ClockChủ Nhật, 21/01/2018 12:11

Lấy của người

TTH - Trên trang facebook của mình, nhà thơ Văn Công Hùng vừa kể kèm minh chứng một vụ đạo thơ ngang nhiên – trường hợp Nguyễn Thị Thanh Long đạo thơ, biến Khúc thiếu phụ của Thy Minh thành Khúc dịu buồn – nắng gió cao nguyên đứng tên mình. Cũng theo anh, người đạo bài thơ này còn vừa được một giải thơ của một hội địa phương, đồng thời vừa được một hội lớn hơn kết nạp làm thành viên.

Câu chuyện của anh vừa làm người ta chán nản, lại vừa ngạc nhiên. Tại sao lại có những người “manh động” với chữ đến như vậy và có vẻ như “manh động” quên cả bản thân mình. Chả lẽ căn bệnh sính tên tuổi đã trầm trọng đến nỗi che luôn cả nhân thân và nhân cách ư? Không biết khi lấy của người làm của mình, người đạo thơ kia có nghĩ đến một lúc nào đó, khi mọi việc tường minh – chuyện này đâu có khó khi chỉ cần Google đoạn thơ, bài thơ là người ta có thể nhận diện ngay bản mặt của sự đánh cắp – họ sẽ lý giải như thế nào về hành vi, cũng như đối diện như thế nào khi mọi người nhận ra chân tướng của mình? Cho dù có thể là chưa ai biết, hoặc không phải ai cũng biết đi chăng nữa, liệu họ có thể sống yên với kiểu lấy của người để vung vít một hình ảnh giả dối và không có thật về chính bản thân mình?

Lâu nay, người ta vẫn thi thoảng nghe về chuyện đạo văn, đạo thơ, đạo ý tưởng… ở đâu đó. Đã có không ít người phải nhận một kết cục bẽ bàng trong mắt đồng nghiệp. Không có cái gì có thể giấu được mãi, cũng như không chiếc áo giả dối nào lại được may bằng một chất liệu có độ bền cao, nhất là khi mục đích của nó là để chường ra với thiên hạ, thể hiện với thiên hạ. Vả lại, nếu không vì mục đích ấy, người ta còn lấy của người làm của mình để làm gì? Nhuận bút ư? Có đáng gì. Ăn cám trả vàng thôi.

Tuy nhiên ở lĩnh vực báo chí, điều này lại có vẻ như không đúng, hoặc có thể là tôi đã có cái nhìn không đúng về cái - không- đúng. Tình trạng lấy tin không dẫn nguồn, lấy tin từ báo khác làm tin của mình; tình trạng copy bài của báo khác về trang thông tin của mình, chỉ dẫn nguồn nho nhỏ và không kèm link ở cuối bài – đương nhiên là không xin phép và nếu có cũng chưa chắc đã được cho phép – đã trở nên phổ biến và ngày càng trầm trọng hơn. Chúng tôi gọi đấy là một kiểu ăn chặn trên lao động của người khác, nhất là khi người ta dùng việc này để câu view, câu like nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm, bán hàng, lại vừa muốn chứng tỏ mình thuộc dạng “nguy hiểm” vốn chỉ có ở những cá thể chuyên hóng hớt. Dù đã có không ít phàn nàn, cảnh báo tại một số diễn đàn chính thống và cả phát văn bản yêu cầu chấn chỉnh nhưng đáng ngại là cho đến tận bây giờ, cơ quan quản lý gần như vẫn chưa có một động thái và giải pháp gì để chấn chỉnh.

Cuối tuần vừa qua, một nhà báo đã một lần nữa cảnh báo về chuyện ăn chặn thông tin của anh của một trang báo mạng. Các đồng nghiệp khác cũng đã chia sẻ điều này vì thông tin của họ cũng từng bị ăn chặn như thế. Đáng quan ngại là việc đó gần như chưa có điểm dừng. Tôi click vào trang được đồng nghiệp của mình cảnh báo. Thông tin đã được sửa lại bằng chữ theo. Không có lời xin lỗi nào. Chả lẽ xin lỗi lại khó đến thế sao?

Không phải hành vi nào cũng giống nhau, dù chẳng thể có lời hùng biện nào là đúng cho hành vi lấy của người.

HOÀNG MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế & hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Huế  hoàng mai
Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

Phiên chợ hoàng mai do Chi hội hoàng mai TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra từ 12-14/1 tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ
Trợ giúp người yếu thế và các trường hợp khẩn cấp

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) là nơi tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh. Đơn vị còn phát triển dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện, tập trung người lang thang và huy động nguồn đóng góp để chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trợ giúp người yếu thế và các trường hợp khẩn cấp
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Nhân giống hoàng mai

Một sáng mùa đông chớm lạnh, chúng tôi tìm về thôn Bồn Trì phường Hương An để chiêm ngắm hàng chục ngàn cây hoàng mai gần một tuổi đang trổ lá.

Nhân giống hoàng mai
Return to top