ClockThứ Năm, 27/04/2017 11:38

Lo hàng cho Festival nghề

TTH - Tất bật, khẩn trương và đa dạng mẫu mã là những gì đang diễn ra tại các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng và thủ công mỹ nghệ (TCMN) trên địa bàn tỉnh khi Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đang cận kề.

Trên 1 ngàn sản phẩm mây tre đan sẽ có mặt tại festival Nghề

Cơ sở mỹ nghệ Thái Vinh ở 40 Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế những ngày này như một “công trường” với hàng chục pho tượng, bộ bàn ghế làm từ rễ cây trị giá cả 100 triệu đồng hay các sản phẩm TCMN chạm khắc tinh xảo. Qua 10 năm tham gia trưng bày tại fesstival nghề, nhận thấy cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tốt nên năm nay, cơ sở đầu tư trên 1 tỷ đồng dự trữ gỗ, tăng cường thợ giỏi để sản xuất trên 100 sản phẩm phục vụ du khách tại Festival Nghề 2017.

Chủ cơ sở, ông Phùng Hữu Thái thông tin: “Festival nghề không chỉ là dịp để tiêu thụ sản phẩm, mà còn là cơ hội quảng bá và ký kết nhiều hợp đồng giá trị nên cơ sở chuẩn bị nguyên liệu, huy động đội ngũ thợ giỏi, có trình độ điêu khắc tinh xảo sản xuất. Qua 3 tháng chuẩn bị, 100 sản phẩm từ hàng lưu niệm và quà tặng có kích thước nhỏ, giá chỉ dao động từ 20.000- 100.000đ/sản phẩm như móc khóa, tượng 12 con giáp, dĩa gỗ đến các bộ bàn ghế, tượng nghìn mắt nghìn tay, tượng Tây phương tam thánh, tượng Quang Công có giá từ 20 - 100 triệu đồng đã hoàn thành, đang đóng gói để đưa lên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu trưng bày.”

Đệm bàng Phò Trạch (Phong Điền) là nghề truyền thống xuất hiện từ khi lập làng và tồn tại hơn 450 năm. Trải qua bao thăng trầm, hai năm trở lại đây, nhiều hộ dân bắt tay sản xuất và phát triển thêm nhiều sản phẩm dân dụng, mỹ nghệ từ nguyên liệu cỏ bàng. Ông Nguyễn Viết Nam, một “lão nông” của làng Phò Trạch đã thành lập cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ mang tên Cỏ bàng NX với mong muốn khôi phục và phát triển nghề. Những chiếc túi xách, mũ, hộp bút, khung ảnh, móc khóa, xe đạp… khá bắt mắt ra đời từ nguyên liệu sợi cỏ bàng kết hợp với mây, tre, vải và gốm.

“Chuẩn bị cho Festival nghề sắp tới, hai tháng nay cơ sở tích cực sản xuất, thiết kế thêm nhiều mẫu mới mang vào TP. Huế trưng bày. Để khẳng định thương hiệu và cạnh tranh với các sản phẩm đệm bàng của các tỉnh, thành phố trong nước tham gia festival , cơ sở đã thiết kế thêm nhiều mẫu mới, nâng tổng số mẫu hiện có lên 150 mẫu TCMN từ cỏ bàng. Trong đó, có bộ Cửu đỉnh mô phỏng theo bộ Cửu đỉnh đặt tại sân Thế Miếu, Đại Nội Huế; bộ 12 con giáp và nhiều bộ đèn trang trí độc đáo kết hợp giữa sản phẩm đồ gốm và đệm bàng”.

Là một trong những sản phẩm quà tặng và hàng TCMN được nhiều du khách lựa chọn tại các kỳ Festival nghề, HTX mây tre đan Bao La đang khẩn trương sản xuất và hoàn thành 200 mẫu thiết kế với trên 1 ngàn sản phẩm tham gia trưng bày. Chủ nhiệm HTX, ông Võ Văn Dinh chia sẻ: “Festival là cơ hội tốt để HTX quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, ký kết nhiều hợp đồng đặt hàng từ các doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ các kỳ festival trước, do số lượng khách mua hàng đông song không chủ động nguồn hàng nên bị thiếu, năm nay HTX triển khai sản xuất từ đầu năm và phát triển thêm một số mẫu mới, như giỏ xách, mâm khay, rổ rá cách tân, đèn kiểu…”. Theo ông Dinh, ngoài bán sản phẩm, HTX sẽ tạo không gian thao diễn nghề đan đát, bố trí 5 nghệ nhân và thợ thủ công trình diễn nghề phục vụ du khách tham quan. Mặt khác, sẽ chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu để phục vụ du khách thao diễn nghề trong những ngày diễn ra lễ hội.

Không chỉ các cơ sở sản xuất mà nhiều cửa hàng kinh doanh hàng lưu niệm và TCMN trên địa bàn cũng đầu tư vốn chuẩn bị hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng quà tặng "made in Huế" ở khắp mọi nơi, tạo điều kiện để du khách tham quan và mua sắm sản phẩm. "Cả tháng nay cơ sở phải về tận các làng nghề để gom hàng, đưa về trưng bày phục vụ khách dịp Festival nghề. Ngoài các sản phẩm do các cơ sở trên địa bàn sản xuất, như đúc đồng, pháp lam, tranh thêu, mây tre đan, điêu khắc gỗ..., cơ sở đặt hàng từ các tỉnh, thành phố khác như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mũ cói Kim Sơn, mỹ nghệ đá Non Nước phục vụ khách", quản lý Trung tâm Văn hóa Phương Nam, bà Diệu Hiền nói.

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho rằng: "Ngoài các sản phẩm TCMN, quà tặng và lưu niệm do các cơ sở trên địa bàn sản xuất, Festival Nghề truyền thống Huế năm nay sẽ có sự góp mặt của 7 mẫu thiết kế mới; đó là mô hình Đại Nội, tháp Thiên Mụ, Kỳ đài Huế, tượng cụ Phan Bội Châu, Cửu đỉnh, cầu Trường Tiền và con nghê. Những mẫu thiết kế này được sản xuất bằng các chất liệu truyền thống như đồng, pháp lam, mây tre đan, đá, xương, gỗ nhằm đa dạng hóa và phong phú chủng loại, đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân Huế."

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội
Sản phẩm cho du lịch làng nghề?

Nhiều làng nghề đã bước qua ranh giới “tự cung tự cấp”, tiến đến thương mại hóa thành công sản phẩm. Điều đặc biệt hơn, những làng nghề nổi tiếng của Thừa Thiên Huế còn có thể phát triển về du lịch.

Sản phẩm cho du lịch làng nghề

TIN MỚI

Return to top