ClockThứ Năm, 26/05/2011 05:47

Lóc xóc không bằng góc vườn

TTH - Mẹ tôi tuổi đã ngoài 70, sống một mình ở quê, ven đô Huế. Thỉnh thoảng, nhớ con cháu bà khăn gói lên thăm, nhưng chỉ ở được một ngày là đòi về ngay. Mẹ bảo, buổi tối không ai thắp nhang, chong đèn. Nhớ vườn lắm! Tôi vẫn thường về thăm mẹ. Thấy cửa đóng then cài, chạy vội ra vườn, y như rằng bắt gặp dáng mẹ thấp thoáng sau những bóng cây. Vườn nhà tôi tý tẹo, chỉ có dăm bảy gốc chuối, vài loại cây ăn quả, dăm ba thứ rau đậu, thu hoạch chẳng là bao, nhưng với mẹ tôi đó là cả niềm yêu.

Không biết tự bao giờ, tôi thích và nhớ mãi câu “lóc xóc không bằng góc vườn”. Tôi lại cứ nghĩ, góc vườn đây lại chính là vườn Huế mình. Nó là lời cải chính, là sự thanh minh cho giá trị kinh tế của vườn mà dưới con mắt ai đó nó từng bị coi thường. Vào miền Đông Nam bộ hay Tây Nguyên, tôi đã chứng kiến những vườn tiêu, vườn điều hay cà phê bạt ngàn. Vườn cây của miền Tây Nam bộ cũng thật mênh mông. Cây trái được trồng để bán nên nhiều không đếm xuể. Người ta sống nhờ vườn, mưu sự từ vườn, gầy dựng nên cơ nghiệp cũng nhờ cả vào vườn. Nó khác xa lắm với điều mà người đời gửi gắm trong câu “lóc xóc không bằng góc vườn” kia.


Nhà vườn Huế. Ảnh: Internet
Ở Huế, có một loại cây trồng thường sống âm thầm nơi góc vườn, đó là cây vả. Cây vả cho bóng mát, lá vả rất to cỡ bằng cây quạt, một thời thường dùng để người bán hàng ở chợ gói quà bánh, rau, dưa, tôm, cá cho khách. Trái vả góp mặt trong nhiều món ăn như: làm rau sống, ăn ghém, kho, muối chua ngọt… nhưng ngon nhất là món vả trộn. Vả luộc mềm, cạo sạch vỏ, thái mỏng, vắt khô. Tôm bóc vỏ tao với mỡ phi hành, nêm nước mắm, đảo thấm, xong cho vả trộn đều, thêm ít ớt tỏi cho thơm. Muốn ngon, tao thêm cùng thịt ba chỉ, đặc biệt có thêm chút ruốc Huế để lấy mùi thơm và vị thấm đậm. Lại cho thêm mè ran vàng giã nhỏ hoặc để nguyên hạt cùng một ít là ngò, rau răm. Nghe kể thôi cùng đã thấy… thèm. Tôi vẫn nghĩ, cây vả là biểu tượng cho “góc vườn Huế”. Đó là loại cây tươi tốt bốn mùa chẳng mấy mất công chăm sóc nhưng lại phục vụ con người nhiệt tình hơn cả.

Nhà vườn An Lạc Viên-Huế. Ảnh: Internet
Tôi đã làm cuộc khảo sát nhỏ và đã cảm nhận được những thú vị bất ngờ từ những “góc vườn Huế” kia. Nó là kiểu vườn rừng, với đa chủng loại cây trồng, chen chúc để cùng tồn tại một cách hợp lý trong bóng rợp của nhau. Đặc biệt ở đây là sự hiện diện của nhiều giống loài phục cho nhu cầu thường nhật của chủ nhân: thực phẩm, đồ uống, dược liệu… Khách đến nhà chơi, vợ cầm cái rổ nhỏ đi quanh vườn là có ngay nguyên vật liệu chuẩn bị cho bữa ăn ngon đãi khách.
Hôm mới đây Huế tổ chức Festival làng nghề truyền thống 2011 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế”, tôi cứ lấy làm tiếc sao không chọn dăm bảy vườn Huế, như ở Kim Long chẳng hạn, mời khách du lịch ghé thăm và thưởng ngoạn để thêm một lần nữa chiêm nghiệm điều mà họ từng nghe từ trong kho tàng dân gian “lóc xóc không bằng góc vườn”. Góc vườn Huế, không đong đếm được nhiều bằng giá trị của đồng tiền thu nhập, nhưng nó gợi mở và ấn tượng bởi sự phong phú, đa dạng của cây trái. Còn nữa, mùa hè này, sau bữa cơm trưa, mang chiếc võng hay cái giường tre ra phía sau vườn là sẽ có ngay một giấc ngủ tuyệt vời, được quạt bởi ngọn gió nồm mát rượi.
Nhiều người Huế, cũng như tôi, đã bước vào đời mang theo hoài niệm về những góc vườn Huế xưa, lời mẹ dặn “lóc xóc không bằng góc vườn” và rồi, không muốn mất đi một giá trị đẹp. 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top