ClockChủ Nhật, 13/04/2014 05:49

Lòng nghệ nhân chưa yên

TTH - Chưa bao giờ ca Huế phát triển, thịnh hành như hiện nay, chí ít là về số lượng, khi con số diễn viên, nhạc công theo nghề lên đến con số 400. Đông đảo là thế nhưng nói về ca Huế hôm nay, lớp nghệ nhân tiền bối lại lo nhiều hơn mừng.

Giọng còn đầy nhưng gần chục năm nay, Nghệ nhân Thanh Tâm không còn tham gia biểu diễn ca Huế trên sông Hương dù kinh tế của một nghệ nhân ca Huế tự do như bà hiện khá chật vật. Hỏi vì sao? Nghệ nhân chạnh buồn cho hay, đã có tuổi nên cảm thấy không còn phù hợp, cảm thấy lạc lõng khi những đêm ca Huế trên sông Hương bấy nay dường như chỉ chuộng cái trẻ, cái đẹp chứ không chuộng cái giọng.

Chưa yên lòng là tâm trạng chung của hầu hết nghệ nhân ca Huế lão thành, khi cho rằng, dù đông đảo nhưng giữa hàng trăm diễn viên, nhạc công hôm nay, những người đến với ca Huế bằng đam mê, yêu thích xem ra không còn mấy ai. Thay vì chọn do yêu, giới trẻ hình như đang đến với ca Huế một cách thực dụng hơn: Xem ca Huế như “cái cần câu cơm”.

Để khuây khỏa, để đỡ nhớ nghề, để có thêm một chút thu nhập, một số nghệ nhân ca Huế đang đảm trách công việc giảng dạy ca Huế cho sinh viên, học sinh. Họ muốn truyền cho lớp trẻ những ngón nghề truyền khẩu từ trong máu thịt. Thế nhưng không ít tiết học, thầy gọi trò đến năm lần, bảy lượt, trò vẫn không đến, đôi khi lý do chỉ vì bỏ học để chạy sô, để kiếm một suất diễn dù nghề chưa chín.

Nghe nghệ nhân Thanh Tâm ca, cứ tưởng cái giọng vàng ấy là trời phú. Nhưng bà lắc đầu bảo, đó là chất giọng mà cả đời bà đã học, từ những nghệ nhân bậc thầy đi trước, rồi rèn giũa, tự tìm cho riêng mình một lối nhả hơi, nhả chữ. Để biết, muốn có một nghệ tinh đã khó, với ca Huế lại càng không thể dễ dãi.

Ít ai biết, ca Huế nguyên thủy có những nguyên tắc rất khắt khe, tạo nên cái trân quí, mực thước của một loại hình âm nhạc đạt đến trình độ bác học. Năm nguyên tắc đó là: Khi hoàng hôn chập choạng; khi mưa, gió; khi y phục không chỉnh tề; khi chiếu không thẳng thớm; khi người không nghe thì không ca. Những nguyên tắc mà ngày nay đa phần bị phá bỏ. Cũng có nghĩa là cái gốc của ca Huế đã thực sự mai một.

Trước cái vội, cái rẻ, cái xô bồ của ca Huế ngày nay, nghệ nhân Kim Vàng cho rằng, với chiều hướng hiện nay thì không thể trông chờ vào nhà nước. Để giữ được ca Huế gốc, theo bà, may chăng là còn có thể trong các gia đình ca Huế, hiện đếm chưa đủ trên đầu hai bàn tay. Hy vọng bởi ít nhất, trong những gia đình mấy thế hệ ca Huế ấy, tình yêu nghệ thuật còn được dẫn dắt, lưu truyền. Thế nhưng, liệu sẽ truyền được bao nhiêu đời? Dù là đại thụ trong một đại gia đình có đến 4 thế hệ tiếp nối truyền thống ca Huế nhưng nghệ nhân Kim Vàng vẫn không thể có câu trả lời. 

Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top