ClockThứ Sáu, 21/07/2017 13:26

Lớp học sáng tạo

TTH - Trong không gian nhỏ gọn, ngăn nắp mang tên “Xưởng tỉ mẩn, lọ mọ” - Trung tâm Giá trị sống Delta, các em nhỏ từ 5 đến 10 tuổi của lớp “Ong thợ tỉ mẩn” chăm chú cắt cắt dán dán, biến tấu vỏ chai bỏ đi thành lọ cắm bútđẹp mắt.

Cô giáo hướng dẫn các em nhỏ cách thức tái chế vỏ chai thành lọ cắm bút

Lớp “Ong thợ tỉ mẩn” là sáng kiến của cô giáo Cát Tiên. Tiết học đầu tiên được mở cách đây gần 2 năm. Các em nhỏ tới đây để vui với tranh vẽ, với các gia vị nấu ăn hay những vật liệu tái chế. Trên những kiến thức nền tảng được cô giáo truyền thụ, các em thỏa sức sáng tạo. Đó là quá trình quan sát, ghi nhớ hiện tượng, sự vật xung quanh, cũng là quá trình mô phỏng giúp nhận thức của các em phát triển đa chiều, thể hiện và phát triển cảm xúc của bản thân. “Nếu như học với tâm thế “quán tính người lớn”, mọi việc đều làm theo một trật tự, khuôn khổ thì lớp học đã không thể thu hút được con tôi. Ngược lại ở đây, con được hướng đến các kỹ năng tư duy sáng tạo, những vật dụng con làm ra có phần lộn xộn nhưng lại mới mẻ một cách đáng yêu”, phụ huynh Bùi Thị Na (phường Phú Hội, TP. Huế) cho hay.

Mỗi tuần học, tùy theo chủ đề, lớp có những cái tên ngộ nghĩnh khác nhau. Ở “Góc bếp thơm bơ”, các em cùng nhau làm bánh pizza, thạch đông sương, kem plan, bánh su kem. Các em được cô giáo hướng dẫn lấy màu sắc từ thiên nhiên để tạo màu món ăn, như cà rốt cho màu cam, củ dền cho màu đỏ, lá dứa cho màu xanh lá, bí đỏ ra màu vàng... vừa có tính sáng tạo, vừa hướng các em sử dụng những thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Trong tất cả các món ăn, các em được chọn nguyên liệu kết hợp tùy theo sở thích của mình. Với “Dấu tay kì diệu”, từ những loại hạt như gạo nếp, đậu xanh, đậu đỏ, mè đen... các em vẽ nên những bức tranh sinh động, nhiều màu sắc và mang cá tính riêng. Chẳng hạn cùng được cô hướng dẫn vẽ một bông hoa nhưng chẳng có bức tranh nào giống bức nào. Có em dùng nhiều loại hạt với những màu sắc bắt mắt phối lại, có em lại đơn thuần dùng những loại hạt có cùng một gam màu. Ở lớp “Thí nghiệm vui”, các em làm quen với cầu vồng được tạo nên từ hiệu ứng ánh sáng hay cách phân biệt trọng lượng riêng...

Cô Cát Tiên, Giáo viên lớp “Ong thợ tỉ mẩn” chia sẻ: “Cốt lõi của các chương trình học là muốn trẻ tập trung, học cách kiên nhẫn, mang đến cho trẻ những phút giây thăng hoa của trí tưởng tượng và sáng tạo”. Tuần qua, 20 em được học lớp tái chế, sử dụng vỏ chai cũ làm lọ đựng bút. Trong không gian tràn ngập màu sắc, các em như những chú ong thợ chăm chỉ ngồi quây lại vòng tròn lọ mọ với những chai nước đã qua sử dụng, băng dính, dây dừa, những tấm ảnh nhân vật hoạt hình. Em Nguyễn Quỳnh Thi (lớp 5, Trường tiểu học Dạ Lê) chia sẻ: “Chai nhựa là thứ khó phân hủy nên nếu vứt đi sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Chúng em có thể cắt chai nhựa ra làm hai phần, nửa trên dùng để trồng cây hoặc làm vòi tưới hoa, nửa dưới trang trí đẹp để làm lọ cắm bút, cắm hoa tùy thích”.

Ngoài việc học và sáng tạo, các em còn được rèn luyện sự tự lập, hòa đồng và sẻ chia với bạn bè. Em trai 4 tuổi tên thân mật là Win ngoài cửa lớp mắt rơm rớm nước, níu chặt tay mẹ không chịu buông. Nhờ sự dỗ dành khéo léo của cô giáo, Win được “phong” làm tàu trưởng, hào hứng dẫn đoàn tàu nhí vào lớp học. Trong suốt buổi học hôm đó, sự rụt rè, khó gần ban đầu hoàn toàn biến mất, Win trở nên vui tươi, hoạt bát.

Trong lớp, có gương mặt căng thẳng vì vấp phải công đoạn khó nhưng rồi lập tức giãn ra, hé nở nụ cười trên môi khi đã giải quyết xong vấn đề; có cô bé xinh xắn luôn miệng kêu “khó quá” và ném đồ đạc về phía khác, cô giáo kiên nhẫn chỉ dẫn cách làm; lại có nhiều em khéo léo, đôi tay nhỏ nhắn thoăn thoắt làm tốt từng công đoạn, chốc chốc còn nghiêng đầu qua bày cho bạn bên cạnh.

Mỗi em một tính cách, mỗi em một sở trường và giáo viên chấp nhận sự khác biệt đó. Chẳng ai nghĩ, những vòng dây quấn lộn xộn quanh vỏ chai nhựa lại đáng yêu một cách bất ngờ. Cũng chẳng thể đoán trước có em tỉ mẩn ngồi xếp sao đựng vào lọ trang trí của mình. Kết thúc buổi học, các em đem những lọ đựng bút ngộ nghĩnh, xinh xắn do chính tay các mình làm về để trang trí bàn học hoặc tặng bạn bè. “Dù là người hướng dẫn nhưng đôi khi tôi thấy chính các em mới là người dạy cho mình. Trí tuệ trẻ thơ luôn có những sáng tạo bất ngờ”, cô Cát Tiên nhận xét.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Nghệ thuật Gỗ Óc Chó Việt Á Đông: Khi Sáng Tạo Gặp Chất Lượng

Những năm trở về đây, gỗ óc chó trở thành tâm điểm trong lĩnh vực nội thất và tạo được sức hút đặc biệt khi xuất hiện trong nhiều công trình dự án đẳng cấp. Gỗ óc chó không chỉ đẹp về mặt màu sắc và vân gỗ, mà còn là biểu tượng của sự cao quý và tinh hoa của văn hóa Á Đông.

Nghệ thuật Gỗ Óc Chó Việt Á Đông Khi Sáng Tạo Gặp Chất Lượng
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Return to top