ClockThứ Năm, 08/06/2017 13:06

Lừa trúng thưởng

TTH - Nhiều người nhận được cuộc điện thoại thông báo đã trúng thưởng; sau đó yêu cầu mua thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản mới được nhận quà. Chiêu thức này đã được cảnh báo nhiều lần nhưng người dân vẫn bị mắc lừa với số tiền không hề nhỏ.

Đồ họa: Mai Viên

Sập bẫy… quà 

Trò lừa đảo nạp mã số thẻ cào điện thoại để “làm thủ tục nhận thưởng” đang biến tướng tinh vi cả trên điện thoại di động lẫn mạng xã hội. Hấp dẫn bởi món tiền “từ trên trời rơi xuống”, nhiều người tiếp tục sập bẫy trò lừa đảo này dù xuất hiện khá lâu và báo chí  đã cảnh báo nhiều lần. Người ít thì mất vài triệu đến vài chục triệu đồng, cá biệt có trường hợp bị lừa đến hàng trăm triệu đồng, vượt cả tổng số tiền được thông báo trúng thưởng. Những kẻ lừa đảo không ngừng tung ra các chiêu trò mới.

Bà Lương Thị Th. Tr. (63 tuổi, trú phường An Hòa, TP. Huế)- một cán bộ hưu trí bất ngờ nhận được những cuộc điện thoại của của 2 người (nói giọng Bắc) thông báo giải thưởng của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Nội trúng thưởng 1 chiếc xe SH 150i và 245 triệu đồng. Để nhận được quà và tiền, người trúng thưởng có thể ra Hà Nội nhận hoặc nhận qua ký gửi. Khi bà Tr. nói nhận ký gửi, người lạ mặt yêu cầu bà nộp 2 triệu đồng lệ phí thông qua việc mua và cào thẻ điện thoại nộp cho chúng. Tin lời, bà Tr. vội mua 4 thẻ điện thoại mệnh giá 500 ngàn đồng/chiếc rồi cào gửi mã số. “Sau đó người này yêu cầu tôi phải trả cước phí vận chuyển quà từ Hà Nội vào Huế với trị giá 2 triệu đồng, bằng cách cào Card điện thoại và yêu cầu phải giữ kín không được tiết lộ cho người thứ ba biết nếu không sẽ cắt phần thưởng” - bà Tr. trình báo. 

Các đối tượng còn bày ra nhiều khoản tiền khác như thuế thu nhập, chi hoa hồng cho người báo trúng thưởng, phí hải quan, phí quản lý thị trường. Chưa hết, chúng còn yêu cầu người gửi phải gửi thêm phí tổ chức sự kiện, tiền vé máy bay, trích phần trăm cho các quỹ nhân đạo… Với phương thức này, bà Tr. đã cào thẻ và chuyển tiền qua tài khoản cho các đối tượng 345 triệu đồng. Bà Tr. cho biết, vì đã lỡ “phóng lao thì phải theo lao” với mong muốn lấy được tiền và quà bù đắp khoản tiền trót gửi trước đó nên cứ làm theo hướng dẫn.

Trường hợp của bà Tr. không phải là hiếm, bởi chỉ làm một bài toán so sánh về chi phí phải bỏ ra để nhận được món hời kia thì quá nhỏ. Một khi biết rằng con mồi đã sập bẫy, chúng sẽ tiếp tục dẫn dụ để con mồi tiếp tục chuyển tiền qua hình thức thẻ cào. Ngoài việc giả cán bộ ngân hàng, kẻ xấu còn tạo “vỏ bọc” cho mình bằng cán bộ thuế, cán bộ viễn thông… Thực tế trên địa bàn tỉnh và các địa phương trên cả nước đã có hàng nghìn người mắc bẫy lừa đảo trúng thưởng tương tự.  

Cần tỉnh táo

Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã bắt 5 đối tượng liên quan đến hình thức lừa đảo nói trên, với số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Thiếu tá Đặng Đại Dương, Đội phó Đội Điều tra Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, thủ đoạn của chúng không hề mới và cũng hết sức đơn giản, kẻ lừa đảo chỉ cần ngồi ở một nơi nào đó, nhắn tin hoặc gọi điện thoại đối với những người mà chúng biết được số điện thoại và có thể thực hiện được hành vi lừa đảo. Bằng việc đánh trúng tâm lý của nhiều người dân là thích nhận phần thưởng, rồi yêu cầu người được thông báo trúng thưởng phải trả cước phí vận chuyển, lệ phí nhận hàng.... bằng mọi cách để chiếm đoạt của người mà bọn chúng thông báo. “Đối với loại tội phạm này rất khó truy tìm, chúng thường sử dụng sim điện thoại trả trước không đăng ký, thay đổi họ tên rồi mạo danh những nhà mạng, cơ quan và tổ chức có uy tín để thực hiện hành vi lừa đảo, sau khi thực hiện xong chúng vứt sim. Do đó, công tác truy xét gặp rất nhiều khó khăn”- Thiếu tá Dương thông tin.

Ông Dương Tuấn Anh, Giám đốc Viễn thông tỉnh khẳng định, hầu hết trò lừa đều liên quan đến thẻ cào điện thoại của các nhà mạng di động. Do đó, khi nhận bất kỳ thông tin nào liên quan, người dùng nên chủ động gọi hỏi tổng đài tìm hiểu để biết chính xác nội dung khuyến mãi, trúng thưởng có phải lừa đảo hay không. Nếu có giải thưởng, nhà mạng sẽ có văn bản và trực tiếp cử người về tận nhà liên hệ, trao giải. Trong tất cả các chương trình khuyến mãi hoặc quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào, nạp tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đăng tải thông tin trên website và nhắn tin tới thuê bao toàn mạng để khuyến cáo khách hàng về các hình thức mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng.

Đường đi của thẻ card

Theo các chuyên gia, sau khi đối tượng lừa đảo có được mã “code” số thẻ cào, tiền trong thẻ sẽ được “hóa kiếp” theo 2 hướng: Thứ nhất, các seri dãy số sẽ được nhập lại cho chủ nhiều đại lý phân phối thẻ card điện thoại để tiếp tục bán lẻ cho khách hàng. Phương thức thứ hai được thực hiện tinh vi hơn và bán với số tiền lớn hơn, thông qua các công ty có khả năng thu hồi thẻ card được nhà nước cho phép như VTC, Công ty PayGate 365, trang banthe247… Theo đó, nếu là khách hàng quen thuộc, các công ty này sẽ cấp cho “đối tác” một tài khoản, khi nhập các seri thẻ card vào số tiền trong thẻ sẽ tự động tích lũy trong tài khoản đó sau khi trừ chiết khấu. Tức là bạn sẽ mất tiền và không thể lấy lại được mã code sau khi đã bị tài khoản kia “nuốt” vào. Riêng vấn đề này, các nhà mạng vô can bởi nhà mạng chỉ có nhiệm vụ bán ra thẻ card, còn khâu thu mua lại sẽ do các công ty nói trên thực hiện. Hiện, Bộ Thông Tin và Truyền thông có Thông tư 04/2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên Thông tư này vẫn chưa có quy định ràng buộc giữa đơn vị cung cấp thẻ card và đơn vị thu mua.    

Cần quản lý chặt sim, mã thẻ

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế  Công an tỉnh cho biết:

Để tránh mắc bẫy lừa đảo, người dân phải tuyệt đối cảnh giác, không nghe theo những lời mời, cuộc gọi điện thoại lạ có nội dung thông báo trúng thưởng các giải thưởng không thuộc cơ quan nhà nước thông báo. Người bị lừa, nhanh chóng kiểm tra lại tất cả các “cốt” thẻ còn lưu giữ để xác định mã số thẻ, mã số seri cung cấp cho cơ quan công an phục vụ điều tra.

Đối với cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông, kiên quyết yêu cầu người dùng phải đăng ký hoạc hủy bỏ các số sim không chính chủ, tạo hành lang quản lý nhà nước có hiệu quả về vấn đề này. Các công ty có chức năng tiêu thụ mã thẻ, phải kiến nghị xem xét lại quy trình tiêu thụ mã thẻ không chính nghạch, đồng thời phối hợp cơ quan nhà nước thông báo các cá nhân có hành vi nộp bán mã thẻ không đúng quy trình với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng phân phối thẻ điện thoại, khi phát hiện người dân đến mua card điện thoại với số lượng nhiều nhưng không phải để bán lẻ thì phải tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân.

Bài, ảnh: Thái Bình- Kiều Trinh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay

Nhiều chiêu thức lừa đảo của các đối tượng xấu đã được lực lượng chức năng cảnh báo đến người dân. Thế nhưng, vẫn có không ít người “sập bẫy” lừa đảo vì nhiều lý do khác nhau.

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay
Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức hoạt động trại hè

Chỉ thời gian ngắn nữa là đến kỳ nghỉ hè của các em học sinh. Lợi dụng dịp này, các đối tượng xấu đã “tung chiêu” lừa đảo mới bằng hình thức “tổ chức” đăng ký các hoạt động trại hè. Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh lưu ý, các bậc phụ huynh cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lừa.

Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức hoạt động trại hè

TIN MỚI

Return to top