ClockThứ Hai, 31/10/2016 13:56

Liên kết doanh nghiệp trong hội nhập - Kỳ I: Còn rời rạc

TTH - Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, “bài toán” đặt ra cho từng doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực là liên kết để cùng phát triển và tìm hướng đi mới, biến thách thức thành cơ hội cho mình.

Thừa Thiên Huế có hơn 4.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động ở các lĩnh vực trên tổng số hơn 6.600 DN đăng ký kinh doanh. Các DN chủ yếu hoạt động theo kiểu mạnh ai người đó làm, hoặc làm tất ăn cả và chỉ quan tâm đến thương hiệu, sản phẩm riêng của mình.

Nhiều doanh nghiệp du lịch chưa thực sự “bắt tay” hợp tác để phát triển

Đơn lẻ

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, sự liên kết của các DN hoạt động lĩnh vực này, theo ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch DMZ là “cực kỳ kém” và càng “yếu” thì càng “sợ” hợp tác. DN lo khi vào group (nhóm) sẽ bộc lộ hạn chế và lu mờ hơn những đối thủ “mạnh”. Sự hợp tác, nếu có, luôn trong tâm thế e dè. Ai cũng cho rằng mình làm tốt, nhưng nhìn lại có thành công không. Không. Chỉ một vài gương mặt nổi bật, còn lại, hầu như “cá mè một lứa”, hoạt động làng nhàng.

Tìm hiểu ở các DN thuộc lĩnh vực đầu tư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển chuỗi giá trị- Lê Văn Lập nói thẳng: “Huế hiện có 3 đơn vị đấu giá lớn nhưng chưa bao giờ cả ba “bắt tay” hợp tác. Các lĩnh vực khác cũng vậy. Công ty chủ trương chia sẻ, cùng liên kết, nhưng họ không “mặn mà”. Chỉ muốn “ôm” trọn để làm một mình. “Cái này là văn hóa DN, văn hóa kinh doanh; là nhược điểm cố hữu của các CEO (giám đốc điều hành) ở Huế”.

Lãnh đạo một công ty trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có chi nhánh tại Huế cho rằng, câu chuyện liên kết làm ăn của DN Huế kém “bền” còn bởi... tính cách con người. Người Huế rất tế nhị, ít thẳng thắn và ít chia sẻ. Vị này dẫn chứng, như mở đường bay Huế- Băng Cốc chẳng hạn. Theo đó, mở đường bay phải có thuê máy bay, có người làm khách sạn, nhà hàng, tour tuyến... Ở Huế, sự kết hợp đó rất yếu. Khi có lợi, các DN cùng nhảy vào, nhưng khi rủi ro thì không ai chia sẻ, cho nên, không tạo ra được môi trường liên kết.

Ông Ngô Văn Chương - CEO trong lĩnh vực du lịch chỉ rõ: “Thực ra, chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, sự liên kết yếu còn do “góc nhìn” kinh doanh, do tư duy của DN Huế. Như câu chuyện “ông bán phở và ông bán nước”. DN mình chưa tạo ra được điều đó. Chúng ta quen theo kiểu: ông này “ra” sản phẩm gì đó, ông khác thấy hay hay thì bắt chước làm theo và cạnh tranh bằng cách hạ giá thành, không tư duy sáng tạo để tạo ra những sản phẩm hỗ trợ, cùng chia sẻ lợi nhuận”.

Thiếu tương tác

Thách thức lớn nhất của các DN Thừa Thiên Huế là tính liên kết yếu. Muốn khắc phục được điều này để có thể đứng vững trên thị trường đầy sức cạnh tranh trong hội nhập, ngoài tỉnh chủ động của DN cần có vai trò của các hội, hiệp hội (HH) DN.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 10 HH, hội ngành nghề, CLB DN, là “ngôi nhà chung” quy tụ khoảng trên 700 DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Đa phần các tổ chức này đều có các chương trình, nội dung hỗ trợ DN. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số CEO, những hỗ trợ này nhìn chung chưa mang tính chuyên nghiệp, thường xuyên, hiệu quả. Mối quan hệ giữa HH, hội nghề nghiệp và DN chưa có sự gắn kết và tương tác cần thiết.

Chủ tịch HHDN tỉnh Nguyễn Mậu Chi nhìn nhận: “Liên kết trong hội nhập là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, với tiềm lực còn hạn chế, vai trò liên kết của HH với DN còn yếu và chưa hiệu quả. Nhiều khi chúng tôi thấy xấu hổ với vai trò của mình vì làm chưa tới nơi tới chốn”.

Đại diện một DN sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng chỉ thẳng thực tế: “Thực sự, các tổ chức này chưa phát huy được vai trò và năng lực trong định hướng cho DN. Hội viên vào hội chủ yếu để tìm kiếm mối quan hệ trong các không gian hình thức, giao lưu nhưng thiếu hoạt động thực chất, hiệu quả”.

Đánh giá về vai trò của các HH trong liên kết DN, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư  Phan thiên Định cho rằng: “Các HH đã có những nỗ lực nhất định. Tuy nhiên, để có những tác động tích cực đến các DN trong kinh doanh thì vẫn chưa đạt. Cái “chưa đạt” này ngoài lý do chủ quan của hội thì quan trọng nhất là bản thân hội đó chưa đem lại lợi ích cho DN. Như hiện nay, các DN vào hội, HH trên nền tự nguyện và đa phần ngang ngang nhau. Do đó, hội hè xong, việc ai nấy làm, chứ chưa có sự hỗ trợ qua lại thiết thực giữa hội với DN.

Liên Minh

Kỳ II: Cần “bắt tay”

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top