ClockThứ Năm, 07/02/2019 14:54

Lên núi“cứu” sâm ngọc linh

TTH - Cuối cùng, tôi cũng thỏa nguyện khi cùng theo chân các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học (CNSH) Đại học Huế lên vùng núi Quảng Nam tận mắt nhìn thấy cây sâm Ngọc Linh được “cứu”. Vui hơn là nghe được câu chuyện về giấc mơ di thực cây trồng quý hiếm này ra Cố đô.

“Săn” sâm bảy láLật rừng tìm thảo dược

Để đến khu vực nghiên cứu sâm, phải vượt qua quãng đường rất khó khăn

“Đệ nhất” sâm & lời thỉnh cầu

Thật không ngoa khi Ngọc Linh được xem là “đệ nhất” sâm. Được so sánh với các loại sâm Cao Ly thượng hạng, sâm Ngọc Linh có thành phần ginsenosid (dược chất chính trong nhân sâm) vào loại nhiều nhất so với các loài khác của chi panax trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng saponin (chất có tác dụng hỗ trợ sức khỏe) trong sâm Ngọc Linh rất cao. Loại sâm này có đến 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, kể cả sâm của Mỹ hay Hàn Quốc, vì thế giá trị của nó vô cùng đặc biệt. Tiếc là ở Việt Nam, sâm Ngọc Linh lại rơi vào nhóm đe dọa và hiện chỉ còn tồn tại ở một số vườn trồng trong các khu bảo tồn tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Từ hơn 10 năm trước, nhiều nhà khoa học đeo đuổi nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng sâm Ngọc Linh. Đa phần đều chọn hướng nuôi cấy mô vì tỷ lệ nhân giống khả quan, cây con mang đặc tính giống mẹ, thế nhưng hiệu quả chưa cao. Còn với cách làm của người dân là gieo hạt rồi nhổ cây con để trồng khiến tỷ lệ cây sống thấp. Các nhà khoa học từ ĐH Huế thì khác, họ chọn phương pháp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về nhân giống hữu tính nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng sâm Ngọc Linh.

Các chuyên gia trao đổi tình hình phát triển của sâm

Giữa lý thuyết và thực tế là cả một khoảng cách xa. Vậy nên, khi vượt qua vòng thuyết minh với Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam (năm 2016) để giành vai trò đảm nhận dự án, niềm vui cũng xen lẫn nỗi lo bởi trọng trách đặt trên vai các chuyên gia ĐH Huế rất lớn. Thực hiện dự án này là một trong những minh chứng khẳng định khả năng và mong muốn phát triển Viện CNSH ĐH Huế xứng đáng trở thành trung tâm nghiên cứu khu vực miền Trung và cả nước.

Ăn, ngủ cùng sâm

Đi xe từ Huế vào đến trung tâm thị trấn Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Vậy nhưng, so với hành trình 3 tiếng tiếp theo ngồi trên xe U-oát vượt qua hàng ngàn ổ gà, ổ voi và chặng đường dài cuốc bộ lên núi để đến khu nghiên cứu sâm thì chẳng thấm tháp chi.

Nghiên cứu cây sâm 2 năm tuổi

Đúng chẳng đáng là gì so với bao khó nhọc bỏ ra cho cây sâm Ngọc Linh. Ví như để “cứu” sâm, PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH hai năm nay phải thường xuyên “ăn, ngủ” cùng sâm ngay lán trại giữa rừng. Ở độ cao gần 1.600 mét, thay đổi áp suất gây ra chứng ù tai dai dẳng nhiều ngày. Đến giấc ngủ, cũng chỉ là những cái ngả lưng chốc lát nơi lán trại, thậm chí vì lạnh, có đêm các chuyên gia phải… thức trắng. Nỗi khổ do ruồi vàng hay muỗi đốt khiến ai nấy mang đầy mình vết tích. Bà Hải không hề giấu diếm, mỗi lần về Huế đều phải uống thuốc chống viêm hay phòng sốt rét. Vất vả nhất phải kể đến là những chuyến băng rừng sau mưa. Trong năm đầu tiên đến nghiên cứu, đã từng có nữ chuyên gia bị trượt chân ngã. Khó khăn đến vậy, nhưng bà Hải tiết lộ điều lạ lùng là ai cũng hăm hở và mong chờ những chuyến lên núi “thăm” sâm.

Những ngày cùng đoàn ở rừng thôn Tăk Ngo, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, chúng tôi mới có cái nhìn toàn diện về công việc của những chuyên gia khoa học. Đôi khi họ “sang trọng” với hình ảnh của nhà nghiên cứu đầy trí tuệ, nhưng cũng có khi bê bết bùn đất, nhễ nhại mồ hôi như nông dân. PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải nói như chia sẻ, đeo đuổi hướng nghiên cứu này, các chuyên gia Huế phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Những trang ghi chép của tôi về hành trình nghiên cứu sâm dày đặc lên. Nào tuyển chọn nhóm cá thể chất lượng; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt giống hay nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng phát triển của cây giống giai đoạn vườn ươm; xây dựng mô hình nhà ươm chủ động một số điều kiện nuôi dưỡng cây con trước khi chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Trung tâm sâm Ngọc Linh…

Chỉ ngay việc nghiên cứu khả năng nảy mầm đã cho thấy sự công phu. Mỗi hạt giống sâm giá đến 120 nghìn đồng. Để thực hiện một thí nghiệm liên quan, phải cần đến hơn 700 hạt giống. Quá trình để sâm nảy mầm phải mất tối thiểu 4 - 6 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian mà các chuyên gia mất ăn, mất ngủ. Họ không dám lơ là để hàng chục triệu đồng bỏ ra phải “đổ sông, đổ biển” nên trước khi tiến hành nghiên cứu, phải bỏ ra nhiều ngày để đi thực địa, đọc hàng trăm tài liệu liên quan. Tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, suy xét kỹ càng và hơn thế, bằng cả tấm lòng trân quý cây sâm.

Sâm được nghiên cứu đang phát triển tốt

Khát khao mang sâm Ngọc Linh về Huế

Công việc khó khăn, nhưng các nhà khoa học Huế lại rất vui: “Sâm là nguồn sống của người dân và góp phần làm giàu cho đất nước. Chỉ khi thấy những rẫy sâm tươi xanh, người làm công tác nghiên cứu mới thấy hài lòng”.

Trong chuyến đi, chủ nhân công trình nghiên cứu, PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải không giấu khao khát di thực sâm Ngọc Linh ra Huế. Bà Hải phân tích, độ cao khu vực trồng sâm từ 1.500m, tán che rừng già nguyên sinh. Nhiệt độ trung bình 18 - 22 độ C, biên độ nhiệt độ ngày đêm 5-16 độ C, độ ẩm không khí 75-95%. Sâm Ngọc Linh đặc biệt ưa ẩm và bóng râm. Phổ khí hậu, điều kiện để trồng loại sâm này rất hẹp, song Bạch Mã là nơi lý tưởng có thể tiến hành các thử nghiệm. “Nếu được cho phép làm việc này, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”, bà Hải tự tin.

Giấc mơ di thực sâm Ngọc Linh ra Huế chắc chắn phải được xem xét kỹ từ nhiều phía. Song kết quả nghiên cứu sâm ở Nam Trà My của các nhà khoa học Huế đến nay đã đi được 2/3 chặng đường và cho thấy những tín hiệu lạc quan. Điều đó tạo thêm niềm tin, nếu có thể được di thực thì việc khởi động sẽ nhanh hơn nhờ ứng dụng công nghệ đã được nghiên cứu tại Nam Trà My.

Lâu nay, ĐH Huế và Viện CNSH luôn trăn trở có những chuyển giao nghiên cứu khoa học về công nghệ cho Thừa Thiên Huế. Khao khát cống hiến và đóng góp càng trở nên mạnh mẽ bởi nguồn lực tốt hơn khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 523/QĐ-TTg (ngày 14/5/2018) phê duyệt đề án phát triển Viện CNSH, ĐH Huế trở thành trung tâm CNSH cấp Quốc gia tại miền Trung. Theo PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, nếu việc thử nghiệm được thực hiện sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho tỉnh bởi giá trị “quý hơn vàng”của sâm Ngọc Linh là điều ai cũng rõ. Đặc biệt, có thể góp thêm những sản phẩm du lịch, chẳng hạn như vườn ươm tham quan sâm dành cho du khách.

Những ngày ở Nam Trà My, tôi được nhiều đồng bào người dân tộc Xê Đăng chia sẻ câu chuyện trở thành tỷ phú từ sâm Ngọc Linh. Và khi rời vùng đồi núi cao này, nhìn những vườn sâm dưới ánh chiều tà, nhớ lại câu chuyện bà con người dân tộc thiểu số và khao khát của những nhà nghiên cứu Huế, tôi lại nghĩ về giấc mơ làm giàu cho người dân xứ mình, trong đó có cả giấc mơ du lịch vườn ươm sâm Ngọc Linh trên đỉnh Bạch Mã quanh năm mây trắng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tượng điêu khắc… kêu cứu

Hàng chục tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bị bỏ hoang, không có ai chăm nom trải qua thời gian bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Tượng điêu khắc… kêu cứu
Nghiên cứu khoa học và thực tiễn di thực cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh

Ngày 22/3, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tư vấn giao trực tiếp thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ di thực cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế" cho Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Hà Nội) chủ trì thực hiện.

Nghiên cứu khoa học và thực tiễn di thực cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
Mua sâm ngọc linh ở đâu tốt nhất?

Sâm Ngọc Linh là một trong những loại thảo dược quý hiếm nhất của Việt Nam. Loài cây này là liều thuốc thần kỳ giúp tăng cường sức khỏe, giải độc, giảm stress, điều hòa tim mạch, phòng chống ung thư. Với công dụng đa năng như vậy nên từ lâu sâm Ngọc Linh Kon Tum của Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý và tìm mua của nhiều người.

Mua sâm ngọc linh ở đâu tốt nhất
Sớm mai lên núi uống trà

Uống trà trên đỉnh núi cao thật sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Vừa thưởng thức tách trà nóng hổi trong không gian se se lạnh buổi ban mai, chậm rãi ngắm bình minh vừa thức giấc, nhìn sương trắng bồng bềnh tan dần trên đỉnh núi, nghe cỏ cây, chim chóc hót ca cùng đất trời, cảm giác tuyệt diệu đó sẽ khiến bạn mãi mãi chẳng thể quên được dư vị buổi trà hôm ấy.

Sớm mai lên núi uống trà

TIN MỚI

Return to top