ClockThứ Sáu, 26/05/2017 08:15

Loại trừ dần sản phẩm gây tổn hại tầng ô-dôn

TTH - Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Nghị định thư Montreal (NĐT) về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và có nghĩa vụ loại trừ tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của NĐT.

Từ đầu năm 2010, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thành nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất chloro-fluoro-carbon (CFC), cụ thể là 500 tấn CFC và 3,8 tấn halon. Do lượng sử dụng các chất hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) còn ở mức cao, gây suy giảm tầng ô-dôn, nên các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai loại trừ các chất HCFC theo quy định của NĐT kéo dài đến năm 2030. Nếu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ phía các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian hoàn thành loại trừ các chất HCFC trước năm 2025.

Trong số 37 chất HCFC bị kiểm soát và loại trừ theo quy định của NĐT, Việt Nam sử dụng chủ yếu chất HCFC-22 (còn gọi là ga lạnh R-22) cho sản xuất, dịch vụ sửa chữa điều hòa không khí và thiết bị lạnh trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản và HCFC-141b (bao gồm cả polyol trộn sẵn HCFC-141b) trong sản xuất xốp cách nhiệt. Tuân thủ quy định của NĐT, cuối năm 2011, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành thông tư liên tịch quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập- tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Thông tư liên tịch cũng quy định hạn ngạch nhập khẩu cho từng nhóm chất HCFC từng năm kể từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2019 nhằm loại trừ dần việc nhập các chất này. Cụ thể, đối với chất HCFC-141b, Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu năm 2012 là 500 tấn, năm 2013 là 300 tấn, năm 2014 giảm còn 150 tấn và bắt đầu từ năm 2015 chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu chất này.

Những doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất thiết bị lạnh, cấp đông và xốp sẽ được hỗ trợ chi phí chuyển đổi sang công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, thay cho công nghệ lạc hậu hiện đang thải ra các chất phá hủy tầng ô-dôn. Việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện thông qua dự án kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (2017-2022), trong đó hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các DN sản xuất xốp cách nhiệt sử dụng polyol trộn sẵn HCFC-141b với cam kết chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC từ năm 2023.

Riêng đối với địa bàn Thừa Thiên Huế, theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, hiện không có DN nào sản xuất xốp cách nhiệt cũng như được cấp phép đầu tư, thành lập mới có sử dụng polyol trộn sẵn HCFC-141b.

Tầng ô-dôn là tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các tia cực tím có hại từ mặt trời. Trong quá trình phát triển, con người đã phát minh và thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất làm suy giảm tầng ô-dôn, trong đó có các chất như CFC, HCFC. Nếu tầng ô-dôn bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống trái đất, khiến con người dễ mắc bệnh ung thư da, thực vật sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần. Các nhà khoa học nhận định, nếu thế giới tích cực kiểm soát các chất gây hại, đến năm 2060- 2070, tầng ô-dôn mới có thể được hoàn nguyên lại như trước.

Hoài Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

Ngày 23/2, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổng kết công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2023; triển khai kế hoạch năm 2024 và thúc đẩy loại trừ sốt rét ở Việt Nam”. Đầu cầu Thừa Thiên Huế có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT Phong Điền, Nam Đông, A Lưới.

Đảm bảo mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong cả nước vào năm 2030

TIN MỚI

Return to top