ClockThứ Bảy, 24/09/2016 13:26

Lời cảnh tỉnh

TTH - Chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng đem tiêu xài hết, Nguyễn Văn Tùng (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy phường Phú Cát, TP Huế) “trả giá” bằng 12 năm tù. Nhưng điều đó cũng không thể “trả” cho những người bị hại số tiền mà họ ki cóp bằng mồ hôi, vay mượn trong nước mắt. “Bài học” đau đớn này không mới, nhưng cũng chưa bao giờ là cũ.

Vụ án có 11 người bị hại. Mỗi bị hại kéo theo rất nhiều người thân trong gia đình  nên hội trường xét xử “chật” những gương mặt méo xẹo, thảng thốt... Những gương mặt thườn thượt âu lo, chẳng biết bao giờ lấy lại được tiền. Có người bật khóc. Các nạn nhân đều than thở, vì tin tưởng bị cáo.

Cuối năm 2010, trong một lần đến ăn nhậu tại quán của anh Nguyễn Gia Bình (mở tại đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Cát, TP. Huế), Tùng nói dối anh Bình mình có lô đất diện tích 200m2 tại đường Trịnh Công Sơn, do UBND TP. Huế cấp với giá ưu đãi là 5,5 triệu đồng/m2, nay muốn chuyển nhượng lại. Anh Bình tưởng thật nên tỏ ý muốn mua. Tùng yêu cầu anh Bình phải đặt cọc trước 50% giá trị lô đất và 50% giá trị còn lại, anh Bình sẽ trả góp cho Nhà nước trong 10 năm, không phải trả lãi; khi nào Nhà nước giao đất và thẻ đỏ cho Tùng, thì Tùng sẽ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thẻ đỏ cho anh Bình. Tin tưởng Tùng, nên anh Bình đã giao cho Tùng số tiền 30 triệu đồng.

Để anh Bình tin tưởng tiếp tục giao tiền, Tùng đã làm giả thông báo của UBND TP. Huế bằng cách tự soạn thảo văn bản có nội dung “…UBND TP. Huế bố trí cho ông Nguyễn Văn Tùng; cán bộ lãnh đạo cơ quan phường… 01 lô đất đôi (trên 200m2), với giá tiền ưu đãi 1m2 = 5.500.000 đồng.”… và “…thông báo với hộ ông Nguyễn Văn Tùng đến Công ty kinh doanh nhà và đất thành phố (HĐĐBGPMB) đặt cọc số tiền 50% là 550.000.000 đồng”…Sau khi soạn xong nội dung văn bản, Tùng in ra, rồi lấy một văn bản của UBND TP. Huế (thông báo cũ về việc tổng vệ sinh và treo cờ Tổ quốc trong dịp lễ do Tùng cất giữ từ trước) cắt lấy phần có khuôn dấu của UBND TP. Huế cùng chữ ký của ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP. Huế đem dán vào phần dưới của thông báo do Tùng tự soạn thảo, mang đi photocopy lại, rồi đưa cho anh Bình. Anh Bình chẳng mảy may nghi ngờ, nên giữa năm 2012 giao tiếp cho Tùng 475 triệu đồng, sau đó giao thêm 50 triệu đồng.

Đến giữa năm 2014, Tùng tiếp tục làm giả thông báo của Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng TP. Huế, với nội dung thông báo nộp thêm tiền để phục vụ cho hệ thống điện, nước… thông báo này Tùng làm giả bằng cách tự soạn thảo toàn bộ nội dung, lấy tên một đơn vị không có trên thực tế (Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng TP. Huế). Tùng tự ký văn bản và ghi chức danh trưởng phòng, tự đặt tên người ký là Nguyễn Minh Tuấn. Con dấu được Tùng sử dụng là con dấu của Hội đồng nhân dân phường nơi Tùng đang công tác (do Tùng giữ), đóng mờ nhoè vào thông báo  rồi đem đi photocopy, đưa cho anh Bình. Lần này, anh Bình lại giao thêm cho Tùng số tiền 40 triệu đồng. Tổng số tiền Tùng đã nhận của anh Nguyễn Gia Bình là 595 triệu đồng. Cũng với chiêu thức lừa đảo như trên, Tùng đã chiếm đoạt của anh Lê Văn Hoàng 210 triệu đồng (sau khi mọi việc bị vỡ lở, Tùng đã bồi thường cho anh Bình 150 triệu đồng). Khi tòa hỏi: “Lô đất bị cáo bán cho các bị hại, trên thực tế có không?” Bị cáo cúi mặt xuống vành móng ngựa đáp: “Dạ không có. Bị cáo dẫn bị hại ra chỗ giải tỏa, rồi chỉ bậy”. Nạn nhân Hoàng và Bình cũng khai, bị cáo có dẫn họ đi xem đất. Nhưng khu đất trống đang giải tỏa, chưa có xây dựng gì, không có dân lui tới. Bị cáo chỉ vạt nọ, vạt kia, bảo đấy là đất của mình. Họ cứ nghĩ Tùng là Phó Bí thư Đảng ủy của một phường, chắc chắn không thể lừa họ. Ai ngờ...

Ngoài ra, có 9 bị hại khác bị Tùng lừa sẽ xin việc làm, chiếm đoạt tổng số hơn 1,4 tỷ đồng. Khi nghe Tùng “nổ”, mình có thể chạy việc vào ngành giáo dục, sở y tế, kho bạc nhà nước, phòng tài nguyên môi trường, sở kế hoạch đầu tư… , các bị hại tin ngay, chẳng chút nghi ngờ. Càng “đau” hơn khi nhiều người trong số họ phải đi vay mượn để đưa cho Tùng. Người ít thì 80 triệu đồng, người nhiều 150-200 triệu đồng. Một phụ nữ kể, bà đi bán vé số, tằn tiện ki cóp, vay mượn khắp nơi mới kiếm đủ 120 triệu đồng nhờ bị cáo chạy việc cho đứa con. Nhưng việc không có, tiền bị mất.

Tòa tuyên phạt Tùng 12 năm tù, nhưng nỗi lo lắng của những người bị hại không vì thế mà giảm đi, bởi không biết đến bao giờ họ mới lấy lại được tiền mồ hôi nước mắt. Vụ án này một lần nữa là lời cảnh tỉnh “đắt giá” cho bất kỳ ai, phải cẩn trọng trong thực hiện các giao dịch dân sự.

Duy Trí – Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lãnh án 12 năm tù vì lừa đảo chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng

Ngày 2/11, Tòa án Nhân dân tỉnh tiến hành tuyên án vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Hồ Thị Phương Lan (SN 1978, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông), nguyên là giáo viên Trường THCS dân tộc nội trú Nam Đông.

Lãnh án 12 năm tù vì lừa đảo chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng
Án phạt nặng cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền

Ngày 23/6, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với Lê Thanh Phụng (SN 2003) và Hồ Xuân Quốc Việt (SN 1997, cùng trú tại phường 3, TX. Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Án phạt nặng cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền
Return to top