hành miễn phí. Học nghề điêu khắc gõ thành thạo *** này đều có việc làm, thậm chí nhiều em trở nên khá giả”.

Đam mê

Những người thợ điêu khắc mộc mỹ nghệ lâu năm nhận định, với nghề các anh đang làm, nếu không đam mê thì người học khó lòng theo đuổi. Một người thợ phân tích: “Ba nguyên nhân chính mà giới trong nghề bảo nghề kén người là vì ngồi lâu đau lưng; thời gian học của nghề lâu (ít nhất 3 năm) và cần sự tỉ mẩn đến từng chi tiết. Làm bức tượng gỗ mất cả quá trình, chỉ cần lơ là một chút là hỏng”.

Đem khó khăn trên “chất vấn” những gương mặt “trẻ măng” ở các cơ sở, chúng tôi được đáp lại bằng những nụ cười và chung một nguyên nhân chọn nghề là đam mê. Nguyễn Văn Tây (sinh năm 1996) quê ở Quảng Trị vào Huế học nghề này cho biết: “Em học xong lớp 12 thì nghỉ học rồi vào đây học nghề. Trước đây, em thích nghề thợ xăm. Trong một lần nhìn thấy họ đục đẽo khúc gỗ thành tượng Phật em mê quá rồi xin học luôn.”.

Phan Cảnh Tân (21 tuổi), đang học nghề ở cơ sở anh Thái tiết lộ, để theo đuổi đam mê, em chấp nhận bỏ ra một quãng thời gian dài “bái sư” khắp nơi, vì đây là công việc cho thu nhập khá và muốn giỏi thì cần đầu tư nhiều thời gian. Em kể: “Học hết lớp 11 thì em nghỉ. Hai năm học nghề chạm gỗ ở quê xong, em rời Quảng Điền vào Huế thuê phòng trọ để tìm thầy học thêm những kỹ năng chế tác ra tượng. Mỗi người thợ sẽ có một cái hay, kinh nghiệm quý báu để người học tiếp thu. Em đam mê và mong muốn sau ni đứng vững với nghề nên chấp nhận bỏ thời gian dài để học nhiều nơi”.

Trò chuyện ở các cơ sở điêu khắc mộc mỹ nghệ, chúng tôi được biết không ít bạn trẻ sau khi ra nghệ vài năm đã tự mở cho mình một xưởng điêu khắc mộc mỹ nghệ để bám trụ mưu sinh. Nhiều thanh niên có điều kiện khó khăn hơn cũng đang có một công việc ổn định sau nhiều năm theo đuổi đam mê. “Hồi trước nhà em nghèo nên em phải nghỉ học sớm. Theo học nghề được 4 năm, bây giờ em có thể tự tạo ra thu nhập bằng chính công sức của mình. Em ở lại làm tại xưởng nơi em học vì muốn trả ơn cho thầy. Nhưng lương thầy trả cũng khá, giúp em vừa tự lo cho bản thân vừa giúp ba mẹ phần nào”, Phan Văn Tèo, trú tại phường Hương Hồ (Hương Trà) trải lòng.

Những người thầy của nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ thừa nhận, bất lợi của những người trẻ là ham chơi nhưng điểm lợi là họ có đôi tay mềm mại, tiếp thu nhanh. Những tố chất này cộng với sự cần cù đã giúp nhiều lao động trẻ thành đạt từ một nghề tưởng chừng khó học.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 do UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức.

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững
Quan hệ lao động hài hòa nhờ thỏa ước

Thỏa ước lao động tập thể chất lượng không chỉ giúp người lao động (NLĐ) hưởng lợi mà còn góp phần đưa quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển ổn định.

Quan hệ lao động hài hòa nhờ thỏa ước
Hỗ trợ học nghề và việc làm cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn và lao động thuộc các đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp đang chiếm tỷ lệ khá cao trong tỷ lệ lao động trên toàn tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đào tạo nghề, tạo việc làm đã được thực hiện hiệu quả.

Hỗ trợ học nghề và việc làm cho lao động nông thôn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top