ClockThứ Năm, 28/02/2013 06:00

Lợi thế sân nhà

TTH - Câu chuyện đầu năm với ông Lự, người được mệnh danh là “đại gia” trồng hoa ở Phú Mậu (Phú Vang), khách chủ là chốn quen biết cũ nên chân tình, vui vẻ và cởi mở. Đề tài về hoa, đặc biệt là chuyện hoa Tết, nói mãi không dứt. Vào đoạn cao trào, ông Lự còn dẫn cả bọn đi vòng vèo, lui tới quanh vườn, say mê kể lại đặc tính của từng loài hoa, những kỷ niệm, công khó chăm sóc, rồi cả sự lời lỗ khi vướng bận vào nghiệp hoa lá này.

Khi đã thâm tình, xem chừng không còn e ngại, ông Lự bộc bạch: “Trồng hoa cũng phải biết “lấy ngắn nuôi dài” à nghe, và cũng phải biết tận dụng lợi thế sân nhà”. Chỉ tay về mấy luống hoa cúc đã thu hoạch nhiều đợt, còn lại thưa thớt, ông Lự bảo: “Loại này là ngắn. Giá cả bình dân nhưng dễ trồng, lại có thị trường rộng rãi, không phải lo lắng gì nhiều bởi cứ ngày rằm hay mồng một nhà nào cũng có lễ cúng và không thể thiếu hoa. Không thể có được thu nhập cao nhưng sinh hoạt hằng ngày của gia đình dựa vào đó và giúp tôi yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào các dự án thử nghiệm các loại hoa cao cấp như trồng lan mokara hay hoa ly”.

Còn thế nào là tận dụng lợi thế sân nhà, ông Lự tủm tỉm cười: “Huế mình cũng nổi tiếng về trồng hoa nhưng không ăn thua so với Đà Lạt. Thua về chất lượng, số lượng cung ứng, chủng loại và tất nhiên lại càng khó tính về chuyện giá cả. Vậy nhưng nếu cạnh tranh ngay tại thị trường địa phương, chú ý tìm tòi sẽ thấy ngay nhiều lợi thế để có thể thắng lớn”. Một cách làm đơn giản mà ông Lự đang áp dụng và xem chừng hiệu quả là việc trồng hoa ly trong chậu. Hoa ly là một trong những loại hoa có giá trị kinh tế cao, màu sắc đẹp, hoa thơm, lâu tàn, được nhiều người ưa thích, dám bỏ ra cả mấy trăm nghìn để có được một bình hoa. Với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, hoa ly Đà Lạt ở một đẳng cấp hơn hẳn những địa phương khác. Công nghệ bảo quản và vận chuyển ngày càng hiện đại và nhanh chóng thì khả năng khống chế thị trường của hoa Đà Lạt lại càng lớn. 

Đưa ra thị trường loại hoa ly trồng chậu, ông Lự cùng nhiều người trồng hoa khác ở Huế đã tính đến hai lợi thế. Một là, đáp ứng thị hiếu của người của người chơi, muốn giữ hoa lâu tàn và dễ dàng trong việc trưng bày. Hai là, đối thủ mạnh Đà Lạt không thể cạnh tranh, đơn giản là khó có thể vận chuyển được an toàn và với số lượng lớn chậu hoa có khoảng cách hàng mấy trăm cây số. Tính ra, với hoa ly trong chậu, ông Lự đã thu lợi gấp hai ba lần so với cách bán hoa ly nhánh. Bằng cách này, ông Lự sẽ tiêu thụ trong năm tới 500 gốc lan mokara mà ông đang trồng thử nghiệm với nguồn đầu tư ban đầu lên tới 70 triệu đồng.

Chuyện của ông Lự và những người trồng hoa ở Huế đặt ra nhiều điều suy ngẫm. Lâu nay, trong làm ăn kinh tế, cứ nghe nhiều ca cẩm về những khó khăn, bất lợi. Thật ra, bất kỳ công việc kinh doanh nào, ở đâu và lúc nào cũng bao hàm tính hai mặt. Vấn đề là phải biết nhận rõ những ưu thế, dù rất nhỏ và đôi khi không thực sự rõ ràng. “Mưu sự tại nhân”, biết cách tận dụng cơ hội và lợi thế thì chuyện “thành sự” sẽ không phập phồng may rủi theo kiểu “tại thiên” mà nằm ngay trong tính toán của mỗi người. Nói như ông Lự, khó chọi bằng “cành” với Đà Lạt thì ta bán hoa nguyên chậu. Thị trường hoa càng thêm đa dạng và mới nghe, đã thấy cái lợi đã nắm chắc trong tay đối với những ai dám chơi.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top