ClockThứ Năm, 07/12/2017 13:55
THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI:

Lo khi nước rút

TTH - Theo đánh giá, môi trường sau những trận lũ lớn vừa qua khá đảm bảo. Rác rưởi, bùn đất, xác động vật đã được xử lý kịp thời. Dịch bệnh không xảy ra. Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo trong quá trình thu gom, xử lý rác; nhất là ý thức bảo vệ môi trường chung sau khi nước rút.

Chung sức dọn lụtĐảm bảo cấp nước sạch trong mưa lũNgành đường sắt: Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với mưa lũ hàng nămNguy cơ nhiều dịch bệnh hoành hành mùa mưa lũ

Sau khi nước rút rác thải đã phát sinh trở lại ở chợ Tây Thành (Quảng Điền)

Phối hợp đạt hiệu quả cao

Sau lũ, đi qua các địa phương vùng rốn lũ như: Phòng Hòa, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền) hay Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước (Quảng Điền), điều dễ nhận thấy là nhiều tuyến đường sau khi nước rút khá sạch sẽ; trên các sông hồ, mặt ruộng không còn thấy cảnh xác động vật trương phình trôi nổi, từng là nỗi ám ảnh của nhiều người trong những trận lũ lớn những năm trước đây.

Hậu quả của lũ trong các đợt vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Riêng số lượng cá nuôi chết ở huyện Quảng Điền đã lên đến gần 500 tấn. Ngoài ra, số lượng bùn đất, rác thải phát sinh trong lũ với hàng trăm tấn.

Được sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự vào cuộc của ngành y tế và sự chủ động của chính quyền địa phương ngay trong và sau khi nước rút, nên công tác dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường được triển khai có hiệu quả. Lực lượng quân đội, công an đã được điều động về các vùng rốn lũ, phối hợp với đoàn thanh niên các huyện, xã thu gom rác thải, giải phóng bùn đất, giúp người dân khắc phục thiệt hại. Các trường học, chợ, bến xe cũng được xử lý nhanh, sớm ổn định hoạt động trở lại.

Ngành y tế các địa phương đã đến tận nơi giúp dân chôn lấp cá và xác động vật chết, phun cloramin, hóa chất diệt muỗi ở các địa bàn, xử lý gần 500 giếng nước bị ô nhiễm. Nhờ vậy, đã khống chế được dịch bệnh vốn rất dễ bùng phát sau mỗi trận lũ… Ông Nguyễn Văn Quang, xã Quảng Vinh (Quảng Điền) nhìn nhận, những trận lũ lớn trước, rác rưởi, xác động vật tồn đọng rất lớn, lâu ngày bốc mùi không chịu nổi nhưng năm nay, nhờ sự quan tâm kịp thời của các ban ngành nên cảnh tượng đó không xảy ra.

Cần sự bền vững lâu dài

Nhiều người cho rằng, công tác vệ sinh môi trường sau lũ năm nay đạt được kết quả tốt, bởi có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể. Vấn đề đặt ra khi nước rút, các hoạt động sản xuất sinh hoạt bình thường trở lại thì tình trạng rác thải lại phát sinh ở nhiều điểm nóng.

Ngay trong khi nước lớn, tình trạng người dân lợi dụng mang rác trong gia đình ra thả trôi đã gây bức xúc cho nhiều người. Hậu quả, rác theo nước đổ về gây ô nhiễm cho những vùng thấp trũng. Ông Hoàng Lân, nhà bên phá Tam Giang cho rằng, sở dĩ rác năm nay ít tồn đọng ở ruộng hồ, khu dân cư bởi một mặt nhờ sự tích cực dọn dẹp của các lực lượng, một mặt cũng nhờ không có gió nồm, nên một phần lớn rác được tống ra phá, ra biển. Nếu có gió nồm thì rác sẽ ứ đọng rất lớn, khi đó công việc dọn dẹp vệ sinh sau lũ sẽ rất khó khăn…

 Điều này cho thấy, rác theo dòng nước lũ không chỉ gây hại cho vùng thấp trũng mà còn ảnh hưởng đến môi trường của biển và đầm phá.

Thực tế hiện nay, đi qua một số chợ hay một số tuyến đường ở nông thôn đã bắt đầu xuất hiện các điểm tập kết rác chất đống bên đường chưa được thu gom, xử lý. Chẳng hạn như tuyến đường ven chợ Tây Thành; đường về làng An Xuân, Quảng An (Quảng Điền) hay TL4 đoạn gần làng Nam Thanh, Hương Vinh (Hương Trà)... ngày 4/12 khi chúng tôi đến, rác đang chất đống bên đường nhiều ngày chưa được vận chuyển.

 Hiện tại, ở các địa bàn vùng nông thôn, công tác thu gom, xử lý rác thải đã được quan tâm. Các nhà máy, khu xử lý rác đã được xây dựng; nhiều đơn vị vệ sinh môi trường được thành lập, đã góp phần giải quyết một lượng lớn rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc thu gom rác ở nông thôn hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Phương tiện thu gom rác chủ yếu là xe đẩy tay thô sơ nên tỷ lệ rác thu gom thấp; cùng với đó, sự thiếu ý thức của người dân đã dẫn đến tình trạng đổ rác ra sông, kênh rạch, ao hồ và các khu vực công cộng. Mặc dù các địa phương đã có quy hoạch các điểm đổ rác thải nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường; các nhà máy xử lý rác, khu chôn lấp thường rơi vào tình trạng quá tải hoặc hay bị hư hỏng, phương tiện vận chuyển cũng không đảm bảo… dẫn đến tình trạng rác tại các điểm trung chuyển bị ứ đọng lâu ngày gây mùi hôi…

Theo ông Lê Vĩnh Quý, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quảng Điền, cần thiết phải đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm các nhà máy, khu xử lý rác ở nông thôn; đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn đến từng hộ gia đình, để hạn chế lượng rác phải vận chuyển và xử lý. Bên cạnh đó, phải sớm thành lập công ty cổ phần thực hiện các nhiệm vụ công ích, để cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở vùng nông thôn được chủ động.

Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề khá nóng ở các vùng nông thôn. Ở các vùng thường xảy ra lũ lụt, rác thải lại thường tập trung nhiều sau mỗi trận lụt; mặc dù, việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường được xử lý kịp thời; tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm là khó tránh khỏi. Trong lúc chờ kinh phí để hoàn thiện công việc thu gom, xử lý rác thì việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, không chỉ ở vùng trũng mà cả người dân vùng cao là hết sức quan trọng, nhằm hạn chế thấp nhất những tác hại do môi trường bị ô nhiễm gây ra.

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường

Những ngày qua trên địa bàn thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ, rét lạnh dài ngày làm môi trường, dịch bệnh đe dọa, trong đó nguy cơ cao ở các vùng thấp trũng, ven biển, đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Trước thực trạng đó, ngành y tế chủ động, phối hợp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, tiêu độc khử trùng ở khu vực dân cư, cơ quan, trường học… hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đến thời điểm này cơ bản vấn đề môi trường xóm làng, khu vực dân cư khang trang sạch đẹp. Tuy nhiên, một số nơi, như các mương cống  ở các vùng trũng, khu vực chợ quê… vẫn để tù đọng rác rưởi chưa xử lý triệt để, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, ruồi muỗi phát sinh… thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết xuất hiện. Ngành y tế đang tiếp tục vào cuộc, phối hợp các ban ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng vệ sinh môi trường; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về môi trường, thau vét loăng quăng, ăn uống sinh hoạt hợp vệ sinh, nhằm khống chế dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trên địa bàn….

Minh Văn (ghi)

Bài, ảnh: ĐẶNG THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải
Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Return to top