ClockThứ Hai, 04/05/2015 17:36

Lộc Hòa sang trang

TTH - Gần ba mươi năm, giờ đây xã Lộc Hòa (Phú Lộc) không còn là vùng đất khó của những người dân đầu tiên từ xứ Truồi (nay là xã Lộc An, Lộc Điền) lên khai hoang, lập nghiệp.

Mô hình trồng tiêu ở Lộc Hòa

Không kém chị, kém em

Dẫu bận rộn nhưng ông Nguyễn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa đón chúng tôi chân tình, điềm đạm gợi chuyện xưa, chuyện những ngày đầu xã mới thành lập. Lộc Hoà thành lập vào năm 1986, nhưng trước đó - những năm đầu đất nước vừa thống nhất, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước nhiều bà con ở vùng xuôi, đặc biệt là hơn 200 hộ dân ở xứ Truồi lên đây khai hoang lập nghiệp. Ngày đó, cái khó, cái khổ cứ bám riết kéo dài và cụm từ “chó ăn đá, gà ăn muối” mà nhiều người đã đặc tả cho vùng đất Lộc Hòa giờ vẫn chưa phai trong tâm trí anh.
Điều gì làm nên Lộc Hòa hôm nay? Anh Hiểu diễn giải, một phần là nỗ lực của bà con, đồng thời được sự trợ giúp các cấp chính quyền, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân Lộc Hoà, như: Mở rộng đường sá, khai hoang đồi, ruộng nước, lập vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Từ năm 2000, Lộc Hoà được hưởng thêm nhiều dự án hỗ trợ cho xã miền núi và chương trình 135, thực sự đã làm cho quê nghèo ở đây khoác lên mình áo mới. 100% các tuyến giao thông chính liên thôn, liên xã được bê tông hoá; trường học các cấp, trạm y tế đã xây mới; gần 90% số hộ đã dùng điện thắp sáng và nước sạch sinh hoạt. Đáng mừng hơn, cấp uỷ, chính quyền đã chỉ đạo bà con tiếp thu những phương thức làm ăn mới theo hướng nông lâm dịch vụ, như lập vườn, nuôi trâu bò đàn, phát triển cây rừng, trồng lúa hai vụ /năm cho năng suất cao... Lộc Hoà có 3.257 ha đất tự nhiên; trong đó có hơn 2.120 ha rừng, còn lại là đất ở, đất vườn, rau màu, ruộng lúa... Nhà nào cũng 5-10 sào vườn; 1-2 ha rừng keo, tràm cây cao su, cây tiêu... mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Từ chuyện thiếu ăn, số hộ đói nghèo tăng cao; nay tổng thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 20 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm còn 7% so với năm 2010 (hơn 13%). Lộc Hòa mạnh dạn ra khỏi danh sách chương trình 135 vào năm 2010.
Nhiều mô hình làm ăn mới
Tôi gặp lại anh Đào Công Quy, nguyên Bí thư Đoàn xã, bây giờ là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa. Quy thay đổi nhiều so với thời điểm tôi gặp 5 năm về trước và giờ trông anh khá nhạy bén trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội ở địa phương. Ông Hiểu và anh Quy đưa chúng tôi về thăm các thôn. Nhớ lần trước, chúng tôi và Quy khá vất vả lội trên các tuyến đường từ trung tâm xã về thôn 4, thôn 5 bởi đường đất đá, lại ngăn cách một nhánh thượng nguồn sông Truồi. Bây giờ, nơi đây đã hiện hữu cây cầu Khe Dài bê tông vĩnh cửu dài gần 500 mét vắt qua, nối nhịp bờ vui.
Vừa đi Quy vừa “khoe”, với hạ tầng, đường sá thuận lợi, Lộc Hòa đang trở thành vùng đất lành cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến đầu tư trồng rừng, ươm hom giống, chế biến lâm sản, chăn nuôi. Đầu năm 2015, ở Lộc Hòa có trang trại Hoàng Vân, thuộc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đi vào hoạt động. Trang trại này nuôi heo nái theo hướng công nghiệp, giai đoạn đầu được đầu tư hơn 30 tỷ đồng, diện tích 12 ha. Kế hoạch, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 12 nghìn con heo giống cho các trại chăn nuôi trên địa bàn miền Trung. Trang trại giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động ở địa phương...
Ghé thăm gia đình anh Lê Văn Quốc, thôn10. Đây là gia đình cách đây 5 năm về trước thuộc diện nghèo của xã. Với sức trẻ hồi đó, Quốc không khuất phục trước cảnh nghèo khó mà tìm mọi cách tính toán xin đất khai đồi, lập trang trại theo mô hình VACR. Bao năm lăn lộn với đồi, giờ anh Quốc trở thành gương điển hình làm ăn mẫu mực trong vùng. Hiện anh có 3 ha rừng, 0,5 ha ao hồ cá nước ngọt, một trại heo luôn hiện hữu 30-40 con và hàng trăm con gà. Mỗi năm anh thu về khoảng 100-150 triệu đồng. Anh Quốc thực tình: “Lộc Hoà đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình anh hôm nay”. 
Anh Đào Công Quy cho rằng, ở Lộc Hoà bây giờ mô hình làm kinh tế như Quốc là không ít. Nhiều thanh niên thế hệ 7X giờ đã sở hữu hàng chục tỷ đồng qua tích lũy từ làm trang trại VACR. Nghe Quy kể đến Nguyễn Văn Bình, sinh 1975, ở thôn 4 làm giàu từ mô hình vườn rừng mà chúng tôi như lạc vào giấc mơ. Bình nghèo, ít học, vào những năm đầu thập niên 90 mưu sinh trên đất phương nam gặp khó, đã quyết định về quê lập nghiệp theo hướng chăn nuôi, trồng rừng. Chịu khó, ham làm, chăm việc, Bình vừa làm vừa tích lũy dành dụm hiện trong tay đã có gần 100 ha rừng trồng (vừa ở địa phương và các xã khác), chưa kể diện tích ao hồ chăn nuôi gà cá. Bình quân mỗi ha rừng trồng khoảng 4 năm, trừ chi phí phân, giống, công chăm sóc, Bình lãi từ 70-80 triệu đồng. Chưa kể đến chăn nuôi bò, lợn, cá, mà nguồn lãi từ trồng rừng tạo thế cho Bình trở thành đại gia ở Lộc Hòa, có ô tô, nhà lầu... Sau anh Bình, phải kể đến anh Trần Trọng, sinh 1973 ở thôn 4; hay Hồ Đắc Trí, sinh 1972, ở thôn 6 sở hữu 20-30 ha rừng...
Chia tay với Lộc Hoà trong nắng chiều vàng trên rừng keo, rừng tràm xanh non, chúng tôi còn nhận lời tâm sự từ Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hiểu: “Lộc Hòa có lợi thế cảnh quan Hồ Truồi, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đang được huyện tỉnh điều chỉnh quy hoạch trở thành quần thể du lịch sinh thái. Đó là cơ sở mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục theo hướng, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp để tạo kinh tế xã hội ở Lộc Hòa phát triển bền vững”.
Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Return to top