ClockThứ Hai, 27/08/2018 08:35

Lo...

TTH - Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn con người với sự kết hợp của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

1. “Theo ông Can thì đời sáng lạng, còn mày không theo thì đời mày gián đoạn. Ông Can nói mà mày không nghe thì chân không què mày cũng phải gánh nạn...”. Là những lời nhạc được một nam ca sĩ đọc nhanh mà giới trẻ thời nay gọi là hát tôi nghe được khi tình cờ con trai rút dắt cắm tai nghe ra khỏi chiếc điện thoại thông minh. Thấy tôi giật mình, cu cậu mới nhận ra mình đã để lộ bí mật vì đã nhiều lần thỏa thuận với mẹ không nghe những loại âm nhạc như vậy.

Tôi vẫn ý thức để nhắc nhở mình về sự thay đổi cách nghĩ, cách cảm nhận văn hóa của mỗi thế hệ để không ép cách nghĩ, cách sống của con cái. Nhưng quả tình, ngày nay có nhiều bài hát với những ca từ không thể chấp nhận được, như: “Đừng quá lo lắng về tao vì trước sau gì tao cũng chết. Hận thù lâu nay mọi sự ích kỷ trong mày rồi cũng sẽ hết…” trong bài “Tao biết”…

Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn con người với sự kết hợp của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhiều người tin rằng, âm nhạc có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mặt thể chất, cảm xúc, nhận thức, xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống; các nhà nghiên cứu khoa học luôn khuyến khích các bà mẹ tập cho con nghe nhạc khi còn trong bụng mẹ vì có tác dụng rất lớn đến việc hình thành và phát triển bộ não của trẻ… Nhưng với ca từ như trên liệu sẽ mang lại điều gì bổ ích cho cuộc sống của giới trẻ hay ngược lại.

2. Buổi sáng cuối tuần, bạn bè tụ tập, ai cũng vui mừng, chỉ N. thì mặt ỉu xìu. Hỏi mãi bạn mới chịu thổ lộ: “Bữa chừ thấy con lúi húi với máy tính cứ tưởng hắn tra cứu tài liệu để học, cùng lắm thì chơi game thôi. Hôm qua tình cờ mở lịch sử máy tính mới tá hỏa… Buồn quá”.

Không hỏi, nhưng ai cũng biết trang web mà con bạn đã xem là không tốt. Bởi, trên màn hình máy tính có quá nhiều nội dung gây ảnh hưởng đến nhận thức của con người mà nhất là giới trẻ, như phim người lớn mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận và phụ huynh không thể nào kiểm soát hết khi con sử dụng máy tính, điện thoại thông minh.

3. Mới đây, hàng xóm của tôi cũng vừa trải qua một phen “hết hồn” cũng từ sự hiện đại của công nghệ thông tin. Chẳng là năm nay Ph. con trai chị chính thức trở thành học sinh trung học phổ thông. Nghĩ đã đến lúc con cũng cần một dụng cụ hỗ trợ cho việc học tập nên mới cho cháu sử dụng điện thoại thông minh. Nào ngờ, chưa được 2 tháng thì chuyện động trời xảy ra. Vừa có điện thoại, Ph. kết bạn với nhiều đối tượng trên facebook. Một trong số đó có tên tài khoản tên H., làm quen chưa được bao lâu thì gặp mặt, lần thứ 3 đi uống nước mía với nhau. H. cho biết hôm qua có một người bạn chung trên face bị đánh, người đánh khai do Ph. thuê nên người bạn đó sẽ “xử Ph.”. Dù Ph. khẳng định mình chẳng biết gì nhưng H. vẫn khăng khăng nếu Ph. không “xử” hắn trước thì sẽ bị đánh. Rồi H. hứa sẽ giúp Ph. lo yên chuyện mà không để gia đình biết với điều kiện Ph. phải chi cho H. 7 triệu đồng. Một tuần sau, H. cho biết đã lo xong chuyện rồi và yêu cầu Ph. trả tiền với nhiều lời đe dọa khiến Ph. phải tìm cô giáo để mượn. Mọi chuyện vỡ lở và được báo lại với công an sau khi cô giáo thông báo với gia đình Ph. Mẹ Ph. nhanh chóng thu lại điện thoại thông minh và tăng thêm thời gian kiểm soát con.

Nan giải đối với các phụ huynh ngày nay là nếu không cho con tiếp cận mạng internet thì sẽ hạn chế việc tìm kiếm thông tin, tài liệu hỗ trợ cho việc học. Nhưng, những thông tin có hại đến nhận thức cũng như đời sống con người, thậm chí là lừa đảo thông qua mạng lại quá nhiều và vô cùng khó kiểm soát. Hy vọng, sự rốt ráo của Luật An ninh mạng phần nào giúp phụ huynh bớt lo hơn khi cho con tiếp cận với mạng internet.

ĐĂNG VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top