ClockChủ Nhật, 08/07/2018 07:58

Lợi cho lâu dài

TTH - Nếu di dời dân cư và được đầu tư tôn tạo, khai thác thì Kinh thành Huế sẽ không thua kém bất kỳ một kỳ quan nào trên thế giới...

Hạt cát An Bang về đàn Xã Tắc…Lễ tế đàn Xã Tắc : Khát vọng hòa hợp giữa con người với thiên nhiên

Tây thành thủy quan. Ảnh: Diên Thống

Cách đây hơn chục năm, khi đi làm một phóng sự về giải tỏa các hộ dân sống đeo bám di tích, tôi đã có dịp chuyện trò với nhiều người là cư dân Thượng Thành. Ai cũng tỏ ra ngán ngẩm với cảnh "thắc tha thắc thỏm" từng ngày và mong chờ chính thức có giải pháp để họ sớm ổn định cuộc sống. Chuyện giải tỏa, di dời các hộ dân đeo bám Thượng Thành, eo Bầu thực ra đã nghe rậm rịch từ cả trước lúc tôi thâm nhập thực tế lấy tư liệu làm phóng sự, vậy nhưng mãi cho đến bây giờ  vẫn mới chỉ có một phần ở mặt nam Kinh thành được giải tỏa, phần còn lại vẫn đang tiếp tục ở trong thì "thắc tha thắc thỏm" chưa biết đến bao giờ...

Dịp 21/6 vừa rồi, gặp mặt nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (BTDTCĐ)- ông Phan Thanh Hải- cho hay, đang tích cực xúc tiến để làm đề án giải tỏa dân đeo bám Thượng Thành. Thông tin khiến anh em báo chí phấn chấn. Bởi lẽ, không phải đến bây giờ ông Hải nói người ta mới mường tượng về một tuor du lịch Thượng Thành, mà nó đã từng được ước mơ, được đợi chờ, được "vẽ" nên trên mặt báo từ lâu rồi.

Được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX theo kiểu Vauban, Kinh thành Huế có hệ thống thành lũy khép kín dài gần 11 cây số, dày 21m, cao 6,6m với 10 cổng vào ra, 2 cửa thủy đạo ở phía Đông và phía Tây (Đông thành thủy quan và Tây thành thủy quan), lại còn gắn với hệ thống sông Ngự Hà, sông hộ thành, hào hộ thành liên thông với nhau vừa đóng vai trò giao thông thủy, thoát nước, điều hòa khí hậu, vừa giúp phòng hộ vững chắc cho Kinh thành. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhận xét Kinh thành Huế là công trình kiến trúc kiểu Vauban vĩ đại nhất trên thế giới! Lịch sử hình thành và giá trị kiến trúc tự thân đủ để khiến Kinh thành Huế là điểm du lịch số 1 của vùng đất Hương Ngự, vậy nhưng, như đã nói, do chưa giải tỏa được dân cư nên viên ngọc vô giá này của di sản, của du lịch Huế vẫn đành phải chấp nhận "ngủ yên".  Ông Phan Thanh Hải nhận định, nếu sau khi di dời dân cư và được đầu tư tôn tạo, khai thác thì Kinh thành Huế sẽ không thua kém bất kỳ một kỳ quan nào trên thế giới cả về cảnh quan lẫn sức hấp dẫn. Thông tin từ Trung tâm BTDTCĐ, hiện ở khu vực Kinh thành Huế đang có chừng 3.500 hộ với hơn 25.000 nhân khẩu cần giải tỏa.

Cửa Chính Bắc (cửa Hậu) được trùng tu và tái khai thông sau nhiều thập kỷ bị phong tỏa

Giải tỏa để tôn tạo, khai thác là điều chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, Trung tâm BTDTCĐ xác định: Giải tỏa đền bù, tái định cư xưa nay vốn không dễ và rất tốn kém. Giải tỏa dân trong vùng di tích lại càng khó khăn bội phần. "Ở nơi khác, sau giải tỏa người ta sẽ có đất sạch để làm dự án hoặc đấu giá nên có nguồn bù lại, còn ở vùng di tích Huế, giải tỏa xong không những... không bán được, lại còn phải đổ thêm rất nhiều tiền nữa để trùng tu, tôn tạo..." , ông Phan Thanh Hải chia sẻ với báo chí như một lời tâm sự.

Điều mà ông Hải tâm sự là "thực tế... nghiệt ngã" có thật và rất dễ đồng cảm. Tuy thế, nếu ngẫm kỹ một chút thì chưa hẳn đã là như vậy. Giải tỏa dân bao giờ cũng tốn kém và phức tạp. Đất đai, nhà cửa mà, không tốn kém sao được? Đụng đến cuộc sống của từng con người, từng hộ gia đình, của cộng đồng dân cư, không phức tạp sao được? Nhưng giải tỏa xong không "bán" được, lại còn tốn thêm tiền đầu tư tôn tạo, theo tôi là không việc gì phải ngại. Bởi sau giải tỏa, sau đầu tư tôn tạo thì giá trị của di tích, di sản văn hóa Huế, cảnh quan đô thị Huế sẽ "giàu có" thêm lên bội phần. Huế có thêm một điểm đến đầy mời gọi để hút và giữ chân du khách. Doanh thu cho di tích, cho du lịch cũng sẽ theo đó mà tăng lên. "Lỗ" đi đâu mà lo. Thông tin được tiết lộ, chỉ tiêu thu ngân sách được giao cho khu di sản Huế năm 2018 là 320 tỷ đồng hy vọng sẽ vượt, và theo tính toán từ Trung tâm BTDTCĐ, tổng doanh thu trong 10 năm tới từ khu di sản Huế sẽ đạt con số 4.500-5.000 tỷ đồng. Nếu Kinh thành Huế giải tỏa xong, các sản phẩm du lịch gắn với Kinh thành được sớm xây dựng và khai thác, không chừng con số trên sẽ không chỉ dừng ở ngang đó. Ấy chính là cái lợi lâu dài và bền vững kể cả về mặt vật chất lẫn tinh thần không chỉ cho riêng Huế. Vấn đề là sau khi có đề án và được phê duyệt, các cơ quan, ban ngành hữu quan có chung tay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hay không. Nói điều này là bởi vừa nghe tin một dự án rất "gần gũi" khác: Dự án "Di dời giải tỏa các hộ dân tại 1 Lê Trực, 2 Đoàn Thị Điểm, 15A Đinh Tiên Hoàng" dù tiền đã sẵn sàng (22 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa tiến hành được do còn "vướng" nơi này chỗ nọ. Phía Trung tâm BTDTCĐ đang lo không biết trong năm 2018 này có giải ngân được không.

Cần lắm một sự nóng lòng, thao thức với di sản, với sự phát triển của Huế...

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top