ClockThứ Năm, 31/01/2019 22:31

Lão trư

TTH - Nói không ai tin, nhưng đúng lần đầu tôi đi chùa là do được dụ dỗ... coi heo (là heo đàng hoàng chứ không phải heo... tào lao thời hiện đại đâu nhé).

Ấy là vào một ngày rằm to vía lớn cách đây hơn 40 năm. Hôm ấy, nội tôi bảo theo nội đi chùa. Tuy còn con nít, nhưng tôi cũng thừa biết tới chùa chẳng có chi vui ngoài tụng kinh niệm Phật, nên vùng vằng không chịu đi. Nghĩ sao đó nội bảo: “Đi với mệ, về chùa mệ dắt cho coi con heo biết ăn trầu”. Nghe hơi hấp dẫn, bởi xưa nay heo ăn rau ăn cám, chứ răng lại ăn trầu? Rứa là tôi ngoan ngoãn theo nội băng qua đường ray, vượt mấy cái cồn mồ nữa để vô chùa Diệu Viên, một ngôi chùa nữ ở Thủy Dương- Hương Thủy.

Giữ đúng lời hứa với cháu. Tới chùa, sau khi chào sư trú trì và vào điện lễ Phật, nội dẫn tôi về nhà bếp, rồi lui ra phía sau. Ở đó có chuồng nuôi heo. Ôi trời, lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy con heo to hiện ngụy như rứa. Cái lưng của nó to, dài cứ như một tấm phản; lông gáy tua tủa, cứng ngắt và dựng như một cái hàng rào dày. Hai bên mồm là cặp nanh cong dài chỉa ngược lên phía trên như răng lợn lòi mà lũ con nít chúng tôi vẫn chỉ thấy trong sách giáo khoa. Mà phải gọi nó là “lão trư” mới đúng phép, bởi cho đến thời điểm ấy nghe nói lão đã gần hai chục niên tuế, cái tuổi mà đối với đồng loại của lão là cực kỳ cực kỳ hiếm. Cùng ra thăm lão trư hôm ấy còn có nhiều người khác nữa. Một sư cô cất tiếng gọi, bảo lão trư đứng dậy... chào khách tới thăm. Không biết có hiểu không, nhưng lão nhướng mắt rồi nặng nhọc đứng dậy thật. Chợt thấy lão lân la đến cọ cọ, ủi ủi vào tay một mệ phật tử đứng gần nhất. Sư cô bảo: Nó nịnh xin trầu đó. Vậy là mệ mở đãy, vốc một nắm cau trầu. Lão trư há mồm rồi... nhai, ra vẻ khoái chí lắm. Ai cũng cười ồ và kháo nhau, rằng nó kiếp trước khéo tu, nay mới được vô chùa. Nếu không, e đã vô thẳng... nồi bún, cối chả từ lâu...

Có lẽ sẽ không ít người thắc mắc, nhà chùa ăn chay, cấm sát sanh, sao lại nuôi heo? Ấy là do ngày trước, kinh tế nhà chùa cơ bản cũng là “dĩ nông vi bổn”. Chùa nào cũng phải làm vườn làm rẫy, chùa nào cũng có ruộng cấy lúa để “nuôi chúng nuôi điệu”, cho nên, không riêng gì Diệu Viên mà nhiều chùa khác nữa cũng đều có nuôi heo để lấy phân bón. Sau này có dịp thăm Tổ đình Tây Thiên, Tổ đình Thuyền Tôn... cũng bắt gặp những lão trư to tổ chảng không kém gì lão trư của Diệu Viên. Vì chỉ nuôi để lấy phân, không ăn không bán nên những chú heo may mắn lạc bước vào chùa cứ vậy mà sống, sống đến bao giờ... mệt thì nghỉ thở.

Theo tính toán, tuổi thọ của loài heo có thể lên tới 25 năm. Vừa rồi, thiên hạ ồn ào, “ngỡ ngàng” với một chú heo cảnh ở Canada được xem là thọ khủng nhất thế giới với 23 tuổi đời. Tôi liên tưởng và cảm thấy... vui vui: “Đồ nớ, ở Huế... đầy”. Bởi chưa cần điều tra, nhưng mới chỉ với “sức đi” của một thằng con nít như tôi hồi ấy mà đã gặp tới 3-4 lão trư, lão nào cũng khọm rọm tuổi “cổ lai hy” trong dòng họ trư cả. Không đầy thì là gì?

Tất nhiên đấy chỉ là hồi xưa. Còn bây giờ, phân tro chẳng phải là vấn đề, nhà chùa cũng đa phần không còn làm ruộng làm rẫy để duy trì sinh hoạt nên không thấy có nuôi heo nữa. Tuổi thọ của heo bây giờ phụ thuộc... lò mổ. Vậy nên để được tận mắt chiêm ngưỡng một lão trư như thế hệ tôi từng được thấy không còn là chuyện dễ.

Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy đặt mình vào vị trí người dân

“Thời COVID” việc đeo khẩu trang đã là thói quen phổ biến, đây là thao tác cơ bản để phòng chống dịch COVID – 19. Song, dòng trạng thái lẫn bức hình kèm theo của người quen trên facebook cùng hàng chục bình luận khiến tôi giật mình: Ngủ cũng đeo khẩu trang…

Hãy đặt mình vào vị trí người dân
Tái thiết đàn lợn theo hướng an toàn

Giá thịt lợn hơi trong tỉnh hiện nay khoảng 90.000 – 95.000 đồng/kg và có khả năng chưa giảm trong thời gian trước mắt. Việc tái đàn để cân bằng nguồn cung là cấp thiết, nhưng cần triển khai chăn nuôi an toàn.

Tái thiết đàn lợn theo hướng an toàn
“Liều” để làm giàu

Mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để mở rộng trang trại nuôi lợn, đến nay, trang trại của cựu chiến binh (CCB) Phan Thị Phương ở thôn Mỹ Phú, xã Phong Chương (Phong Điền) với hơn 900 con được nuôi theo công nghệ an toàn thực phẩm đã bắt đầu cho hiệu quả kinh tế.

“Liều” để làm giàu
Một nhà nuôi heo, nhiều nhà phố vạ lây

Nhiều năm nay, nhiều người dân sống ở tổ dân phố 2 (phường Thủy Xuân, TP. Huế) bức xúc về việc một hộ dân lập gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay trong khu dân cư. Việc hộ dân này nuôi heo gây mùi hôi khó chịu cho người đi đường, đặc biệt là những hộ dân xung quanh.

Một nhà nuôi heo, nhiều nhà phố vạ lây
Return to top