ClockThứ Tư, 24/09/2014 06:21

Lay lắt sàn giao dịch bất động sản

TTH - Không có giao dịch hoặc chỉ giao dịch sản phẩm của đơn vị mình kinh doanh đang là thực trạng chung tại các sàn giao dịch bất động sản (SGDBĐS) trên địa bàn.

SGDBĐS An Cựu thi thoảng mới có khách viếng thăm

Lay lắt

9 SGDBĐS là con số chung hiện có trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ 2 trong số đó là có giao dịch, song chỉ giao dịch sản phẩm do đơn vị mình kinh doanh. Còn lại, không có sàn nào có giao dịch ký gửi. Sản phẩm ngoài được xem như của hiếm, bởi từ khi các sàn thành lập đến nay, chưa có sàn nào giao dịch thành công dù chỉ một sản phẩm BĐS ngoài thị trường.
SGDBĐS Ân Nam mới đây có khoảng 10 giao dịch thành công sau khi đơn vị hoàn thành phần hạ tầng và triển khai bán đất nền tại Hương An (Hương Trà). Các thông tin về hình ảnh dự án, quá trình triển khai thi công, san lấp mặt bằng, phân lô... đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của sàn nhưng cũng khó khăn lắm đơn vị mới thực hiện thành công các giao dịch.
SGDBĐS An Cựu City trội hơn với khoảng gần 200 giao dịch từ khi thành lập, khoảng từ 2010 đến nay. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2014 có 14 giao dịch chủ yếu là mua bán sản phẩm nhà liên kề, biệt thự do chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư IMG kinh doanh, với tổng giá trị giao dịch qua sàn khoảng 60 tỷ đồng. Con số này không thấm vào đâu so với tổng số vốn công ty đã và đang đầu tư, song nó cũng đáng mơ ước với nhiều sàn không có giao dịch, như: Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế, Công ty CP Kinh doanh Nhà Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8. Mặc dù hạ tầng hoàn thiện, nhà đã xây xong phần thô, đất đã phân lô như Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam, chủ dự án Đô thị mới Mỹ Thượng hơn một năm trở lại đây vẫn chưa bán được lô đất, ngôi nhà liên kế nào. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc SGDBĐS lập ra chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Hay như SGDBĐS Laguna Lăng Cô hiện vẫn chưa có giao dịch thành công, dù chủ đầu tư đã đầu tư khá hoàn thiện các khu nhà ở hiện đại, tiện nghi.
Hoạt động cầm chừng, là thực trạng tại các SGDBĐS hiện nay. Cơ quan chủ quản là Sở Xây dựng đã thấy được thực tế đó, nên mới đây, khi tiến hành kiểm tra hoạt động các SGDBĐS trên địa bàn, đoàn chỉ kiểm tra ở một số sàn có giao dịch hoặc có triển vọng sẽ có giao dịch. Đối với các sàn không có giao dịch, đoàn chỉ nắm thông tin chung để biết và quản lý. “Tiền lương anh em còn không trả đủ thì biết hoạt động các sàn như thế nào”, một thành viên trong đoàn lắc đầu.
Nên chuyển đổi mô hình hoạt động
Nguyên nhân khiến các SGDBĐS ế ẩm là do: thị trường BĐS trầm lắng, người dân chưa có thói quen giao dịch qua sàn, các sàn lập ra khi doanh nghiệp, chủ đầu tư có dự án... Bán hết đất nền, sản phẩm nhà ở của dự án coi như SGD hết nhiệm vụ. Do đó, có nhiều sàn chỉ hoạt động sôi nổi được một giai đoạn sau đó tắt ngúm, như SGDBĐS Phúc An của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8. Trong giai đoạn khi công ty này đang ăn nên làm ra, bán đất nền và nhà liền kề, sàn này cũng có nhiều giao dịch. Thậm chí có khách hàng ký gửi BĐS. Song, kể từ khi công ty ngưng hoạt động đến nay, SGDBĐS Phúc An cũng “chết” theo. Văn phòng dù vẫn còn nhưng không có người làm việc. Nếu không có bảng quảng cáo thì chẳng ai biết đó là văn phòng của SGDBĐS Phúc An.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi gặp Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Trần Kiêm Hòa. Tuy nhiên, ông Trần Kiêm Hòa cũng lắc đầu bởi vấn đề mang tầm vĩ mô, là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Thừa Thiên Huế. “Luật Kinh doanh BĐS thì quy định tất cả các giao dịch BĐS phải thông qua sàn, nhưng khi ban hành thông tư hướng dẫn, lại chỉ nêu khuyến khích giao dịch BĐS qua sàn. Do đó, cơ quan quản lý thiếu cơ sở để kiểm tra, xử phạt. Pháp luật còn chưa chặt chẽ thì khi triển khai thực tế còn hổng hơn. Người dân không giao dịch BĐS qua sàn, cơ quan chức năng cũng bó tay”.
Thực tế khác có thể nhìn thấy là dù trầm lắng, song ở thị trường, hàng ngày vẫn có nhiều giao dịch BĐS. Do đó, để các SGDBĐS có đất sống, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, nên chăng cần gộp các sàn lại làm một và làm dịch vụ công để hợp thức hóa tất cả các giao dịch BĐS. “Chỉ có làm dịch vụ công các sàn mới sống được. Bởi khi đó, tất cả các giao dịch đều có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Việc này cũng tránh được cò mồi đất đai không hợp pháp. Còn nếu cứ kéo dài tình trạng này, không bao lâu nữa, các SGDBĐS khi đã hoàn thành sứ mệnh bán sản phẩm của dự án do chính mình làm chủ đầu tư sẽ chết hoàn toàn chứ không chỉ “chết lâm sàng” hay chết yểu”, vị này nói.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng

Hiện nay, cho vay tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực "nóng". Số liệu thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng.

Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng

TIN MỚI

Return to top