ClockThứ Hai, 12/08/2019 13:00
Xác định địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Trị:

Lấy người dân làm chủ thể, đảm bảo đời sống dân sinh - Kỳ 3: Đồng thuận phục vụ người dân

TTH - Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31/NQ-CP, ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan và người dân đều tập trung vào việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong quá trình thực hiện.

Lấy người dân làm chủ thể, đảm bảo đời sống dân sinh - Kỳ 1: Nguyện vọng chính đángCử tri quan tâm vấn đề mở rộng địa giới hành chính TP. HuếXác định địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị

Đoàn công tác Trung ương làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị về việc triển khai Nghị quyết 31

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Bằng mọi giá phải để người dân ổn định cuộc sống

Khi thực hiện Nghị quyết 31, chúng tôi bàn giao người dân về cho tỉnh Thừa Thiên Huế và ngược lại đón người dân Thừa Thiên Huế ra với Quảng Trị. Trước hết phải ổn định cuộc sống cho người dân. Song song với đó, tiếp nhận hồ sơ những gia đình chính sách để quan tâm theo đúng chế độ, riêng những gia đình nào khó khăn, hộ nghèo vẫn được quan tâm hỗ trợ. Đặc biệt, rà soát lại toàn bộ người dân sau khi tiếp nhận xong xem cuộc sống của họ có ổn định không, có sinh kế lâu dài không, rồi tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng có hòa nhập không? Nếu thấy người dân băn khoăn, lo lắng thì chúng tôi đưa các tổ chức đoàn thể đến động viên, thăm hỏi, chia sẻ để họ ổn định, hội nhập với người dân sở tại. Bên cạnh đó, rà soát những hộ đã ổn định để tiếp tục khích lệ phát triển kinh tế.

Những hộ nào khó khăn tư liệu sản xuất, đất đai, kiến thức, cây con giống, vốn… thì căn cứ vào các chính sách để hỗ trợ kịp thời. Bằng mọi giá phải để người dân ổn định và có được niềm vui trong cuộc sống.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Quyền lợi của người dân là trên hết

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chấp hành nghiêm túc Nghị quyết 31, nhất trí nội dung kế hoạch thực hiện của Bộ Nội vụ và Cục Đo đạc bản đồ. Quan điểm của Thừa Thiên Huế là nên tiến hành sớm việc xác định đường địa giới trên thực địa, bản đồ, cũng như xác định các vị trí cắm mốc để tiến hành làm trước mùa mưa.

Tỉnh đã triển khai các biện pháp đảm bảo tuyên truyền để tạo sự đồng thuận. Các cấp ủy, chính quyền cũng cử nhiều đoàn làm việc với người dân. Liên quan đời sống người dân, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị sẵn sàng ngồi lại bàn bạc nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, 2 địa phương phải có những biện pháp quan tâm đặc biệt đến người dân, giúp họ cảm nhận được sự gắn bó giữa chính quyền mới và cũ để ổn định sản xuất.

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Có thể điều chỉnh nếu phát sinh vấn đề chưa phù hợp

Các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác dân vận để người dân ủng hộ nghị quyết. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31, nếu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đồng ý thì chúng tôi sẽ phối hợp cùng các địa phương để xác định, ký xác nhận và khép kín địa giới hành chính các khu vực khác giữa 2 tỉnh nằm ngoài Nghị quyết 31.

Khi triển khai Nghị quyết 31, căn cứ vào địa giới hành chính này sẽ kiểm kê, rà soát dân cư, tài sản, đất đai rồi có biện pháp xử lý phù hợp theo nguyện vọng của người dân. Trước mắt phải triển khai theo đúng tinh thần nghị quyết và kế hoạch Bộ Nội vụ đưa ra. Trong quá trình triển khai, nếu có những vấn đề phát sinh, chưa hợp lý thì có thể điều chỉnh lại.

Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ): Không sáp nhập xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) vào địa phương khác

Sau khi chuyển giao 2 thôn ở xã Hồng Thủy và xác định đường địa giới như Nghị quyết 31 thì diện tích tự nhiên xã Hồng Thủy còn lại không đảm bảo các tiêu chí về diện tích, dân số theo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Song, tôi khẳng định, đây là trường hợp đặc biệt, tất cả các bộ, ngành sẽ đồng thuận không xem xét sáp nhập xã Hồng Thủy.

Thực hiện Nghị quyết 31 quan trọng nhất là giải quyết được lòng dân, bảo đảm đời sống của người dân. Người dân cần hưởng những chế độ chính sách phù hợp. Bộ Nội vụ sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa để tạo nên sự đồng thuận giữa Nhân dân và cán bộ 2 địa phương.

Ông Hồ Văn Liên (người dân xã Hồng Thủy, huyện A Lưới): Phải có cam kết đảm bảo đời sống cho người dân

Ở đâu cũng một Đảng, một Nhà nước, Nghị quyết của Chính phủ ban hành thì phải tuân thủ, nhưng cán bộ các cấp phải tăng cường tiếp xúc trực tiếp với người dân để phổ biến cho chúng tôi hiểu. Ngoài đất sản xuất, những phong tục, tập quán, giấy tờ nếu làm lại thì kinh phí ở đâu? Chính quyền các địa phương phải đảm bảo các yêu cầu về y tế, giáo dục, an sinh xã hội cho người dân, giữ gìn phong tục tập quán của người dân.

Khi về phía tỉnh Quảng Trị, họ phải có văn bản cam kết hỗ trợ những chính sách ưu đãi cũng như giúp dân phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống.

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 31 diễn ra ở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây, các bên liên quan thống nhất hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết 31 trước ngày 30/9/2019.

Bài, ảnh: Lê Thọ - Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top