ClockThứ Ba, 08/05/2018 08:40

Lắp camera ở đâu trong trường học?

TTH - Vụ việc cô giáo bắt học trò uống nước từ giẻ lau bảng, cô giáo không chịu giảng bài suốt 3 tháng liền... khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Nhiều phụ huynh trong TP. Huế mong muốn, nhà trường lắp camera ngay trong lớp học. Ý kiến này nhận được dư luận trái chiều.

Dân góp tiền lắp camera an ninhCamera giám sát nâng hiệu quả công việcThành phố Huế sẽ lắp camera để quản lý đô thịPhường đầu tiên của tỉnh lắp đặt hệ thống camera an ninhLắp camera giám sát cán bộ, trao thư chúc mừng công dân mớiHướng đến việc phòng, chống có hiệu quả bạo lực học đườngKiềm chế bạo lực học đườngLoại bỏ mảng tối học đườngKịp thời ngăn chặn học sinh “manh động”

Có thời điểm, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một học sinh học trung học cơ sở ở trường P. (TP. Huế)  bị các bạn nữ đánh hội đồng. Địa điểm xảy ra vụ ẩu đả là ở tầng 3, nơi ít người qua lại. Sau đó không lâu, nhà trường gắn hàng loạt camera ở khắp nơi trong khuôn viên trường học. Nhất cử, nhất động của các em đều được theo dõi. Vẫn biết, camera chỉ là giải pháp tình thế, nhưng trong thời điểm đó cũng làm dịu dư luận và sức ép từ phía phụ huynh khi họ nằng nặc đòi chuyển trường cho con.

Không phải vụ bạo lực học đường nào cũng được phát hiện nên các trường lắp camera ở hành lang, góc khuất là chuyện tất yếu, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, trấn an phụ huynh và học sinh. Mặt tích cực thấy rõ, tình trạng học sinh vi phạm nội quy, đánh nhau ở các góc khuất trong trường học giảm hẳn. Nhà trường không còn nơm nớp lo kẻ xấu ở ngoài tấn công vào lớp học.

Câu chuyện gắn camera không có gì đáng nói, nếu như một số trường không gắn camera vào lớp học. Không ít phụ huynh đồng tình, vì khi đã có ban giám hiệu theo dõi, cả giáo viên lẫn học sinh phải nghiêm túc trong giờ học. Có thể, đây cũng là cách bảo vệ thầy và trò khi có sự cố xảy ra.

Một số trường khá thận trọng trước yêu cầu của phụ huynh vì đưa camera vào lớp học sẽ vi phạm quyền riêng tư của học sinh và giáo viên. Người trong cuộc nỗi niềm, lắp camera trong lớp sẽ gây ức chế cho giáo viên. Họ cảm thấy mình không được tôn trọng, không được tin tưởng nên phải dùng camera giám sát. Trong khi, dạy học là phải sáng tạo, có giao lưu tình cảm giữa cô và trò… Giáo viên sẽ bị áp lực nếu biết rằng lúc nào cũng có người “theo dõi”, quan sát. Còn nhớ cách đây không lâu, vị hiệu trưởng của một trường THCS than vãn, nhiều giáo viên dạy hợp đồng trong thời gian ngắn đã xin nghỉ việc khi không chịu nổi sức ép từ... camera.

Cô giáo Nguyễn Thị T., giáo viên dạy văn Trường THPT C. phản ứng: “Khi có  ghi âm, ghi hình, chắc chắn giáo viên sẽ phải phụ thuộc vào giáo án, mất đi tính sáng tạo. Những câu nói đùa, những vui buồn hờn giận cũng bị đóng khung, trở nên “kịch hóa” trước máy camera. Cảm xúc của cô và trò không còn là cảm xúc thật nữa”.

Lắp camera trong lớp học khiến học sinh cảm thấy không thoải mái khi nhất cử, nhất động của mình đang bị theo dõi. Nhiều em trở nên khép kín, ít cởi mở, hiếu động đúng với độ tuổi của mình khi đến lớp. Chưa kể, đằng sau câu chuyện xem và xử lý camera ghi hình cũng là chuyện đáng bàn nếu không được nhà trường xử lý tế nhị. “Em cảm thấy bí bách, mất tự do khi có ai đó chăm chăm nhìn mình. Nhiều lúc bọn em nghịch ngợm, đùa giỡn nhau rồi lại giật mình vì sợ người khác biết. Chúng em đã là học sinh cấp III nên không muốn quản lý như trẻ học mẫu giáo” – Em Nguyễn T. T., học sinh Trường C. cho hay. Đó cũng là ý kiến chung của rất nhiều học sinh trong trường có gắn camera.

Trở lại vấn đề có nên lắp camera trong lớp học, nhất là đối với học sinh trung học phổ thông, thầy giáo Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết: Lắp camera tại lớp học phải có sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên, nếu không, bản thân họ bị giám sát sẽ dẫn đến áp lực, mệt mỏi. Còn muốn hạn chế bạo lực học đường, cần nâng cao ý thức, kỹ năng sống cho học sinh để biết cách phòng chống, bảo vệ mình.

Lắp camera trong lớp học chưa hẳn là một giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế các hành vi đánh nhau hay xâm hại học sinh. Các sự việc đâu chỉ trong nhà trường mà có cả ngoài nhà trường, khu vực cổng trường. Trường học cần tăng cường giáo dục cho học sinh, còn phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con cái, nắm bắt tâm lý để giúp con không vi phạm kỷ luật nhà trường, không gây ra bạo lực học đường. Theo ý kiến của một số phụ huynh, cần xây dựng văn hóa dân chủ trong trường học và có kênh thông tin để học sinh phản ánh. Giáo viên cũng cần được đào tào chuyên nghiệp hơn về nghiệp vụ sư phạm, không vì một vài học sinh hay quậy phá, mất trật tự mà phản ứng nóng giận, thiếu kiềm chế.

Tiêu cực ở lớp học không chỉ có một vài hiện tượng mà diễn ra rất phức tạp trong các mối quan hệ thầy-trò, trò-trò, phụ huynh với thầy... Gốc rễ của vấn đề là giáo dục cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn chứ không phải đợi camera ghi nhận rồi xử lý hậu quả.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học

TIN MỚI

Return to top