ClockThứ Hai, 14/08/2017 13:26

Liên quan dự án hồ chứa Thủy Yên - Thủy Cam: Người dân yêu cầu đo lại đất

TTH - Ba hộ Phan Văn Dủ, Phan Văn Ngan, Nguyễn Chánh cùng trú tại thôn Thủy Yên Thuợng (Lộc Thủy, Phú Lộc) có đơn kiến nghị, diện tích đất trồng hoa màu và trồng cây lâu năm của mình (tổng cộng gần 9.000m2) nằm trong phạm vi thu hồi của dự án Hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam, nhưng đến nay cả ba hộ chưa nhận được tiền đền bù.

Nhiều tảng đá lớn rơi xuống đất của người dân

Đất sản xuất bị lồi lõm

Trong đơn, ba hộ kiến nghị với hai nội dung. Thứ nhất, diện tích đất của họ đã có quyết định thu hồi nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền đền bù; thứ hai, trong quá trình san lấp vành đai an toàn của đập chứa nước Thủy Yên, đất đá đổ xuống một phần diện tích đất còn lại. Ngoài ra, đơn vị thi công có lấy đất để đắp lên đập, gây tình trạng lồi lõm, không thể sản xuất. Cả ba hộ mong muốn sớm được đền bù vì dự án chuẩn bị được bàn giao.

Ông Đặng Ngọc Quốc An, Phó Trưởng Ban quản lý dự án Hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam giải thích, năm 2010 khi tiến hành đo đạc, đúng là diện tích đất của ba hộ nằm trong quyết định thu hồi để làm mỏ đất cát sỏi (quyết định phê duyệt giá đền bù số 2269/QĐ, ngày 26/05/2011 của UBND huyện Phú Lộc). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao nên dự án đã rà soát các diện tích không cần thiết; đồng thời, tận dụng các mỏ vật liệu trong lòng hồ, hạn chế lấy đất ở các mỏ vật liệu ngoài lòng hồ Thủy Yên. Do đó, diện tích đất của ba hộ không còn cần thiết và đã không tiến hành thu hồi như dự kiến ban đầu.

Với nội dung thứ hai mà người dân phản ánh, Ban quản lý Hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam cho rằng, quá trình đắp đập đến nay vẫn không có hiện tượng trôi đất đá làm ảnh hưởng đến đất và tài sản của các hộ dân. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, các vị trí cắm mốc giải phóng mặt bằng, từ mốc 79 cho đến mốc 83 vẫn thể hiện rõ trên thực địa phạm vi ranh giới giải phóng mặt bằng với các thửa đất 249, 238 và 300 của ba hộ dân, hoàn toàn không bị ảnh hưởng trôi đất đá và vẫn canh tác trên các thửa đất đó.

Tuy nhiên, khi ra thực địa, PV quan sát thấy có nhiều tảng đá lớn rơi xuống phần đất của người dân. Đặc biệt, có rất nhiều hố sâu, tạo thành những cái ao lớn. Theo phản ảnh của người dân, những cái hố này là do dự án hồ chứa Thủy Yên-Thủy Cam lấy đất để đắp  đập. Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, xã đã tiến hành kiểm tra thực địa và xác nhận diện tích này lồi lõm, rất khó trồng cây.

Từ phản ánh của PV, chủ đầu tư cho hay sẽ tiến hành kiểm tra lại. Tuy nhiên, việc san lấp trả lại mặt bằng cho người dân thuộc trách nhiệm của đơn vị thi công. Trách nhiệm của chủ đầu tư dừng lại ở đền bù đất.

Yêu cầu tiến hành đo đạc thực địa

Phía chủ đầu tư cho rằng diện tích đất của ba hộ dân nằm ngoài phạm vi đền bù, nhưng cả ba hộ dân lại khẳng định, một phần đất của họ nằm trong cột mốc thu hồi. Ba hộ dân kiến nghị các cơ quan chức năng về đo đạc lại đất. Nếu diện tích của họ nằm trong mốc thu hồi thì phải đền bù theo đúng quy định, còn nằm ngoài mốc thì họ chấp nhận và không kiến nghị nữa.

Với kiến nghị này, chủ đầu tư lại cho rằng, khảo sát, đo đạc để tiến hành đền bù như kiến nghị là không khách quan và thiếu căn cứ, vì các thửa đất này không có nhu cầu sử dụng và không bị ảnh hưởng trong quá trình thi công nên không đền bù.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc khẳng định, để khách quan, chủ đầu tư cần tiến hành đo đạc lại dưới sự phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và sự chứng kiến của ba hộ dân, chính quyền địa phương. Trung tâm sẽ gửi văn bản đến chủ đầu tư và yêu cầu tổ chức một cuộc đo đạc thực địa trong thời gian sớm nhất. Sau đo đạc, diện tích đất của người dân không thuộc đền bù thì người dân phải chịu. Còn diện tích có nằm trong mốc, dù ít hay nhiều thì chủ đầu tư phải thống kê bổ sung và có phương án đền bù, không thể để người dân chịu thiệt.

Bên cạnh đó, đơn vị thi công sớm san lấp lại mặt bằng, hoặc có những hỗ trợ với người dân trước khi bàn giao công trình.

Dự án xây dựng hồ chứa nước Thuỷ Yên - Thuỷ Cam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt từ năm 2008 và điều chỉnh quy hoạch đầu năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 654 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư; Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công.

Bài, ảnh: Quang Đức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

TIN MỚI

Return to top