Thể thao

Lê Đức Anh Tuấn và những kỷ niệm với HLV Weigang

ClockThứ Năm, 22/06/2017 14:30
TTH - HLV Weigang từng dẫn dắt đội tuyển miền Nam vô địch Merdeka Cup 1966, HCĐ SEAP Games 1967. Năm 1995, Karl Heinz Weigang được mời thay thế cho chiến dịch SEA Games 18 tại Thái Lan.

Trên facebook của mình, danh thủ Lê Đức Anh Tuấn, cựu tuyển thủ quốc gia đã bày tỏ những dòng cảm xúc khi biết tin cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Weigang qua đời: “Vĩnh biệt Thầy! Con mãi luôn nhớ về người Thầy đáng kính! Cầu chúc Thầy thanh thản nơi cõi bình yên!”…

Lê Đức Anh Tuấn bày tỏ cảm xúc của mình khi nghe tin HLV Weigang qua đời

Cũng đã lâu lắm rồi mới thấy Tuấn có những dòng tâm trạng liên quan đến bóng đá. Gọi điện cho anh qua FaceTime và đã được nghe anh ôn lại những kỷ niệm về vị HLV người Đức, cũng là HLV nước ngoài  đầu tiên của bóng đá Việt Nam.

Người thầy, người cha

HLV Weigang từng dẫn dắt đội tuyển miền Nam vô địch Merdeka Cup 1966, HCĐ SEAP Games 1967. Năm 1995, Karl Heinz Weigang được mời thay thế cho chiến dịch SEA Games 18 tại Thái Lan.

Nhưng theo lời của danh thủ Lê Đức Anh Tuấn, thì năm 1994, khi anh được gọi tập trung vào đội tuyển Việt Nam 1 (khi đó bóng đá Việt Nam có 2 đội tuyển Việt Nam 1 và 2) và thi đấu giao hữu với một câu lạc bộ của Úc trên sân Cột Cờ thì ông Weigang đã dự khán trận đấu đó. Sau này anh mới biết, lúc đó ông Weigang đang giảng dạy khóa bóng đá đoàn kết dành cho HLV bóng đá Việt Nam, Lào và Campuchia tổ chức tại Nhổn (Hà Nội).

Mùa bóng năm 1995, Lê Đức Anh Tuấn đã cùng đội bóng Thừa Thiên Huế thăng hoa tại giải vô địch quốc gia. Sau đó anh được triệu tập lại vào đội dự tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Weigang chuẩn bị cho Sea Games 18. Anh nhớ lại: “Trong ngày tập trung đầu tiên, thầy Weigang đã nhận ra mình. Ông tới bắt tay và nói rằng: Tôi đã được xem cậu thi đấu!”.

Là một HLV người Đức, đã từng làm việc với bóng đá Việt Nam trước đây, nên ông Weigang rất hiểu những mặt mạnh và mặt yếu của bóng đá Việt. Ông đã nói với các cầu thủ rằng: “Điều tôi cần nhất ở các anh là tinh thần đoàn kết. Vào đội tuyển ai có năng lực, có tinh thần thi đấu tốt tôi sẽ lựa chọn vào đội hình chính. Với tôi kỷ luật là trên hết!”.

Tuy là một người nghiêm khắc, đề cao tính kỷ luật, nhưng theo lời của Lê Đức Anh Tuấn thì HLV Weigang là một người rất tình cảm. Ông thương cầu thủ, coi cầu thủ như những đứa con trong gia đình. Điều làm anh xúc động là trong chuyến tập huấn dài ngày tại Đức và Thụy Sĩ, HLV Weigang đã tự tay phát trang phục cho từng cầu thủ một. “Chỉ là một hành động nhỏ rứa thôi nhưng qua đó cho thấy HLV Weigang thương cầu thủ. Hồi đó, trang phục với cầu thủ đội tuyển quan trọng lắm. Thường  những cầu thủ có “cựa” thì mới được lựa chọn trang phục. Thầy đã xóa đi tiền lệ đó!”.

Một câu chuyện khác mà đến bây giờ cựu hậu vệ cánh trái đội tuyển Việt Nam vẫn nhớ rất rõ: có một lần HLV Wegang đã khóc vì thương học trò. Năm 1996, khi đội tuyển Việt Nam tập trung tại TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị cho vòng loại châu Á. Lúc đó, đội tuyển được Liên đoàn bóng đá Việt Nam bố trí tập trung tại một khách sạn ở Thủ Đức, vừa xa trung tâm lại thiếu thốn nhiều bề. HLV Weigang đã trực tiếp nói chuyện với các quan chức của Liên đoàn đề nghị đổi chỗ ở. Và sau một cuộc cãi vã căng thẳng với một vị trong Liên đoàn, HLV Weigang lặng lẽ ra căng tin ngồi uống nước và ông đã khóc… “Tôi biết ông khóc vì thương cho cầu thủ. Nhưng cũng thật may mắn là sau buổi đó, đội tuyển đã được chuyển địa điểm tập trung đến một khách sạn 4 sao ở đường Đồng Khởi - trung tâm của TP. Hồ Chí Minh…”, Lê Đức Anh Tuấn nhớ lại.

Lê Đức Anh Tuấn cùng vợ cũng là 1 cựu VĐV điền kinh của Huế

Khóc vì học trò

HLV Weigang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam từ năm 1995 đến năm 1997. Suốt trong thời gian đó, hậu vệ cánh trái Lê Đức Anh Tuấn là vị trí không thể thay thế của đội tuyển Việt Nam. Nhớ về những ngày tháng đẹp này, Lê Đức Anh Tuấn xúc động: “Thầy Weigang luôn nói với tôi rằng: cậu là một chiến binh thầm lặng. Tôi quý cậu bởi vì cậu luôn chơi bóng không chỉ bằng đôi chân mà bằng cả trái tim!”.

Nói về chuyên môn, theo lời của Anh Tuấn thì HLV Weigang thích bố trí đội hình 5-3-2, có thể linh hoạt chuyển sang 3-5-2 khi tấn công. Điều này đòi hỏi hai hậu vệ cánh phải biết lên công về thủ. Để vận dụng được lối chơi này, ngay khi tập trung đội tuyển, HLV Weigang đã rất chú trọng đến việc nâng cao thể lực và khối lượng thi đấu cho các cầu thủ. Trong chuyến tập huấn tại Đức và Thụy Sĩ, ông cho các học trò thi đấu cọ xát, hai ngày 1 trận với các đội bóng từ yếu đến mạnh. Chính nhờ những trận đấu này, nên đội tuyển Việt Nam đã gây bất ngờ khi giành HCB tại SEA Games 1995. Hồi đó, bóng đá Việt Nam mới hội nhập, nên ít kinh nghiệm thi đấu, nhưng đã thắng oanh liệt Indonesia, Myanmar. Công lớn thuộc về HLV Weigang khi ông đã truyền lửa cho cầu thủ và quan trọng hơn, là đã dẹp được tình trạng bè cánh vẫn thường xảy ra ở các đội tuyển Việt Nam trước đây…

Thầy Weigang rất ghét những ai lười biếng kể cả trên sân tập hay khi vào trận đấu. Với thầy, đã là cầu thủ bóng đá thì khi vào sân thì phải cháy hết mình. Ông cũng là người luôn vận động trong các buổi tập bằng các bài chạy bộ rồi tham gia thi đấu cùng các học trò. Những năm đó, thầy Weigang đã 60-61 tuổi rồi nhưng người vẫn rắn chắc, rất khỏe”, Lê Đức Anh Tuấn kể.

HLV Weigang đã chia tay bóng đá Việt Nam đầu năm 2017 ngay sau khi từ Tiger Cup 1996 tổ chức tại Singapore trở về. Theo Lê Đức Anh Tuấn, thì trong trận vòng bảng gặp tuyển Lào hòa 1-1, có một số cầu thủ Việt Nam chơi dưới sức. Sau trận đấu, với tính cách bộc trực của mình, HLV người Đức đã thẳng thắn chỉ ra những vị trí mà ông nghi ngờ là không trung thực trong trận đấu và đã quyết định đòi đuổi 4 cầu thủ họ Nguyễn vì nghi bán độ tại Tiger Cup 1996…

Sau khi qua Mỹ sinh sống, cựu danh thủ Lê Đức Anh Tuấn đã nhiều lần tìm cách liên lạc với người thầy đáng kính người Đức nhưng không được. Anh biết tin HLV Weigang qua đời qua các dòng tin của các tờ báo điện tử trong nước. “Thật tiếc là kể từ khi thầy Weigang rời Việt Nam, tôi không được gặp lại hay trao đổi thư từ gì với thầy. Đó là người thầy lớn nhất trong sự nghiệp cầu thủ của tôi”.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lễ Phát động thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, ngay sau Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026).

Lễ Phát động thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Return to top