ClockThứ Tư, 09/02/2011 16:22

Lão mai núi

TTH - Ngôi chùa làng nơi cậu tôi đã trụ trì nhiều năm, được xây dựng từ trăm năm trước. Chùa nằm trên dải đất đầm phá. Suốt bốn mùa, gió cát thơm mùi nước mặn thổi vi vu qua rặng phi lao. Ngôi chùa và lão mai núi gần như bị lãng quên .Cổng chùa bị đổ nát theo chiến tranh, mái chùa như cong thêm vì thời gian và mưa gió. Gọi là” lão” vì cội mai núi đã già cỗi lắm rồi. Trong vườn chùa có trồng nhiều loại cây lưu niên nhưng cội mai núi là thượng thọ hơn cả.

Mỗi năm cứ đến đầu tháng Chạp, tôi vẫn thường về thăm cậu tôi và ngôi chùa vùng đầm phá. Cội mai núi vẫn sừng sững trước sân chùa, chỉ còn lác đác vài cọng lá. Đến khi lá trên cành rụng hết thì cội mai già như trẻ lại, bắt đầu đơm nụ xanh báo trươc ngày Tết sắp đến gần. Cậu tôi đã có thời gian  dài là trú trì chùa. Cậu tôi có lần  tiết lộ cho tôi biết gốc gác của cội mai chính là mai núi trên rừng Trường Sơn. Có một người tu trong chuà “nhảy núi” rồi về  làng hoạt động, đã đem theo về  trồng bên hiên chùa. Khi mới trồng cây mai núi còn khẳng khiu, thân cành săn chắc.Trên da cây có bám một lớp rêu xanh, năm cánh hoa vàng mơ và mỏng nhẹ. Chen  cạnh bên những cây mai đất đồng vạm vỡ, cây mai núi trông có vẻ gầy guộc và khắc khổ nhưng sắc hoa vàng mơ, toả hương  lại dịu nhẹ lẫn khuất khắp vườn chùa.

Dưới cội mai núi này, tôi đã nhìn tận mắt và  còn được nghe nhiều chuyện kể…

Chùa còn lưu giữ một tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá, cao trên hai mét, chạm trổ tinh xảo và một cái chuông đồng cổ. Cậu tôi coi như  là hai bảo vật của chùa. Nghe cậu tôi kể lại rằng: Có một vị sư  người Minh Hương theo các thuyền buôn qua đây. Vị  cao tăng  này đã tức cảnh sinh tình làm thơ  “…Vương gia từ  miếu âm sâm xứ / Quýnh hữu linh quang xạ hải đông” (…Chùa vua miếu chúa nơi u tịch / Chong ánh đèn thiêng chiếu biển đông). Ngôi chùa làng nhìn ra biển đông đã được nhiều vị cao tăng, thiền sư  đến hoằng pháp. Một số bài thơ vịnh cảnh còn lưu giữ  khắc hoạ vẻ đẹp của vùng đầm phá nàý:“ Hồ thượng lô kê lưỡng ngạn văn / Trung lưu yên tự tuyệt trần phân…” (Gà ai xao xác gáy quanh thôn / Yên vắng chùa không cảnh giữ  cồn…). Đầu xuân mỗi năm, dưới cội mai núi, nhà chùa thường  treo lên trên  mấy cành khẳng khiu những tờ giấy điệp có ghi những câu thơ hay đươc viết  theo các loại chữ  chân,  chữ triện, chữ thảo hoặc chữ lệ: “Huyền Trân sái tận u sầu lệ / Hoá tác xuân mai dạ vũ thanh” (Tích vũ Huyền Trân  của Ngô Thời Nhiệm), tạm dịch nghĩa: “Huyền Trân nhỏ hết nước mắt u sầu, hoá thành những tiếng mưa đêm trên cành mai mùa xuân), hoặc câu thơ “Nghêu ngao vui thú sơn hà / Mai là bạn cũ hạc là người quen” (Nguyễn Du) và  còn có cả câu thơ thật hào sảng và khí khái tuyệt vời: “Thập tải luận giao cầu cổ kiếm / Nhứt sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao du tìm thanh kiếm cổ / Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)… “Lão” mai núi như một chứng nhân của bao đổi thay của lịch sử  và cuộc đời . Cũng bên cội mai núi này, cậu tôi cho biết thêm: “Cây mai núi ni hoa vàng chỉ có năm cánh và nở đúng ngày đầu tiên của mùa xuân” và cậu giải thích thêm rằng: “Năm cánh  là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín”. Và theo cậu tôi thì Nhân là trời đất, Lễ là bốn mùa, Nghĩa là sông, Trí là sáu cõi, Tín như đá núi. Hoa mai núi sống khổ nhọc và luôn mang theo cái khát vọng hoàn thiện của bậc thánh nhân”.                                 

Có một mùa xuân trước ngày đất nước thống nhất, bên cội mai núi, cậu tôi đã nói bóng gió rằng: “Mai vàng là biểu trưng cho những tấm lòng son sắt thuỷ chung. Năm cánh hướng về một tâm điểm tạo thành một vòng tròn như mặt trời. Hoa mai nở là bắt đầu một ngày mới, báo hiệu  bình minh, niềm hy vọng và đất nước sắp hoà bình….”

Chỉ vài năm sau thì cậu tôi viên tịch. Tôi về thăm lại ngôi chùa trên vùng  đầm phá xưa. “Lão” mai núi hoa vàng  vẫn còn  trường thọ. Hoa vẫn tươi đẹp, cánh hoa vẫn mỏng nhẹ, mềm mại, óng mượt màu vàng mơ và hương thơm thoảng dịu dàng trong vườn chùa.

Hoa mai vẫn nở năm cánh vàng mơ khi Tết đến, Xuân về , nhưng  cậu tôi thì đã “đi xa” rồi… Tôi thầm nhắc câu thơ của Mãn Giác Thiền sư: “…Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Dường như  đêm qua lão mai núi đã nở đầy hoa vàng.

Trần Hữu Lục

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top