ClockThứ Năm, 28/06/2012 05:31

Lo gấp kẻo muộn

TTH - Số cơ sở, doanh nghiệp phát sinh chất thải nguy hại (CTNH) được cấp sổ chủ nguồn thải CTNH chỉ chiếm khoảng 1/10 trong tổng số cơ sở, doanh nghiệp phát sinh CTNH trên địa bàn và số lượng thu gom, vận chuyển xử lý chỉ chiếm tỷ lệ 1,17% tổng lượng CTNH phát sinh. Đây là những con số báo động.

Nguy hại tiềm ẩn

Khái niệm về CTNH vẫn còn mới lạ dường như chỉ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Sau những vụ xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường khá mạnh tay, các cơ quan hữu quan và các đơn vị, doanh nghiệp mới “giãy nảy” và bắt đầu vào cuộc.
 

HEPCO trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển CTNH

 
Giữa năm 2011, Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 11 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vi phạm về quản lý CTNH với số tiền từ 40 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với một doanh nghiệp. Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng phát hiện và xử phạt nhiều hành vi vi phạm liên quan đến CTNH. Điển hình, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng đối với ông Nguyễn Hoàn Vũ về hành vi: “Không có giấy phép quản lý CTNH hại theo quy định”. Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trung tâm Medic số 69 Nguyễn Huệ, thành phố Huế 100 triệu đồng về hành vi: “Chuyển giao, cho, bán CTNH cho cá nhân không có đủ điều kiện về quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH theo quy định”. Cơ quan chức năng yêu cầu ông Nguyễn Hoàn Vũ và Trung tâm Medic phải hợp đồng với đơn vị có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện để vận chuyển, xử lý, tiêu hủy lượng CTNH trên đúng quy định; đồng thời, yêu cầu Trung tâm Medic phải hoàn tất các thủ tục để đăng ký chủ nguồn thải CTNH và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH phát sinh theo đúng quy định pháp luật.
 
Quản lý CTNH là một vấn đề bức xúc trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tác hại của các loại chất thải này ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của con người là không thể đong đếm được và nguy cơ trở thành một gánh nặng kinh tế lớn đối với địa phương. Đó cũng là nguyên nhân tại sao gần đây xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm, dịch tả và nhiều bệnh lạ khác…
 
Tăng cường hướng dẫn, nâng cao nhận thức
 
Đến nay, toàn tỉnh có 68 cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký và được cấp sổ chủ nguồn thải CTNH với tổng khối lượng CTNH kê khai khoảng 75 tấn/tháng, mới chiếm khoảng 1/10 trong tổng số cơ sở phát sinh CTNH. Đăng ký để cấp sổ quản lý CTNH là việc nên làm, nhưng một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng hơn là cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cũng như cách phân loại, lưu giữ, bảo quản CTNH đến các cơ sở, doanh nghiệp có phát thải; đồng thời, quản lý chặt khâu vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường quy định. Nhiều doanh nghiệp thậm chí vẫn chưa biết và chưa nhận thức được đâu là CTNH, đâu là chất thải công nghiệp và chất thải thông thường.  
 
Vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất thực hiện dự án xây dựng công trình lò đốt chất thải nguy hại tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) do Công ty TNHH NNMTV Môi trường và Công trình đô thị Huế (gọi tắt HEPCO) làm chủ đầu tư. Dự án có công suất xử lý 750 kg/giờ, gồm 2 lò đốt, tương ứng với công suất 250 kg/giờ và 500 kg/giờ, có hệ thống xử lý khí thải. UBND tỉnh đã cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại cho HEPCO. Lượng CTNH của các đơn vị hợp đồng được thu gom vận chuyển, xử lý tại bãi xử lý chất thải sinh hoạt Lộc Thủy, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) với một khu chôn lấp CTNH có công suất xử lý 15 tấn/ngày và 1 xe chuyên dụng.
 
Ông Trần Trung Khánh, Phó phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - Công ty HEPCO cho biết, hiện chỉ có 46/200 cơ sở khám chữa bệnh và 17 cơ sở sản xuất kinh doanh có hợp đồng vận chuyển xử lý CTNH với HEPCO. Lượng CTNH được thu gom và xử lý là 1,8 tấn/tháng, tương đương 0,06 tấn/ngày. Con số này chỉ chiếm khoảng 1,17% tổng lượng CTNH phát sinh theo dự tính. Như vậy, lượng CTNH khá lớn chưa được xử lý theo quy định là 4,23 tấn/ngày, tương đương 126,9 tấn/tháng. Riêng Bệnh viện Trung ương Huế tự vận chuyển và xử lý CTNH y tế của bệnh viện với khối lượng 350 kg/ngày.
 

Theo quy hoạch về chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, lượng CTNH phát sinh trên địa bàn năm 2012 là 5,15 tấn/ngày, năm 2013 là 6,18 tấn/ngày, năm 2014 là 7,41 tấn/ngày và năm 2015 là 8,9 tấn/ngày. Với đà tăng này và có thể vượt dự báo, nếu không có sự kiểm soát chặt ngay từ khâu lưu giữ, bảo quản đến khâu vận chuyển, xử lý đảm bảo thì nguy cơ gây nguy hại cho môi trường là rất đáng lo ngại.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, phần lớn CTNH vẫn đang được chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt, như kim loại nặng, pin, sơn, dầu... Tại KCN Phú Bài, một số doanh nghiệp, như Công ty TNHH Sơn Hoàng Gia, Công ty TNHH Quốc tế Hello Việt Nam... có lượng CTNH phát sinh nhiều từ sản phẩm sơn, vỏ lốp cao su cần được lưu giữ, bảo quản đảm bảo, nếu không sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh và môi trường nước trong khu vực.
 
Phía cơ quan chủ quản cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay trong quản lý CTNH là ý thức của các cơ sở doanh nghiệp thực hiện đăng ký chủ nguồn thải vẫn còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý CTNH thiếu; một số được cấp phép vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc xây dựng các lò đốt cần sớm được đầu tư thực hiện. Đối với các khu liên hợp xử lý CTR, cần có khu xử lý CTNH để đóng rắn bằng bê tông đối với các loại CTNH không đốt được. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nghiên cứu xây dựng đề cương và dự toán kinh phí xây dựng đề án xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020.
 
Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Return to top