ClockThứ Tư, 22/03/2017 06:11

Liên kết để thành công

TTH - Chia sẻ với Thừa Thiên Huế câu chuyện liên kết doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh để đi đến thành công, doanh nhân Nguyễn Lan Vy, Tổng Giám đốc Cty CP VKSTAR; Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Cty CP Truyền thông quảng cáo và dịch vụ du lịch Đại Bàng (EagleTourist) và Đặng Trần Quốc, Giám đốc Cty TNHH Cây xanh Hương Lộc có những góc nhìn, quan điểm riêng:

Khách du lịch trải nghiệm làm nông dân ở Thủy Thanh (Hương Thủy). Ảnh: Thu Thủy

“Sinh sau đẻ muộn” so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực, để tạo “chỗ đứng” trên thương trường, sự khác biệt và tính độc đáo trong sản phẩm của doanh nghiệp là gì?

Bà Nguyễn Lan Vy: Hiện VKSTAR đang tổ chức chương trình “Huế Áo dài Show - Tự hào truyền thống Việt”. Đây là show diễn nghệ thuật truyền thống đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và Huế nói riêng nhằm giới thiệu đến du khách các loại hình nghệ thuật cung đình Huế và những điệu múa dân gian, đương đại đặc sắc. Xuyên suốt của show diễn là câu chuyện kể về áo dài - quốc phục của đất nước qua hành trình 100 năm - đây chính là sự khác biệt mà các show diễn văn hóa truyền thống trước nay chưa có. VKSTAR cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức show diễn văn hóa truyền thống Việt như vậy đến với khách du lịch.

Ông Nguyễn Đình Thuận: Với lĩnh vực kinh doanh truyền thông quảng cáo và dịch vụ du lịch, tôi xác định hướng đi của công ty là “làm tốt những gì đã có và cung cấp những cái thị trường chưa có”. Theo đó, Eagle xây dựng giá và chuẩn chất lượng tốt hơn so với đối thủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng, mở rộng kênh bán hàng từ web, fanpage; đầu tư điểm đến mới lạ cho du khách cũng như các dịch vụ gia tăng tại đây và các điểm đến đó đều do Eagle quản lý và độc quyền.

Ông Đặng Trần Quốc: “Đi sau” nên ngoài chất lượng sản phẩm, chúng tôi chú trọng vào việc chăm sóc, tư vấn khách hàng; đào tạo đội ngũ nhân viên có phong cách bán hàng thân thiện, nhiệt tình, công bằng để tạo uy tín; đặt mục tiêu giá cực kỳ rẻ và rẻ hơn nữa được niêm yết rõ ràng để khách hàng yên tâm. Chúng tôi cũng không ngại nói thật về sản phẩm để khi chọn mua, các “thượng đế” có sự cân nhắc.

Ông, bà có thể chia sẻ quan điểm về tư duy “ăn xổi” vốn tồn tại lâu nay ở nhiều doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Lan Vy

Bà Nguyễn Lan Vy: Trong chiến lược kinh doanh, đó là điều tối kị. Bạn xây dựng doanh nghiệp phải dựa trên một nền móng vững chắc, sự vững chắc đó còn cần được bồi đắp theo thời gian bằng uy tín và hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, “ăn xổi” thì chỉ được 1- 2 lần, còn về lâu dài khách hàng chắc chắn sẽ “quay lưng” với những doanh nghiệp như vậy.

Ông Nguyễn Đình Thuận: Đây có thể gọi là tư duy ngắn hạn. Thấy cái lợi trước mắt nhưng không thấy cái hại về sau. Tôi xin nói thẳng, có một số doanh nghiệp Huế cứ thấy ai làm được thì bắt chước chứ không có hướng đi bền vững, hệ quả là cạnh tranh về giá; kinh doanh chỉ biết dựa vào mối quan hệ, dịch vụ thì năm này... như năm sau nên không nâng được giá trị, tầm vóc của công ty.

Ông Đặng Trần Quốc: Thấy cách làm như vậy ở một số doanh nghiệp nên khi Cây xanh Hương Lộc ra đời, mình chọn hướng phát triển cho công ty dựa trên chất lượng và chữ tín, chú trọng việc chăm sóc khách hàng... nhờ đó, ít nhiều đã có những tác động. Hai, ba năm trở lại đây, thị trường cây xanh, cây cảnh Huế có nhiều thay đổi: giá rẻ hơn, thị trường phong phú chủng loại hơn và thái độ phục vụ khách hàng cũng tốt hơn ở một số doanh nghiệp.

Sự liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp Huế hiện nay còn hạn chế, vậy ông, bà đã có những liên kết nào để phát triển?

Bà Nguyễn Lan Vy: Điều dễ nhận thấy ở doanh nghiệp của Huế là các bạn chưa “mở”, chưa có sự kết nối để tạo thành công tổng thể. Đáng buồn hơn là các doanh nghiệp chỉ nói về liên kết mà không làm, hoặc ngần ngại khi muốn chia sẻ. Bản thân tôi đã “bắt tay” không chỉ với doanh nghiệp địa phương mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa nhiều du khách quốc tế (nhất là khách Hàn Quốc) đến với show diễn nói riêng và Huế nói chung. Điều này đã được Sở Du lịch khẳng định. Qua đó, tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ nếu khách hàng có nhu cầu muốn mở rộng thị trường kinh doanh tại Huế.

Ông Nguyễn Đình Thuận

Ông Nguyễn Đình Thuận: Eagle đã có những liên kết từ năm 2015, như: nhóm liên kết cùng thị trường khác sản phẩm (HEU) và nhóm liên kết với đối thủ cạnh tranh VCTC - Liên minh Lữ hành miền Trung. Tuy mới “ngồi chung mâm” thời gian ngắn nhưng cả 2 đều mang lại hiệu quả. VCTC được Sở Du lịch đánh giá cao và là hình mẫu để Hiệp hội Du lịch Huế triển khai trong thời gian tới; HEU giúp giảm chi phí tiếp thị và bán hàng, mở rộng thị trường cũng như tạo mối quan hệ chung.  

Ông Đặng Trần Quốc: Là đơn vị chuyên cung cấp cây xanh, cây cảnh... vì vậy, ngoài lực lượng nhân sự hiện có, chúng tôi còn có sự liên kết chặt chẽ với đội ngũ nhân viên chăm sóc cảnh quan có kinh nghiệm, nhà cung cấp cây giống... để luôn đáp ứng nhu cầu, đảm bảo sự hài lòng của “thượng đế”. Sắp tới, Hương Lộc còn bắt tay với các kiến trúc sư tên tuổi để cùng tạo chuỗi giá trị gia tăng từ tư vấn, thiết kế... nhằm mở rộng thêm đối tượng khách hàng.

Những khó khăn, trở ngại của doanh nghiệp là gì?

Bà Nguyễn Lan Vy: Huế áo dài show sau gần 1 năm đi vào hoạt động đã có những thành công bước đầu. Từ chỗ mỗi tuần chỉ có 3 đêm thì nay chương trình được tổ chức hàng đêm với lượng khách quốc tế chiếm trên 95%. Tuy nhiên, với mức đầu tư lớn chưa kể kinh phí phải trả cho đội ngũ người mẫu và diễn viên tham gia show diễn (từ 60-80 người), vì vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía tỉnh, cụ thể là miễn giảm kinh phí thuê mặt bằng. Nếu không có sự hỗ trợ, doanh nghiệp phải loay hoay với những khó khăn thì rất khó để phát triển tốt.

Ông Nguyễn Đình Thuận: Vì đường đi mới nên tôi phải “vừa đi vừa tìm”, do đó, khó khăn là điều đương nhiên. Để vượt qua giai đoạn “bão tố” trong 5 năm đầu, chúng tôi xác định vừa xây dựng vừa sửa lỗi, chấp nhận lỗ, đồng thời điều chỉnh chiến lược thường xuyên để chờ ngày hái trái ngọt.

Ông Đặng Trần Quốc

Ông Đặng Trần Quốc: Hiện nay các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp rất nhiều, nhưng quỹ đất cho doanh nghiệp nông nghiệp thuê không có. Với nhu cầu cần một qũy đất lớn (trên 10 ha) để xây dựng điểm du lịch cảnh quan, vì vậy, rất khó để những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể thuê đất từ người dân với diện tích lớn như vậy.

Các vị có thể chia sẻ những kỳ vọng, mong muốn trong Năm doanh nghiệp 2017 ?

Bà Nguyễn Lan Vy: Tôi muốn các doanh nghiệp Huế cùng ngồi lại với nhau để tìm hướng phát triển một cách thực sự chứ không phải trên diễn đàn, nói mà không làm. Tín hiệu vui là gần đây, tỉnh đã lắng nghe doanh nghiệp, nhưng theo tôi, tỉnh cần có định mức thời gian thực hiện, làm như thế nào, ai phụ trách... Đó mới là điều doanh nghiệp chúng tôi đang cần.

Ông Nguyễn Đình Thuận: Kỳ vọng nhất của chúng tôi là sự tiếp nhận và hành động của lãnh đạo tỉnh, tránh trường hợp nói rồi để đó. Tôi cũng mong tỉnh có nhiều hơn những chương trình gặp mặt doanh nghiệp cũng như thêm những chủ trương, định hướng rõ ràng.

Ông Đặng Trần Quốc: Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro rất lớn, do đó, tôi mong tỉnh có thể đứng ra làm trung gian trong việc cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao để những doanh nghiệp như chúng tôi có thể thuê đất với thời hạn lâu dài, ổn định.

Xin cảm ơn về cuộc trao đổi!

Liên Minh (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top