ClockThứ Ba, 05/03/2019 06:30

Lỏng lẻo trong quản lý bán thuốc lẻ

TTH - Theo quy định của Bộ Y tế, có những loại thuốc khi bán cần phải có chỉ định hoặc đơn thuốc của bác sĩ. Thế nhưng, hiện nay hễ ốm đau là ra tiệm mua thuốc gì cũng có. Đây là thực trạng gây hậu quả khó lường.

Nỗi lo bán thuốc không đơn

Khách cần thuốc gì cũng có (Ảnh mang tính minh họa)

Dược sĩ kiêm bác sĩ

Tình trạng chung hiện nay rất dễ nhận thấy là việc mua bán thuốc chủ yếu dựa theo cảm quan và nhu cầu của người mua. Thông thường, khi bị những bệnh lặt vặt, như cảm sốt, nhức đầu, ngay cả những bệnh kinh niên, như khớp, tim mạch… nhiều người bệnh tìm đến các hiệu thuốc để được tư vấn, thậm chí khám, chữa bệnh thay cho bác sĩ. Chỉ cần qua các triệu chứng người bệnh kể, người bán thuốc dựa vào đó để chẩn đoán bệnh rồi tự ý bán thuốc.

Anh L., chủ hiệu tạp hóa đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế chia sẻ, hễ ốm đau anh thường đến người bạn làm nghề dược sĩ, hiện chủ quầy thuốc tây đường Chi Lăng để mua thuốc. Anh L. còn khẳng định, người bạn là dược sĩ giỏi, hầu hết khách đến chỉ cần nói triệu chứng là anh kê đơn cho thuốc vài ngày sau là khỏi, ngoại trừ những bệnh cần phẫu thuật, mổ xẻ.

 "Sở mục thị" một số quầy thuốc trên địa bàn TP. Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà đều gặp hầu hết người đến mua thuốc không có đơn chỉ định của bác sĩ. Ngay cả những loại thuốc kháng sinh, như penicillin, cephalexin, amoxicillin… được bán một cách thoải mái mà không thắc mắc gì thêm. Một câu hỏi rất quen của người bán khi khách bước vào: "anh chị đau gì?"; "cần uống mấy ngày?"... rồi đưa thuốc tận tay.

Mới đây, người em họ tôi vào một quầy thuốc tây ở đường Nguyễn Huệ, sau khi nói với nhân viên bán thuốc các triệu chứng của bệnh hen phế quản, buổi sáng thường mệt, ho ra máu thì nhận được câu hỏi: “Đã đi khám bác sĩ chưa?”. Khi trả lời bệnh có từ lâu và đọc tên một số thuốc thường dùng, cô nhân viên hỏi: "Cần uống mấy ngày?".

Một bác sĩ chuyên khoa tại BV Trung ương Huế cho biết, nếu muốn dùng thuốc kháng sinh thì phải có kháng sinh đồ, hoặc có chỉ định cụ thể của bác sĩ mới có thể bán thuốc. Tuy nhiên, những quầy thuốc tư nhân hiện nay vẫn chưa quen với điều này. Đó cũng xuất phát từ nhu cầu của chính người mua thuốc. Họ chưa hiểu về việc uống thuốc thế nào cho đúng mà chỉ cần khỏi bệnh là được.

Khó lường hậu quả

Trao đổi với bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Bệnh viện thị xã Hương Thủy về vấn đề quản lý thuốc lẻ. Bác sĩ Vỹ nói, việc dùng thuốc kháng sinh tràn lan như lâu nay tiềm ẩn mối nguy hiểm. Khi dùng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ thì nguy cơ kháng thuốc rất cao. Khi vi trùng kháng thuốc đến mức độ không còn thuốc nào có thể chữa được nữa thì rất nguy hiểm. Điều này là do thói quen dùng thuốc cũng như bán thuốc không có đơn của bác sĩ. Với một người mắc bệnh cảm cúm chỉ cần uống thuốc đúng liều đúng số ngày là khỏi, nhưng vì mỗi lúc dùng một loại kháng sinh khác nhau nên kháng thuốc, dẫn đến có thể rất nhiều ngày vẫn chưa khỏi.

Hiện nay, có rất nhiều trẻ em đến bệnh viện với các triệu chứng bệnh nhẹ, phổ biến nhưng lại khó điều trị, lâu lành. Đây là do việc tự ý cho con em uống kháng sinh mà không theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến việc kháng thuốc. Thuốc kháng sinh nếu không dùng đủ liều lượng thì dễ dẫn đến việc kháng thuốc. Liệu trình đầy đủ của nó là 5-7 ngày mà người ta dùng được 2- 3 ngày thấy bớt bệnh thì ngưng dùng thuốc. Đây là một thói quen rất phổ biến của các bậc phụ huynh. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm, rất khó chữa bệnh vì trẻ sẽ kháng với tất cả loại thuốc khác. Bác sĩ Vỹ đề xuất: "Việc cho thuốc theo nhu cầu của người mua cũng cần sớm được chấn chỉnh".

Cần biện pháp can thiệp

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân của việc bán thuốc không có đơn của bác sĩ không còn là chuyện mới. Một phần trong nguyên nhân này là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hại trong việc tự ý dùng thuốc. Đồng thời, chủ các cơ sở bán lẻ muốn tối đa doanh thu, không tư vấn đầy đủ cho người mua thuốc. Các chế tài xử phạt vi phạm trong việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc kê đơn hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh thuốc. Tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê quá nhiều thuốc cho một đơn thuốc hay ghi nội dung hướng dẫn trong đơn thuốc sử dụng cho bệnh nhân vẫn còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng… vẫn đang diễn ra.

Để chấn chỉnh tình trạng này, lâu nay Sở Y tế đã có kế hoạch triển khai đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn tại các cơ sở bán thuốc là 100%. Các cơ sở khi bán thuốc kháng sinh bắt buộc phải lưu đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. Hiện nay, Bộ Y tế thí điểm mô hình quản lý việc bán thuốc qua phần mềm quản lý thuốc kê đơn hay quản lý hoạt động kinh doanh thuốc. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch, kết nối theo đề án xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử hình thành những phần mềm ứng dụng.

"Nếu việc quản lý bán thuốc bằng công nghệ thì sẽ rất thuận tiện cho việc thanh, kiểm tra. Thay vì phải đi đến từng quầy, từng nhà thuốc để kiểm tra từng cuốn sổ nhật ký của họ thì có thể quản lý trên hệ thống. Qua đó kiểm soát được việc cơ sở bán ra loại thuốc gì, bao nhiêu, có đơn hay không… Như vậy, việc bán thuốc không kê đơn, lạm dụng kháng sinh như hiện nay sẽ được hạn chế”. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế nói.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Nắm chắc tình hình, siết chặt quản lý

Siết chặt quản lý, tăng kiểm tra, giám sát (KTGS); chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên (TCĐ, ĐV)… là những mục tiêu đặt ra của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và Thành ủy Huế năm 2024.

Nắm chắc tình hình, siết chặt quản lý
Xây dựng hệ thống quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Chiều 28/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế" do Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh chủ trì thực hiện.

Xây dựng hệ thống quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top