ClockThứ Năm, 23/11/2017 09:31

Lúa Ra dư xuống ruộng

TTH - Việc thử nghiệm thành công đưa giống lúa Ra dư từ trồng sườn đồi xuống trồng ruộng nước tại xã A Roàng (huyện A Lưới) đang mở ra một hướng phát triển mới cho loại gạo đặc sản của địa phương.

 Cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng lúa Ra dư trồng trên ruộng nước

Bà Hồ Thị Thắng, Phó Trưởng trạm Khuyến nông - lâm – ngư huyện A Lưới thông tin, gạo Ra dư là đặc sản của đồng bào vùng cao A Lưới, thơm ngon, giá trị kinh tế cao, giá từ 70 – 100 nghìn đồng/ kg, nhưng sản lượng có hạn, thường khan hiếm. Bởi, Đây là giống lúa có chu kỳ sinh trưởng dài mỗi năm chỉ trồng một vụ, năng suất khoảng 18 – 22 tạ/ha. Do đặc tính sinh trưởng, chỉ những vùng đồi mới khai hoang lúa mới cho năng suất cao, càng về sau năng suất càng giảm, khiến bà con thường phá rừng để lấy đất mới canh tác. Trước đó, huyện đã từng thử nghiệm dự án phục tráng lúa Ra dư nhưng gặp nhiều khó khăn, tạm gác lại.

Đầu năm 2017, Trạm Khuyến nông – lâm – ngư A Lưới mạnh dạn đề xuất huyện triển khai thử nghiệm chuyển lúa Ra dư từ vùng đồi xuống ruộng nước để mở rộng diện tích, cải thiện năng suất tại xã A Roàng.

Theo bà Thắng, Ra dư là giống lúa có sức sống khỏe, kháng bệnh tốt, bà con ở đây cũng có kinh nghiệm trồng lúa lâu năm nên chỉ cần hướng dẫn thêm một số phương pháp kỹ thuật hiện đại như gieo hạt, bón phân… Lợi thế lớn nhất của mô hình này là không cần cải tạo giống khi chuyển xuống trồng ruộng nước, chỉ cần đảm bảo phương pháp điều tiết nước phù hợp, ít hơn so với trồng lúa thông thường để lúa Ra dư có thể dần dần thích nghi.

Anh À Viết Cối (thôn A Ka, xã A Roàng), một trong những hộ tham gia trồng thử lúa Ra dư ở ruộng nước chia sẻ, được chính quyền, Trạm Khuyến nông- lâm- ngư hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, vụ vừa qua gia đình anh trồng thử nghiệm 3 sào. Trước đây, gia đình từng trồng lúa Ra dư trên đồi và canh tác lúa nước nên việc tiếp thu kỹ thuật canh tác, chăm sóc thuận lợi, lúa phát triển khá tốt. Sau 6 tháng, lúa cho thu hoạch, năng suất cao gấp rưỡi so với trồng trên đồi, nhưng thời gian sinh trưởng ngắn hơn 1 tháng, giảm chi phí, công chăm sóc. Hiện gia đình anh đã chọn và giữ lại những bông tốt nhất để làm giống cho vụ tiếp theo.

Vụ mùa vừa qua, toàn xã A Roàng có hơn 30 hộ tham gia trồng thử nghiệm lúa Ra dư với tổng diện tích 1ha và đều đạt kết quả khả quan, năng suất ước đạt 30 tạ/ha. Tuy nhiên, do gieo hạt chậm so với thời gian lý tưởng nên chất lượng gạo chưa được tốt, chỉ xấp xỉ với phương pháp canh tác cũ.

Ra dư là lúa đặc sản của người Pa Cô, đồng bào còn gọi đây là giống “thóc thiêng”, được trồng chủ yếu trên nương rẫy. Gạo Ra dư hạt to, dẻo, có hai màu đỏ và trắng, mùi thơm đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạo nào. Ra dư thường được bà con để dành dùng cho Tết cổ truyền Acha Aza (tết ăn cơm mới) và lễ Aza đánh dấu thời điểm kết thúc một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới.

Bà Hồ Thị Thắng cho biết, sở dĩ chọn A Roàng là nơi thí điểm vì đây là địa phương có diện tích trồng lúa Ra dư lớn, bà con đã có nhiều kinh nghiệm canh tác. Lúc đầu triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác vận động; nhiều hộ tuy tham gia mô hình nhưng lại muốn làm theo kinh nghiệm của bản thân, không hợp tác với cán bộ. Cán bộ khuyến nông phải kiên trì vận động, giải thích từng chút một, giúp bà con nắm vững kỹ thuật.

Do là lần đầu trồng nên bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ, một số diện tích trồng chưa đúng kỹ thuật, mắc sâu bệnh. Cán bộ khuyến nông và người dân luôn phải theo sát ruộng lúa, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra cho đến khi những cây lúa đầu tiên đơm bông.

Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, trạm đã vận động người dân giữ lại lúa, chọn lọc giống theo phương pháp chọn bông đầu dòng để làm vụ tiếp theo vào năm sau; đồng thời, triển khai trồng đối chứng tại chân ruộng khô để dễ dàng so sánh chất lượng.

Theo ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, khi chính quyền có chính sách hỗ trợ người dân trông lúa Ra dư ở ruộng nước bà con rất phấn khởi, xem đây là cơ hội phục tráng, nhân rộng giống lúa cổ truyền, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con xã miền núi. Thành công của mô hình này còn giúp giảm thiểu nạn phá rừng làm rẫy, bảo vệ tài nguyên rừng. Với sự đồng thuận, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con mở rộng thêm diện tích gieo trồng.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” cho người dân biên giới

Ngày 23/12, tại xã biên giới A Roàng (A Lưới), Đoàn thanh niên; Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp với Trường tiểu học Phường Đúc tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 8 năm 2023.

“Ấm tình mùa đông” cho người dân biên giới
A Roàng xa mà gần

A Roàng là xã biên giới của huyện A Lưới, cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km. Bà con sinh sống nơi đây chủ yếu là đồng bào Tà Ôi. Nằm dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, A Roàng xưa nghèo đói, đi lại vô cùng khó khăn, nay lại đang là một điểm đến hấp dẫn với những du khách yêu thích vẻ đẹp mộc mạc của con người, bản làng nơi núi rừng hoang sơ, hay thả mình trong những thác, những hồ giữa đại ngàn.

A Roàng xa mà gần
Thắm tình miền cao

Trại sáng tác văn học nghệ thuật A Roàng năm 2023 kết thúc đã mang lại cho những văn nghệ sĩ tham gia những trải nghiệm, cảm xúc về văn hóa, đời sống của đồng bào vùng cao tại xã A Roàng (huyện A Lưới).

Thắm tình miền cao
Boi p’ruc đón khách

Boi p’ruc là tên gọi món muối cùng các loại lá, hạt thảo dược của người Tà ôi trên vùng cao A Lưới. Đây là muối chấm “thần thánh” dùng cho nhiều món ăn của bà con trong ngày thường và các ngày lễ truyền thống.

Boi p’ruc đón khách
Return to top