ClockThứ Bảy, 06/09/2014 14:31

Luật Dầu khí

TTH.VN - Luật này quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí nhằm phát triển kinh tế quốc dân, mở rộng hợp tác với nước ngoài;

Căn cứ vào các điều 17, 29 và 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Toàn bộ tài nguyên dầu khí trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý.

Điều 2

Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ để tiến hành các hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư, tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam.

Điều 3

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Dầu khí" là dầu thô, khí thiên nhiên và hydrocarbon ở thể khí, lỏng, rắn hoặc nửa rắn trong trạng thái tự nhiên, kể cả sulphur và các chất tương tự khác kèm theo hydrocarbon nhưng không kể than, đá phiến sét, bitum hoặc các khoáng sản khác có thể chiết xuất được dầu.

2. "Dầu thô" là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất.

3. "Khí thiên nhiên" là toàn bộ hydrocarbon ở thể khí, khai thác từ giếng khoan, bao gồm cả khí ẩm, khí khô, khí đầu giếng khoan và khí còn lại sau khi chiết xuất hydrocarbon lỏng từ khí ẩm.

4. "Hoạt động dầu khí" là hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này.

5. "Hợp đồng dầu khí" là văn bản ký kết giữa Tổng công ty dầu khí Việt Nam với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí.

6. "Dịch vụ dầu khí" là các hoạt động liên quan đến tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí do Nhà thầu phụ tiến hành.

7. "Lô" là một diện tích, giới hạn bởi các toạ độ địa lý, được phân định để tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

8. "Nhà thầu" là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài, được phép tiến hành hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí.

9. "Nhà thầu phụ" là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài ký kết hợp đồng với Nhà thầu hoặc Xí nghiệp liên doanh dầu khí để thực hiện các dịch vụ dầu khí.

10. "Xí nghiệp liên doanh dầu khí" là Xí nghiệp liên doanh được thành lập trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài.

 

CHƯƠNG II

HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Điều 4

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn cho người và tài sản.

Điều 5

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải có đề án bảo vệ môi trường, thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm, loại trừ ngay các nguyên nhân gây ra ô nhiễm và có trách nhiệm khắc phục hậu quả do sự cố ô nhiễm môi trường gây ra.

Điều 6

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn cho các công trình phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

 

Điều 7

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với các phương tiện, công trình phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm môi trường và các bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ trong công nghiệp dầu khí quốc tế.

Điều 8

Diện tích tìm kiếm thăm dò đối với một hợp đồng dầu khí được xác định trên cở sở các lô do Chính phủ Việt Nam phân định.

Điều 9

Không được tiến hành hoạt động dầu khí tại khu vực mà Nhà nước Việt Nam tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc lợi ích công cộng.

Trong trường hợp hoạt động dầu khí đã được phép tiến hành mà bị cấm hoặc tạm thời cấm, Chính phủ Việt Nam giải quyết thoả đáng những thiệt hại cho tổ chức, cá nhân do việc cấm hoặc tạm thời cấm gây ra.

Điều 10

Chính phủ Việt Nam cho phép tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thăm dò và khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác ngoài dầu khí trong diện tích hợp đồng dầu khí theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các hoạt động này không được gây cản trở và làm thiệt hại cho các hoạt động dầu khí.

Điều 11

Toàn bộ mẫu vật, số liệu, thông tin thu được trong quá trình tiến hành các hoạt động dầu khí thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam. Việc quản lý và sử dụng các mẫu vật, số liệu, thông tin này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 12

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí được phép lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các công trình cố định và thiết bị phục vụ các hoạt động dầu khí; được xây dựng, sử dụng đường giao thông, đường ống, kho chứa phục vụ vận chuyển và tàng trữ dầu khí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các công trình cố định, thiết bị trên đây thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam kể từ thời điểm do các bên ký kết hợp đồng dầu khí thoả thuận.

Điều 13

Sau khi kết thúc các hoạt động dầu khí, tổ chức, cá nhân phải giải phóng diện tích đã sử dụng, phải tháo dỡ các công trình cố định, thiết bị theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 14

Tổng công ty dầu khí Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là "PETROVIETNAM") là doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ Việt Nam thành lập để tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí theo quy định của Luật này.

 

CHƯƠNG III

HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

Điều 15

Hợp đồng dầu khí được ký kết dưới các hình thức hợp đồng chia sản phẩm, hợp đồng liên doanh hoặc các hình thức khác.

Hợp đồng dầu khí phải tuân thủ Hợp đồng mẫu do Chính phủ Việt Nam ban hành, trong đó có những nội dung chính sau đây:

1. Tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân tham gia ký kết hợp đồng;

2. Đối tượng của hợp đồng;

3. Giới hạn diện tích và tiến độ hoàn trả diện tích hợp đồng;

4. Thời hạn hợp đồng;

5. Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc kéo dài thời hạn hợp đồng;

6. Cam kết về tiến độ công việc và đầu tư tài chính;

7. Quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng;

8. Việc thu hồi vốn đầu tư, xác định lợi nhuận và phân chia lợi nhuận; quyền của nước chủ nhà đối với tài sản cố định sau khi hoàn vốn và khi chấm dứt hợp đồng;

9. Điều kiện chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng; quyền của Tổng công ty dầu khí Việt Nam được tham gia vốn đầu tư;

10. Cam kết đào tạo và ưu tiên sử dụng lao động, dịch vụ Việt Nam;

11. Trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trong khi tiến hành hoạt động dầu khí;

12. Thể thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.

Ngoài những quy định trong Hợp đồng mẫu, các bên ký kết hợp đồng được thoả thuận các điều khoản khác không trái với quy định của Luật này và pháp luật Việt Nam.

Điều 16

Tổ chức, cá nhân muốn ký kết hợp đồng dầu khí phải thông qua đấu thầu hoặc các hình thức khác do Chính phủ Việt Nam quy định. Tổ chức, cá nhân này phải giải trình rõ khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động dầu khí.

Điều 17

Thời hạn hợp đồng dầu khí không quá hai mươi lăm năm (25 năm), trong đó giai đoạn tìm kiếm thăm dò không quá năm năm (5 năm).

Thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khu vực nước sâu, xa bờ và thời hạn hợp đồng tìm kiếm thăm dò, khai thác khí thiên nhiên không quá ba mươi năm (30 năm), trong đó giai đoạn tìm kiếm thăm dò không quá bảy năm (7 năm).

Thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được kéo dài thêm, nhưng không quá năm năm (5 năm) và thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò có thể được kéo dài thêm, nhưng không quá một năm (1 năm), theo đề nghị của Nhà thầu và phải được Chính phủ Việt Nam quyết định.

Hợp đồng dầu khí có thể kết thúc trước thời hạn với điều kiện Nhà thầu phải hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết và được các bên ký kết hợp đồng thoả thuận.

Điều 18

Diện tích tìm kiếm thăm dò đối với một hợp đồng dầu khí không quá hai lô (2 lô).

Trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ Việt Nam có thể cho phép diện tích tìm kiếm thăm dò đối với một hợp đồng dầu khí trên hai lô (2 lô), nhưng không quá bốn lô (4 lô).

Điều 19

Nhà thầu phải hoàn trả diện tích tìm kiếm thăm dò theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

Điều 20

Nhà thầu và Tổng công ty dầu khi Việt Nam phải thoả thuận trong hợp đồng dầu khí tiến độ công việc và cam kết đầu tư tài chính tối thiểu trong gian đoạn tìm kiếm thăm dò.

Điều 21

Ngay sau khi phát hiện thấy dầu khí, Nhà thầu và Tổng công ty dầu khí Việt Nam phải báo cáo và cung cấp mọi thông tin cần thiết về việc phát hiện thấy dầu khí cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Nếu xét thấy dầu khí đã phát hiện có giá trị thương mại, Nhà thầu phải tiến hành ngay chương trình thẩm lượng, lập báo cáo trữ lượng, sơ đồ phát triển mỏ và khai thác trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 22

Ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài và các văn bản kèm theo hợp đồng phải là tiếng Việt và một thứ tiếng nước ngoài thông dụng do Tổng công ty dầu khí Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thoả thuận. Bản bằng tiếng Việt và bản bằng tiếng nước ngoài đều có giá trị như nhau.

Điều 23

Hợp đồng dầu khí có hiệu lực sau khi được Chính phủ Việt Nam chuẩn y.

Điều 24

Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần hợp đồng dầu khí của các bên tham gia hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi được Chính phủ Việt Nam chuẩn y.

Tổng công ty dầu khí Việt Nam được quyền ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ hợp đồng được chuyển nhượng.

Điều 25

Tổng công ty dầu khí Việt Nam được quyền tham gia vốn vào hợp đồng dầu khí. Tỷ lệ, thời gian tham gia vốn, việc hoàn lại chi phí cho Nhà thầu và thoả thuận về điều hành được quy định trong hợp đồng dầu khí phù hợp với thông lệ trong công nghiệp dầu khí quốc tế.

Điều 26

Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Việt Nam tự đảm nhiệm dịch vụ bay hoặc ký kết hợp đồng liên doanh với nước ngoài để thực hiện các dịch vụ bay phục vụ hoạt động dầu khí.

Điều 27

Các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dầu khí trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải.

Trong trường hợp các bên tranh chấp không thể hoà giải được với nhau, nếu các bên tranh chấp là tổ chức, cá nhân Việt Nam, thì vụ tranh chấp được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam; nếu bên tranh chấp là tổ chức, cá nhân nước ngoài, thì vụ tranh chấp được giải quyết theo các quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

CHƯƠNG IV

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÀ THẦU

Điều 28

Nhà thầu có các quyền sau đây:

1. Được hưởng những ưu đãi và những bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam;

2. Được sử dụng các mẫu vật, số liệu, thông tin thu được để tiến hành các hoạt động dầu khí;

3. Được tuyển dụng người lao động để thực hiện các công việc của hợp đồng dầu khí trên cơ sở ưu tiên tuyển dụng người lao động Việt Nam;

4. Được thuê Nhà thầu phụ theo quy định của Luật này và phù hợp với thông lệ trong công nghiệp dầu khí quốc tế;

5. Được miễn thuế nhập khẩu các thiết bị, vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí và miễn thuế tái xuất khi các thiết bị nhập khẩu không được lắp đặt cố định hoặc vật tư không sử dụng hết theo quy định của pháp luật Việt Nam;

6. Được quyền sở hữu phần dầu khí của mình sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam;

7. Được xuất khẩu phần dầu khí của mình theo thoả thuận trong hợp đồng dầu khí;

8. Được thu hồi vốn đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng dầu khí;

9. Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài được chuyển vốn đầu tư và lợi nhuận thu được trong quá trình hoạt động dầu khí ra nước ngoài theo các quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 29

Nhà thầu phụ được hưởng các quyền quy định tại các điểm 1, 3 và 5 Điều 28 của Luật này.

Nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân nước ngoài còn được hưởng quyền quy định tại điểm 9 Điều 28 của Luật này.

Điều 30

Nhà thầu có các nghĩa vụ sau đây:

1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam;

2. Thực hiện các cam kết ghi trong hợp đồng dầu khí;

3. Nộp các loại thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam;

4. Chuyển giao công nghệ; đào tạo, sử dụng cán bộ, công nhân Việt Nam và bảo đảm quyền lợi của người lao động;

5. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường;

6. Báo cáo hoạt động dầu khí với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và Tổng công ty dầu khí Việt Nam;

7. Cung cấp các tài liệu cho đoàn thanh tra;

8. Thu dọn các công trình, thiết bị, phương tiện sau khi kết thúc hoạt động dầu khí theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền;

9. Bán tại thị trường Việt Nam một phần dầu khí thuộc quyền sở hữu của mình khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu.

Điều 31

Nhà thầu phụ có các nghĩa vụ quy định tại các điểm 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 30 của Luật này.

CHƯƠNG V

THUẾ VÀ LỆ PHÍ

Điều 32

Tổ chức, cá nhân khai thác dầu khí phải nộp thuế tài nguyên.

Thuế tài nguyên được tính theo sản lượng khai thác thực tế trong thời kỳ nộp thuế cho từng hợp đồng dầu khí.

Thuế suất thuế tài nguyên đối với dầu thô được quy định từ sáu phần trăm (6%) đến hai mươi lăm phần trăm (25%), trường hợp đặc biệt có thể cao hơn.

Thuế suất thuế tài nguyên đối với khí thiên nhiên được quy định từ không phần trăm (0%) đến mười phần trăm (10%).

Chính phủ Việt Nam quy định thuế suất cụ thể trong phạm vi khung thuế suất nói trên tuỳ thuộc vào các điều kiện địa lý, kinh tế kỹ thuật của mỏ và mức sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên.

Điều 33

Tổ chức, cá nhân tiến hành tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí phải nộp thuế lợi tức với thuế suất năm mươi phần trăm (50%) trên lợi tức chịu thuế trong thời kỳ nộp thuế.

Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí có thể được miễn hoặc giảm thuế lợi tức. Việc miễn hoặc giảm thuế lợi tức do Chính phủ Việt Nam quy định.

Điều 34

Nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân Việt Nam tiến hành các hoạt động tại Việt Nam phải nộp thuế lợi tức theo quy định của Luật thuế lợi tức.

Nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân nước ngoài có đăng ký hoạt động tại Việt Nam phải nộp thuế lợi tức theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 35

Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tiền thuê sử dụng mặt đất hoặc thuế nhà đất, các khoản thuế khác và lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động dầu khí phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 36

Người nước ngoài và người Việt Nam làm việc cho Nhà thầu, Xí nghiệp liên doanh dầu khí, Nhà thầu phụ phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 37

Theo thoả thuận trong hợp đồng dầu khí, thuế tài nguyên và các khoản thuế mà Nhà thầu hoặc Xí nghiệp liên doanh dầu khí phải nộp có thể được tính gộp vào phần chia sản phẩm của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, với điều kiện Tổng công ty dầu khí Việt Nam cam kết nộp thuế tài nguyên và các khoản thuế đó thay cho Nhà thầu hoặc Xí nghiệp liên doanh dầu khí.

CHƯƠNG VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Điều 38

Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phối hợp tuyên truyền biển, đảo có chiều sâu và sức lan tỏa

Ngày 27/3, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo năm 2023 giữa Vùng 3 Hải quân với Ban Tuyên giáo các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Phối hợp tuyên truyền biển, đảo có chiều sâu và sức lan tỏa
Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến

Ngày 27/3, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác tuần tra phòng, chống tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển ven bờ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến
Thiết thực chương trình "Tháng 3 biên giới"

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Siêu thị Co.opmart tổ chức chương trình "Tháng 3 biên giới – Biên cương Tổ quốc năm 2024" tại địa bàn xã Lâm Đớt, huyện A Lưới (Việt Nam) và bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào).

Thiết thực chương trình Tháng 3 biên giới
Lúa đã xanh trên những triền đồi

Hạt thóc gieo xuống sườn đồi đã không còn lặng im chờ nắng gió để lên xanh. Những miệng ăn trong nhà không còn trông ngóng vào những gùi củi, gùi măng hái trên rừng về lúc chiều muộn. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới giờ đã biết làm ăn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, dần dần thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn ngày cũ. Đồng hành cùng với bà con dân bản tạo nên đổi thay ấy, có sự tận tâm tận lực của những người lính nơi biên cương.

Lúa đã xanh trên những triền đồi
Return to top