ClockThứ Bảy, 26/11/2016 05:51

Lo bờ biển sạt lở

TTH - Tình hình sạt lở bờ biển đang diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đe đọa các công trình đê, kè biển bảo vệ đất liền.

Đường dẫn ra âu thuyền Phú Thuận xuống cấp nghiêm trọng

“Đe dọa” kè biển, âu thuyền

Tại khu vực âu thuyền Phú Thuận (huyện Phú Vang), tuyến đê dẫn ra âu thuyền, dùng làm nơi vận chuyển ngư lưới cụ của ngư dân đang bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng. Tuyến dường dẫn dài chừng hơn 200m, chắn sóng cho các thuyền bè tránh trú phía trong, được trải một lớp bạt bên trên rồi dằn một lớp đá hộc, trên cùng là lớp xi măng. Tình trạng thủy triều dâng làm khu vực này xuất hiện 4-5 điểm sạt lở, trôi sạt đất đá xuống bờ phá, phần chân đê không còn vững. Có điểm, tình trạng xâm thực ăn sâu vào chân đê theo kiểu hàm ếch, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ông Ngô Đức Mạnh, một chủ tàu ở Phú Thuận lo lắng: “Ngư dân muốn ra biển phải dùng xe cơ giới chở lưới cụ ra tuyến đường dẫn này, nhưng sợ sụp xuống phá nên phải cho thuyền vào sát bên trong rất vất vả. Nhiều ngư dân phải đưa thuyền neo đậu nơi khác, vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí xăng dầu”.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sạt lở kè Phú Thuận

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Tuyến kè âu thuyền Phú Thuận được xây dựng khoảng năm 2000, do UBND huyện Phú Vang làm chủ đầu tư, kinh phí 2 tỷ đồng. Âu thuyền này phục vụ việc neo đậu tránh trú từ 50-60 tàu thuyền ở địa phương. Qua các mùa mưa bão, đến nay âu thuyền đã xuống cấp. Địa phương cũng đã trích kinh phí sửa chữa, gia cố một số điểm sạt lở nhưng do khó khăn kinh phí, làm theo kiểu chắp vá nên hiệu quả không cao”.

Theo Sở NN&PTNT, tình trạng sạt lở bờ biển đã làm hư hỏng, đe dọa một số tuyến tại công trình kè Stabiplage bảo vệ bờ biển thôn Tân An, xã Phú Thuận, sóng đã làm hư hỏng 3 mỏ hàn mềm M1, M2 và M4, các mỏ hàn M5, M6 có nguy cơ bị hỏng. Do sóng đánh vào liên tục nên đã làm sạt lở bờ biển 500m, xâm thực sâu 6-8m, có nơi 15m vào khu vực dân cư.

Tại khu vực kè thôn An Dương, xã Phú Thuận (được đầu tư xây dựng năm 2015), khu vực tiếp giáp hai khoá đầu kè, phần chưa được đầu tư xây dựng bị sạt lở với chiều dài 400m, xói sâu vào 5-8m. Đây là công trình từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư 100 tỷ đồng, với tổng chiều dài 893m, chia thành 2 giai đoạn. Từ tháng 7/2016, công trình đã khởi công giai đoạn 2.

Tại điểm sạt lở bờ biển ở xã Vinh Hải, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã xuất 36 rọ thép và 1.500 m2 vải lọc, đồng thời UBND huyện Phú Lộc đã bố trí 47.000 bao tải, 30m3 đá hộc, 310 m3 đất, huy động hơn 1.000 nhân công để xử lý sạt lở khẩn cấp bờ biển Vinh Hải. Trước đây, UBND tỉnh đã đầu tư 2,5 tỷ đồng làm kè, rọ đá xử lý một số điểm sạt lở ở khu vục này trên chiều dài khoảng 500m. Tuy nhiên, đến nay nhiều rọ đá bị đánh tan.

Cần kinh phí

“Chúng tôi đã tham khảo một số nơi sử dụng nhiều giải pháp chống sạt lở hiệu quả như dùng tàu hút cát quanh năm dọc bờ biển, làm hệ thống đê ngầm chắn sóng ngoài biển. Trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương ven biển miền Trung, do địa hình ven biển sâu vào đất liền, nên giải pháp hiệu quả hiện nay là trồng rừng phi lao, ngăn sạt lở ven biển”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, thông tin.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB, đánh giá: “Tình hình sạt lở bờ biển hiện nay đang diễn ra mạnh làm khoảng 30km bờ biển trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó có 10km với 10 điểm sạt lở nặng do biến đổi khí hậu, dòng hải văn thay đổi, mực nước biển có xu hướng dâng cao, tác động thủy triều lớn. Cũng theo ông Hùng, việc xử lý sạt lở bờ biển rất tốn kém kinh phí và đòi hỏi kỹ thuật cao. “Về kỹ thuật, chúng ta đã mời các bộ, viện, tổng cục và chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu đánh giá đồng bộ và đưa ra các khuyến cáo. Đã có nhiều giải pháp kỹ thuật đầu tư kè, hút cát chống sạt lở bờ biển, trồng các loại cây được đưa ra. Song, vấn đề cốt lõi vẫn là kinh phí thực hiện”, ông Hùng nói.

“Hiện nay, các cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc) cần phải chỉnh trị và nâng cấp mở rộng cảng cá kết hợp âu thuyền tránh trú bão, các khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Thuận An (huyện Phú Vang) đã xuống cấp, bồi lắng gây khó khăn trong việc tránh trú bão của tàu thuyền, cần phải nâng cấp. Do vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành các dự án chống sạt lở, bồi lấp cửa biển và nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư khoảng 2.350 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án chống sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa biển và nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão”, ông Hùng cho biết thêm.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới

Từ đêm ngày 1 đến ngày 3/12, trên các sông khu vực Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đề phòng sạt lở đất khu vực miền núi, ngập úng vùng trũng.

Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới
Khắc phục sạt lở các tuyến giao thông “huyết mạch”

Sáng 16/11, lãnh đạo Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Khu Quản lý đường bộ II) thông tin, mưa lớn làm đất, đá phía ta luy dương sạt lở gây ách tắc giao thông tại Km32 quốc lộ 49 và Km395 đường Hồ Chí Minh qua Thừa Thiên Huế.

Khắc phục sạt lở các tuyến giao thông “huyết mạch”

TIN MỚI

Return to top