ClockThứ Hai, 09/07/2018 05:15

Lúa hè thu đối diện khô hạn

TTH - Nắng hạn đang diễn ra gay gắt, nếu tiếp tục kéo dài trong khoảng 10 ngày tới thì hàng ngàn ha lúa ở huyện miền núi A Lưới và một số địa phương có nguy cơ thiếu nước.

Nhọc nhằn khuyến nông vùng caoKhó đẩy nhanh tiến độ

Một số hồ thủy lợi trơ đáy

“Chỉ mới một tuần trước ruộng vẫn còn nước, vợ chồng tui tiếp tục nạo vét kênh mương, gia cố đê bao đưa nước vào đồng ruộng. Nhưng do nắng hạn gay gắt, kéo dài nên vài ngày gần đây đồng ruộng gần như khô cạn, khó đảm bảo sinh trưởng”, chị Cao Thị Tâm (thôn Trạch Phổ, Phong Điền) than thở trước 4 sào ruộng bị khô hạn nghiêm trọng.

Cán bộ, công nhân Công ty Thủy lợi tỉnh triển khai các biện pháp chống hạn

Nắng nóng liên tục kéo dài khiến hơn 10 ha lúa của HTX Trạch Phổ bị khô hạn. Nếu vài ngày tới không có mưa lớn thì diện tích lúa bị khô hạn tại HTX này và nhiều vùng lân cận có nguy cơ tăng cao dù mấy ngày nay, Công ty TNHH NN 1 TV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với HTX tiến hành lắp đặt ống nối từ hồ Môi (trong hệ thống liên hồ Mỹ Xuyên) để đưa nước chống hạn khẩn cấp cho đồng ruộng HTX Trạch Phổ và các vùng hạ lưu hồ Môi.

Tại huyện miền núi A Lưới, tình trạng nắng hạn càng đáng lo ngại hơn. Hầu hết các khe suối, mực nước các hồ chứa trên địa bàn huyện hiện nay đều xuống mức rất thấp. Một số hồ có dấu hiệu trơ đáy, bị xuống cấp không có khả năng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Nếu trong 10 ngày tới không có mưa lớn thì gần như toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn huyện A Lưới, với khoảng 800 ha có nguy cơ khô hạn.

Theo Phòng NN&PTNT A Lưới, trước mắt, Công ty Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương, ban ngành của huyện tổ chức hướng dẫn người dân nạo vét kênh mương, ao hồ thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới. Các địa phương triển khai lắp đặt bơm dầu để đưa nước vào đồng ruộng. Biện pháp tối ưu hiện nay là yêu cầu người dân hạn chế tối đa sử dụng nguồn nước lãng phí để đảm bảo phục vụ tưới lúa khi khô hạn diễn ra gay gắt.

Ngoài các địa phương trên, nhiều diện tích lúa tại một số địa phương Tây-Nam Hương Trà và huyện Phong Điền, Khu 3 Phú Lộc… đang đối mặt với tình trạng nắng hạn gay gắt, có nguy cơ thiếu nước rất cao. Đáng chú ý là vùng Khu 3 Phú Lộc lâu nay không chủ động nguồn nước do chưa có các công trình hồ thủy lợi, trạm bơm, chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa là chính. Dự báo nắng hạn kéo dài trong vòng một tuần thì tại vùng Khu 3 có khoảng 500 ha bị khô hạn, nguy cơ mất năng suất rất cao.

Ngăn mặn, giữ ngọt

Không chỉ khô hạn, tình trạng nhiễm mặn có nhiều khả năng xảy ra tại một số địa phương do mực nước trên các sông thường bị giảm xuống ở mức thấp. Nhiều địa phương ven biển, đầm phá thuộc các huyện: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Trà... thiếu nước ngọt gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đối với người dân do bị nhiễm mặn. Đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long ở cuối sông Hương đã giải quyết tình trạng nhiễm mặn trên dòng sông lớn này; còn lại các sông khác thường đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm nhập mặn.

Người dân Trạch Phổ tham gia đấu nối ống bơm đưa nước vào ruộng

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh cho rằng, nếu để xảy ra tình trạng thiếu nước trong đồng ruộng thì lúa chậm phát triển và thời vụ sẽ kéo dài, không thể thu hoạch kịp thời trước mùa mưa lũ. Ngoài các biện pháp tăng cường chăm sóc, bón phân hợp lý, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung lo nước tưới nhằm đảm bảo lúa sinh trưởng tốt.

Theo ông Khánh, khi xảy ra tình trạng nắng hạn gay gắt sẽ đóng tất cả các cửa trên đập Thảo Long nhằm ngăn mặn giữ ngọt trên sông Hương. Công ty phối hợp với các địa phương tập trung tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh; sửa chữa và vận hành tất cả các trạm bơm điện và gắn các ống bơm nhằm chủ động, kịp thời đưa nước từ các sông, hồ chứa vào tưới. Công ty phối hợp với ngành điện có biện pháp ưu tiên cung cấp điện kịp thời phòng chống hạn cho lúa; phối hợp với thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền, điều tiết nước trên các tuyến đê ven phá nhằm đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt trên các sông.

Trong các cuộc họp bàn về sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với ban quản lý các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, các ban ngành liên quan có biện pháp tích nước, xả nước hợp lý nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu mực nước trên các sông xuống thấp, các nhà máy thuỷ điện cần kịp thời tổ chức xả nước để cùng với Công ty Thủy lợi đảm bảo nguồn tưới cho sản xuất vụ hè thu.

Thời điểm này, mực nước tại các hồ chứa lớn vẫn đảm bảo cao trình thiết kế, song sẽ có nguy cơ giảm trong những ngày đến do vận hành điều tiết để tưới lúa. Mực nước trên các sông Bồ, sông Hương, sông Truồi, sông Đại Giang, sông Như Ý có chiều hướng giảm nhanh do nắng hạn.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
Lúa đã xanh trên những triền đồi

Hạt thóc gieo xuống sườn đồi đã không còn lặng im chờ nắng gió để lên xanh. Những miệng ăn trong nhà không còn trông ngóng vào những gùi củi, gùi măng hái trên rừng về lúc chiều muộn. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới giờ đã biết làm ăn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, dần dần thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn ngày cũ. Đồng hành cùng với bà con dân bản tạo nên đổi thay ấy, có sự tận tâm tận lực của những người lính nơi biên cương.

Lúa đã xanh trên những triền đồi
Sẵn sàng phương án chống úng lúa đông xuân

Dự báo ngày 9/2 (30 tháng Chạp, Âm lịch), bộ phận không khí lạnh (KKL) sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế; vùng biển ngoài khơi của tỉnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Sẵn sàng phương án chống úng lúa đông xuân
Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó

Trên lý thuyết thì trồng lúa hữu cơ (LHC) nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì muôn vàn khó khăn.

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó
Cơ cấu giống ngắn ngày và gieo cấy lúa kịp thời vụ

Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, đồng ruộng bị ngập kéo dài, ngành nông nghiệp cùng các địa phương phải tính toán, cơ cấu giống lúa phù hợp nhằm đảm bảo gieo cấy kịp thời vụ, thu hoạch kịp thời vụ.

Cơ cấu giống ngắn ngày và gieo cấy lúa kịp thời vụ
Return to top